Nhu cầu cao và sự thiếu hụt nguồn cung đẩy giá thép tăng vọt trên toàn cầu
Những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung đẩy giá thép ở nhiều quốc gia tăng lên mức kỷ lục.
Tại Trung Quốc – đất nước sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, giá thép đã chạm mức kỷ lục giữa lúc các cơ quan chức trách đưa ra biện pháp kìm hãm nguồn cung và nhu cầu nội địa cũng gia tăng.
Giá hợp đồng thép thanh xây dựng giao tháng 5/2021 tại Thượng Hải tăng 2.4% lên 5,200 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 793.42 USD/tấn), mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) – loại thép sử dụng trong lắp ráp xe hơi và đồ gia dụng – chạm mức cao nhất kể từ năm 2014, dữ liệu từ Refinitiv Eikon cho thấy. Cụ thể, giá hợp đồng HRC giao tháng 5/2021 tăng 1.3% lên 5,589 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 854.5 USD/tấn).
Các biện pháp kiểm soát sản lượng tại thủ phủ sản xuất thép Đường Sơn (Trung Quốc) ngay trong mùa cao điểm cũng khiến hàng tồn kho thép của các công ty giảm mạnh, các chuyên viên phân tích tại Sinosteel Futures cho biết trong một báo cáo.
Gần đây, chính quyền Trung Quốc yêu cầu hơn 20 nhà máy sản xuất thép cắt giảm 30-50% sản lượng thép cho tới cuối năm 2021, đồng thời thông báo sẽ kiểm tra về việc tuân thủ các lệnh cắt giảm công suất sản xuất thép với mục tiêu giảm bớt ô nhiễm môi trường – một trong những mục tiêu của Trung Quốc trong năm nay.
Tại cuộc họp ngày 03/04, Chính phủ Đường Sơn yêu cầu các nhà máy thép đẩy nhanh việc giảm bớt khí thải ô nhiễm, đồng thời cảnh báo sẽ đình chỉ hoạt động nếu không đáp ứng tiến độ như yêu cầu trước ngày 15/06. Các quan chức Trung Quốc cũng cam kết sớm đưa ra các yêu cầu cụ thể về lượng khí thải của lĩnh vực thép.
Sau 2 tuần bị áp lệnh giảm công suất, công suất sử dụng tại 126 lò cao đã giảm xuống 58.5% vào ngày 01/04, mức thấp nhất trong 20 tháng.
Khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng, giá của các nguyên vật liệu sản xuất thép quan trọng đều giảm, trong đó giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm xuống 971 Nhân dân tệ/tấn, trong khi hợp đồng quặng sắt giao tháng 4/2021 trên sàn Singapore giảm xuống 165.80 USD/tấn.
“Các nhà máy không dám bất tuân lệnh cắt giảm công suất, ít nhất là trong ngắn hạn”, một thương lái thép tại Đường Sơn cho biết. “Trước đây, các nhà máy chỉ cắt giảm sản lượng khi các nhân viên Chính phủ tới kiểm tra và trở lại sản xuất như bình thường khi các nhân viên kiểm tra rời đi. Thời đó qua rồi”, ông thẳng thắn nói.
Xu hướng trên toàn cầu
Theo SteelMint, giá thép HRC xuất khẩu của Ấn Độ ở mức 890 USD/tấn (tính theo hợp đồng xuất khẩu FoB), tăng 63 USD so với tuần trước đó.
Những tin đồn về việc Trung Quốc giảm khoản hoàn thuế xuất khẩu (từ 13% xuống 0%) cùng với sự ưa thích thép HRC có nguồn gốc từ Ấn Độ của các doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy giá chào bán HRC của Ấn Độ tăng vọt. Một số nhà máy thép Ấn Độ chào bán HRC cho các công ty Việt Nam ở mức 920-925 USD/tấn (trên cơ sở hợp đồng CFR).
Trong khi đó, một vài nhà máy Ấn Độ tạm ngưng chào giá xuất khẩu HRC để chờ xác nhận về thông tin Trung Quốc cắt giảm hoàn thuế xuất khẩu.
Ở thị trường châu Âu, giá thép HRC cũng tiếp tục leo thang. Giá HRC tại khu vực Bắc Âu của Fastmarkets tăng lên mức 843 Euro/tấn (tương đương 993.3 USD/tấn) vào ngày 01/04, vượt mức kỷ lục trước đó là 830 Euro/tấn và tăng 27.67 Euro/tấn so với tuần trước đó. Tính trong 1 tháng qua, giá thép HRC tại châu Âu đã tăng hơn 103 Euro/tấn.
Tương tự với các thị trường khác, châu Âu cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu gia tăng. Nguồn tin từ thị trường cho biết nhu cầu từ người tiêu dùng cuối cùng vẫn rất cao, cả nhà phân phối lẫn người mua đều đang gặp nhiều khó khăn để tăng hàng tồn kho.
“Trong tuần trước, không một ai có sẵn thép để bán ngoại trừ ArcelorMittal (ông lớn sản xuất thép tại châu Âu). Lượng thép chào bán từ ArcelorMittal cũng rất giới hạn”, một nhà phân phối tại Italy cho biết.
Một nhà sản xuất khác nhận định: “Bạn có thể đề xuất bất kỳ giá nào và người mua sẽ chấp nhận thôi, vì họ cần nguyên vật liệu. Tôi nghĩ vấn đề nguồn cung sẵn có còn lớn hơn cả vấn đề về giá cả. Vì thế các nhà máy có cơ hội để tăng giá chào bán”.
Trong khi đó, giá HRC tại Mỹ cũng đang dao động ở mức cao kỷ lục. Tính tới ngày 31/03, chỉ số giá thép HRC của Fastmarkets ở mức 1,327 USD/tấn.
Vũ Hạo (Tổng hợp)
FILI
|