'Phá băng' loạt công trình giao thông tại TP.HCM
Sáng nay 20.4, tại buổi trao đổi với truyền thông báo chí, Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các dự án, tăng tốc giao thông trong năm 2021.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đang nằm “treo cẩu” giữa lòng sông. Ảnh: Độc Lập
|
Xóa "treo" nhiều cây cầu trọng điểm
Một trong những dự án được người dân quan tâm nhiều nhất trong thời gian qua là cầu Thủ Thiêm 2 (Q.1). Cuối tháng 3, Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã gửi văn bản tới UBND TP “kêu cứu” vì lo sợ dự án đã “trùm mền” quá lâu, nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. Sau đó, các bên liên quan đã họp bàn, thống nhất tái thi công cầu Thủ Thiêm 2 trước ngày 15.4 nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thi công trở lại.
Đại diện Sở GTVT cho biết Sở vẫn đang thường xuyên trao đổi với nhà đầu tư để tháo gỡ những vướng mắc về vấn đề mặt bằng. Nhà đầu tư cũng đang yêu cầu các đơn vị thi công tổng kết thiết bị cũng như vận chuyển cơ sở hạ tầng từ Vũng Tàu về để tiếp tục triển khai thi công. Dự kiến, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ vẫn đưa vào khai thác ngày 30.4.2022 theo đúng kế hoạch.
Đối với cầu Long Kiểng (Nhà Bè), Sở GTVT và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP đã họp và thống nhất tiến độ xây dựng. Dự kiến địa phương sẽ bàn giao mặt bằng vào quý 3/2021 cho chủ đầu tư để tiếp tục thi công dự án. “Tối đa 15 tháng sau khi nhận mặt bằng, đơn vị thi công sẽ hoàn thành cầu Long Kiểng” - đại diện Sở GTVT thông tin.
Trong khi đó, những cây cầu cũng đang "treo cẩu" chờ mặt bằng như cầu Nam Lý (nối Thủ Đức, Q.9, Q.2) hay cầu Tăng Long (Q.9) được khẳng định sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư. Từ 12 - 15 tháng sau khi nhận bàn giao mặt bằng, các cây cầu này sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Như Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh, các dự cầu Thủ Thiêm 2, cầu Tăng Long, cầu Nam Lý và cầu Long Kiểng có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhưng vì vướng mặt bằng đã "treo cẩu" suốt nhiều năm, gây khó khăn cho người dân và nhếch nhác bộ mặt đô thị.
Tăng tốc nhiều dự án lớn
Hệ thống cảng biển tại TP.HCM chiếm 26% so với cả nước, song, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT đánh giá hạ tầng giao thông kết nối yếu kém là nguyên nhân chính khiến thành phố vẫn chưa khai thác được tiềm năng này. Sở GTVT đang tập trung phát triển các tuyến vành đai 2, vành đai 3, tạo thành một hệ thống các tuyến vành đai kết nối cảng cho xe container, xe chở hàng cỡ lớn lưu thống, tránh đi vào nội đô TP.HCM để giải tỏa giao thông kết nối tới các cụm cảng.
Đồng thời, kết hợp với các địa phương như Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương để sớm triển khai các dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành hay TP.HCM - Mộc Bài. Trong đó, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến sẽ khởi công vào năm 2023, hoàn thành sau 2 năm. Cùng với đó, đối với dự án mở rộng đường Đặng Phúc Vịnh (Hóc Môn) hay dự án Nút giao Mỹ Thủy, Sở GTVT cũng đang cố gắng phối hợp giải phóng mặt bằng nhanh chóng để hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.
"Hiện nay, việc ùn tắc giao thông trong nội thành TP.HCM đang là vấn đề nhức nhối. Rất nhiều tuyến đường có nguy cơ ùn tắc cao và rất cao, nhất là khi có một sự cố giao thông xảy ra. Đối phó với vấn đề này, Sở đã và đang kết hợp với Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát Giao thông tạo lập những đội phản ứng nhanh, hệ thống camera giám sát dọc các tuyến đường, từ đó dập tắt nhanh nhất những điểm ùn tắc. Các sự cố xảy ra trong khoảng từ 5 -15 phút sẽ được giải tỏa ngay” - lãnh đạo ngành giao thông thành phố khẳng định.
Nguyễn Bảo Anh
Thanh niên
|