Nhóm cổ đông Eximbank tiếp tục yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường
HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB) vừa thông qua việc triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường theo kiến nghị, yêu cầu của nhóm cổ đông ngày 12/03/2021.
Theo đó, HĐQT Eximbank quyết định ngày chốt danh sách cổ đông dự họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 14/05/2021.
Nội dung họp ĐHĐCĐ bất thường theo văn bản kiến nghị, yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường của nhóm cổ đông ngày 12/03/2021 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ theo quy định.
Vào ngày 26- 27/4 tới đây, Eximbank ấn định thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên cho hai năm 2020-2021.
Nhiều vấn đề nóng sẽ được Eximbank trình tại Đại hội sắp tới như sửa đổi điều lệ Ngân hàng và kế hoạch trả cổ tức 1,800 đồng/cp sau 7 năm không chia.
Trong đó, Eximbank trình sửa đổi tỷ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể tiến hành ĐHĐCĐ giảm từ 65% xuống 50%.
Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, thì thông báo mời họp lần thứ 2 phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. ĐHĐCĐ lần thứ hai được tiến hành khi tỷ lệ giảm từ 51% xuống 33%.
Trường hợp cuộc họp lần thứ 2 không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp.
Đồng thời, HĐQT Eximbank cũng muốn điều chỉnh tỷ lệ tán thành để thông qua quyết định của ĐHĐCĐ từ 65% xuống 50%.
Còn nhớ năm trước, vào ngày 30/06 và 29/07, ĐHĐCĐ thường niên lần 1 và 2 của Eximbank tổ chức ở TPHCM không thể thực hiện được do không đủ số cổ đông tham dự. Sau đó, Ngân hàng dự định tổ chức Đại hội lần 3 tại Hà Nội vào ngày 17/08 thì không thể tổ chức được do dịch Covid-19. Và ngày 15/12/2020, ĐHĐCĐ thường niên 2020 vẫn chưa thể diễn ra cũng với lý do dịch Covid-19.
Vấn đề hiện hữu ở Eximbank (EIB) là cơ cấu cổ đông và sự tranh chấp nắm quyền điều hành ngân hàng giữa các nhóm cổ đông quá phức tạp, kéo dài. Theo dữ liệu của HOSE, đến ngày 07/03/2021 nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 29.82% cổ phần EIB, trong đó Sumitomo Mitsui Banking Corporation nắm 15%, Quỹ VOF 4.97%. Trong 70% cổ phần còn lại Vietcombank sở hữu 4.82%. Như vậy khoảng 65% cổ phần EIB thuộc về cổ đông bên ngoài.
Hai nhóm nhà đầu tư chủ yếu đang nắm giữ một tỷ lệ ngang ngửa trong số 65% cổ phần kia. Để có thể tạo ưu thế chi phối, hai nhóm đều “tranh thủ” sự ủng hộ của cổ đông nước ngoài và cổ đông tổ chức Vietcombank.
Khang Di
FILI
|