Thứ Ba, 06/04/2021 08:50

Phát triển thị trường vốn mới “kích hoạt” DNNN

Phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước. Phát triển thị trường vốn cũng sẽ thúc đẩy DNNN tham gia huy động vốn theo hướng giảm tỷ trọng vay tín dụng thương mại, đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn.

Tái cấu trúc DNNN còn chậm

Tính đến ngày 31-12-2019, tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 818 DN là 1.602.182 tỷ đồng (tăng 4% so với năm 2018). Trong đó DNNN 1.425.050 tỷ đồng, DN có vốn nhà nước 177.132 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 3.806.789 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2018.

Có 85% DN có lãi và 15% DN có kết quả kinh doanh bị lỗ, hòa vốn. Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của DNNN và DN có vốn nhà nước 396.356 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2018.

Tổng doanh thu của các DN (do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ) tăng từ 1.515.822 tỷ đồng năm 2016 lên 1.656.124 tỷ đồng năm 2019 (tăng 9%). Trong đó, doanh thu bình quân 1 DN 3.028 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 1 DN trong 4 năm đạt 9,26%. Lợi nhuận trước thuế của các DN tăng từ 139.659 tỷ đồng lên 162.750 tỷ đồng, tăng 16,53%. Lợi nhuận bình quân 1 DN 304 tỷ đồng và tăng trưởng lợi nhuận bình quân 1 DN trong 4 năm đạt 12,34%.

Số DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước dưới hình thức CTCP, TNHH 2 thành viên trở lên, tổng doanh thu tăng từ 423.251 tỷ đồng năm 2016 lên 662.286 tỷ đồng, tăng 56,48%. Trong đó, doanh thu bình quân 1 DN 1.773 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 1 DN trong 4 năm đạt 9,32%.

Về cổ phần hóa (CPH), giai đoạn 2016-2020 đã có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, với tổng giá trị DN 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước 207.116 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 180 DN đã CPH chỉ có 37/180 DN thuộc danh mục CPH theo Công văn 991/TTg-ĐMDN và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). 

Thị trường vốn ngoài vai trò cung cấp vốn đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của DNNN, còn là “tấm gương” phản chiếu kết quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy DNNN đổi mới quản trị, minh bạch thông tin, tăng cường sức cạnh tranh…

Về thoái vốn, giai đoạn 2016-2020 đã thoái vốn 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 103 đơn vị thuộc Quyết định 1232/QĐ-TTg của Chính phủ với giá trị 4.966 tỷ đồng, thu về 9.647 tỷ đồng (đạt 30% về số lượng và 8% về giá trị so với kế hoạch Chính phủ phê duyệt); thoái vốn nhà nước tại các DN ngoài danh mục 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco); các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.996 tỷ đồng thu về 53.063 tỷ đồng. Nhìn chung tái cấu trúc DNNN (chủ yếu theo hình thức CPH và thoái vốn nhà nước tại DN) vẫn còn chậm.

Thị trường vốn chủ yếu là TTCK, nhưng phải phát triển có tính bền vững. Ảnh: VIẾT CHUNG

Vai trò thúc đẩy của thị trường vốn

Do vậy thị trường vốn trong giai đoạn 2021-2030 sẽ được tăng cường quản lý, giám sát để phát triển bền vững. Thị trường vốn với nòng cốt là thị trường chứng khoán (TTCK) hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp các chủ thể tham gia thị trường; nâng cao tính cạnh tranh, vận hành thị trường theo xu hướng và thông lệ quốc tế.

Từng bước chuyển từ cơ chế quản lý thị trường cổ phiều dựa trên chất lượng sang công bố thông tin đầy đủ; tiến tới thành lập sàn giao dịch chuyên biệt cho DNNN; đa dạng phương thức định giá cổ phần chào bán ra công chúng.

Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu DN trở thành thị trường quan trọng cùng với thị trường cổ phiếu, là kênh huy động chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của DNNN.

Hình thành thị trường dịch vụ đánh giá hệ số mức tín nhiệm để thúc đẩy DNNN đổi mới quản lý, thúc đẩy quản trị đầy đủ theo nguyên tắc thông lệ quốc tế và coi trọng việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trước người dân và xã hội.

Như vậy, thị trường vốn (chủ yếu là các sở giao dịch cổ phiếu, trái phiếu) sẽ giữ vai trò là nơi cung cấp vốn đáp ứng yêu cầu về thời gian, khối lượng và giá phí cho DNNN. Mặt khác, đây cũng là tấm gương phản chiếu kết quả sản xuất kinh doanh của DN, thúc đẩy DN phải đổi mới quản trị, minh bạch thông tin, tăng cường sức cạnh tranh...

Phát triển thị trường vốn (chủ yếu là TTCK) cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy tái cấu trúc DNNN trên các phương diện: (i) Góp phần thúc đẩy DNNN sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước. Qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước. Đây là vấn đề tồn tại kéo dài trong thời gian qua tại đa số DNNN, là nguyên nhân của kém hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.

(ii) Thúc đẩy DNNN tham gia huy động vốn theo hướng giảm tỷ trọng vay tín dụng thương mại, giảm áp lực tăng giá phí trong nước; đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn.

Để gắn sự phát triển của thị trường vốn với lộ trình tái cấu trúc DNNN giai đoạn 2021-2025, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.  Trước hết, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN, về sắp xếp, CPH, thoái vốn theo tinh thần Nghị quyết 12-NQ/TW.

Hoàn thiện chính sách về CPH DN, trong đó trọng tâm là quy định về đăng ký lưu ký, giao dịch và niêm yết trên TTCK. Thí điểm một số DNNN sau CPH đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK khu vực và thế giới.

Đối với DN đã CPH nhưng chưa đạt được tỷ lệ vốn nhà nước theo tiêu chí phân loại DNNN, phải tổ chức lập kế hoạch và triển khai công tác thoái vốn theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tỷ lệ nhà nước nắm giữ.

Thực hiện công khai thông tin đối với DN có vốn nhà nước (trừ DN có liên quan đến quốc phòng, an ninh), đảm bảo mọi đối tượng quan tâm có thể dễ theo dõi, giám sát, khai thác thông tin. Đặc biệt, cần ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với công tác công khai thông tin của DN.

Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Một công ty chuyên xuất khẩu gạo dự tính IPO vào quý 3 (02/04/2021)

>   HOSE: Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá của Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (30/03/2021)

>   Công ty con của Đất Xanh chuẩn bị IPO với giá 32,000 đồng/cp (29/03/2021)

>   HOSE: Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá Công ty Cổ phần Bất động sản Khải Hoàn Land (17/03/2021)

>   Bộ Tài chính ‘thúc’ Hà Nội, TP.HCM khẩn trương cổ phần hóa, thoái vốn (05/03/2021)

>   Khải Hoàn Land dự kiến chào bán lần đầu 16 triệu cp (05/03/2021)

>   Một doanh nghiệp in ấn tại Nghệ An sắp IPO với giá khởi điểm 12,000 đồng/cp (04/03/2021)

>   Cổ phần hóa: Bao giờ thôi ì ạch?: Xử lý dứt điểm những tồn tại (25/02/2021)

>   Cổ phần hóa: Bao giờ thôi ì ạch? (24/02/2021)

>   UBND tỉnh Phú Thọ hoàn tất thoái vốn tại MHP (18/02/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật