Nhịp đập Thị trường 01/04: VN-Index lại lập đỉnh đúng ngày Cá tháng Tư
Đúng như đự đoán, HOSE lại sớm nghẽn lệnh trong phiên chiều, nên nói vui rằng không có cơ hội nào để kéo chỉ số VN-Index xuống trong ngày giao dịch lịch sử hôm nay. VN-Index “đi ngang” trong gần như suốt phiên chiều và đóng cửa ở 1,216 điểm, tăng 2.1%. Chỉ số nhóm VN30 tăng 2.5% lên 1.226.2 điểm, và đây chính là nhóm đã đẩy chỉ số chính của sàn HOSE lên cao ngày hôm nay. Lên đỉnh đúng ngày Cá tháng Tư, đúng là không thể thú vị hơn.
SHB được kéo thốc lên hơn 5% chỉ trong vài phút cuối phiên chiều, giúp cổ đông ngân hàng này, những ai đang than thở xủi xẻo vì cổ phiếu giảm giá trong khi gần như cả nhóm ngân hàng tăng giá, mừng vui trở lại. HNX-Index cũng được hưởng vui lây, vì cũng được đẩy tăng 2% vào phút cuối. Tuy nhiên cũng phải “bênh” HNX-Index một chút, vì chỉ số này cũng được không ít Large Cap khác (ngoài SHB) hỗ trợ, như SHS, CEO, IDC, PLC, PVS, VNR… 2 chỉ số phụ có mặt của những Large Cap này, bao gồm HNX30-Index và Large Cap index, cũng tăng mạnh hơn cả chỉ số chính sàn HNX. Ngược lại, chỉ số nhóm mid/smallcap lại chỉ tăng có 0.6%, dù sàn HNX có gần 20 mã thuộc nhóm này tăng trần.
Khóa học Online
CHỨNG KHOÁN CƠ BẢN
Dành cho Nhà đầu tư mới
💡 Khai giảng: 05/04/2021
💡 Ưu đãi lên đến: 60%++
Hotline: 0908 16 98 98
>> Đăng ký ngay
|
Nhóm chứng khoán đồng loạt tăng khủng chiều nay. Vốn được chú ý ngay từ phiên sáng (cùng với nhóm ngân hàng), nhưng đến chiều hàng loạt mã trong nhóm này dựng đứng hay tăng trần (hoặc sát trần), từ “đại ca” SSI đến các mã tầm trung như SSH, MBS, BVS… ngay cả cổ phiếu kém thanh khoản như PSI cũng tăng 9.5%. Riêng VND, do ngưng giao dịch để chuyển sàn, nên không rõ hôm nay cổ đông công ty này vui hay buồn đây?
Nhóm ngân hàng vẫn giữ nguyên trạng thái tích cực từ phiên sáng, và do nhiều mã thuộc HOSE, nên không có cơ hội tăng giá thêm như… SHB (thuộc HNX). Cổ phiếu SHB đã tăng hơn 5% chỉ trong vài phút cuối phiên chiều, vốn trước đó còn giảm dưới tham chiếu. Mã SSB cũng kịp tăng trở lại vào đúng phút cuối phiên chiều, dù có hiện tượng chốt lời giảm giá sau 6 phiên tăng trần liên tiếp. Các mã khác có mức tăng thêm trong phiên chiều bao gồm VIB, MBB hay VPB...
Khối ngoại có vẻ mua bán cân bằng trên HOSE ngày hôm nay, thậm chí dường như mua ròng trên nhóm VN30. Ở nhóm này, họ mua ròng mạnh STB, VIC và HPG, trong khi bán ròng mạnh nhất ở CTG và VNM. Tuy nhiên, giá cổ phiếu hôm nay không hề bị ảnh hưởng bởi giao dịch khối ngoại, đơn giản vì VN-Index lập đỉnh ấn tượng.
Chỉ số sàn UPCoM đã nhanh chóng leo lên trên tham chiếu chỉ sau khi bước vào phiên chiều vài phút. Nhiều mã Large Cap sàn UPCoM vẫn giữ nguyên diễn biến tích cực, cho nên chỉ số tăng có lẽ là nhờ các mã vừa và nhỏ. Số lượng cổ phiếu tăng giá sàn này, tính đến cuối ngày là 179 mã, trong khi số giảm giá là 90 mã, gần như không đổi so với cuối phiên sáng. Các Large Cap tăng khá ấn tượng vào cuối phiên chiều bao gồm BSR, LTG, OIL, VGI…
Nhóm mía đường đã xanh tất cả trong phiên chiều, kể cả SBT cũng tăng hơn 2.2%. Điều này đảo ngược so với cuối phiên sáng, có lẽ nhờ tâm lý đám đông tích cực.
Nhóm ngành xui xẻo nhất hôm nay có lẽ là dệt may, khi vẫn có rất nhiều cổ phiếu giảm giá, từ VGT, VGG đến M10, MSH, EVE, TCM, STK, PPH…
FLC lại giảm 5.5% cho đến cuối phiên chiều nay, như vậy cổ phiếu này chỉ có vài thời khắc hồi lại về gần tham chiếu. Tính nguyên ngày, FLC ngập trong sắc đỏ. Những mã khác, vốn hay được cho là có liên can đến FLC, cũng giảm giá như ROS, GAB, HAI… tuy nhiên ART tăng 9%, không hiểu là có “ăn theo” nhóm chứng khoán hay không.
Phiên sáng: VN-Index vượt mốc tâm lý tới hơn 10 điểm
VN-Index đã vượt hơn 10 điểm so với… mốc 1,200 điểm trong sáng nay. Tổng giá trị GD trên HOSE đạt gần 12,500 tỷ đồng, như vậy vẫn có khả năng nghẽn trong phiên chiều. Dù vậy, cũng khó mà khiến chỉ số rơi lại về dưới 1,200 hôm nay.
VN-Index đang được đẩy bằng largecap, nhất là trogn VN30. Chỉ số nhóm VN30 đã tăng sát 2% lên 1,220.1 điểm, với 29 mã tăng giá và một mã giảm xui xẻo là SBT. SSI tăng mạnh nhất nhóm này, tới 6.1%. Các đại gia ngân hàng đều tăng tích cực trên 1%, tương tự là bộ ba nhà Vingroup.
HNX-Index đã tăng trở lại, và nhiều khả năng là “đu trend” theo VN-Index. Cho dù SHB vẫn giảm giá, nhưng không ít mã khác được coi là Large Cap sàn này đã tăng tốt hơn nhiều so với đầu phiên sáng, như SHS, LAS, CEO, MBS, BVS, VNR… Tuy vậy vẫn có 1 số Large Cap giảm nhẹ, như PHP, VCS. Một điều thú vị khác trên HNX, đó là nhóm HNX30 và nhóm Large Cap chạy nhanh hơn nhóm midcap và smallcap.
Nhóm ngân hàng đang có diễn biến hết sức tích cực so với đầu phiên. Nhiều mã đã tăng hơn 2%, kể cả các đại gia VCB, BID, CTG hay MBB. SHB giảm giá suốt phiên sáng là điều “đáng tiếc”, nhưng có lẽ là do tâm lý chốt lời mà thôi. SSB sáng nay giảm 2,3% nhưng đơn giản là do tăng 6 phiên trần trước đó rồi. Có lẽ KLB là một trường hợp giảm giá khó giải thích hơn cả.
Chỉ số chính Sàn UPCoM vẫn đỏ và có vẻ như do trọng số cổ phiếu bị “cào bằng”. Số cổ phiếu tăng giá trên sàn này là 115 mã, nhiều hơn so với 95 mã giảm giá, và quan trọng nhất là có rất nhiều largecap tăng giá, như BSR, OIL, VTP, VGI, SNZ, ACV…
Với diễn biến tích cực hướng về cuối phiên sáng, các nhóm ngành nhìn chung đều xanh, tuy nhiên vẫn có 1 số nhóm có nhiều sắc đỏ (phân hóa), như hóa chất, BĐS công nghiệp, sắt thép… Dệt may có lẽ là nhóm ngành khó giải thích, khi có rất nhiều mã giảm giá, từ VGT, VGG, MSH…đến TCM, STK, EVE, PPH…
MSN có 2 phiên bứt tốc vừa qua, đến sáng nay lại chỉ tăng nhẹ 200 đồng/cp, dù họp ĐHCĐ. Có lẽ thông tin mảng bán lẻ khi nào mới có lãi đang tác động lên giá cổ phiếu này, vì hiển nhiên cổ đông vẫn phải chờ. Đồng loạt các cổ phiếu khác trong “gia đình” này sáng nay cũng chỉ tăng nhẹ, bao gồm MML, MCH, MSR và TCB.
10h30: Lại vượt 1,200 điểm
VN-Index lại 1 lần nữa vượt 1,200 điểm sáng nay, thậm chí lên 1,205 điểm trong 30 phút đầu tiên. Động lực đẩy chỉ số vượt mốc “tâm lý ám ảnh” này là Large Cap, mà trong số đó có thể kể đến những mã như GAS, PLX, VNM, VJC… Điều khá ngạc nhiên là bộ ba cổ phiếu nhà Vingroup lại giảm nhẹ trong khoảng thời gian index lên đỉnh đó.
Trong nhóm VN30, có đến 27 mã tăng giá so với chỉ 2 giảm giá vào lúc này. Lưu ý rằng đầu phiên sáng, mối tương quan là rất cân bằng. các mã ngân hàng như VCB, CTG, BID, MBB… và nhiều mã khác đang tăng giá hơn 1%.
Chỉ số sàn HOSE xanh, nhưng HNX-Index vẫn đỏ trong gân như suốt nửa đầu phiên sáng nay, lý do có lẽ là vì bị SHB kìm giữ. Điều thú vị là dù SHB giảm, nhưng SHS lại đã tăng hơn 6%, chắc vì là hưởng tin tốt từ nhóm ngành môi giới chứng khoán. Đại gia ngân hàng trên sàn HNX này vẫn giảm loanh quanh 2%. 1 số Large Cap khác cũng đỏ như VCS, NTP, PHP… tuy vậy HNX-Index cũng đang rất gần tham chiếu, và có thể đổi màu bất cứ lúc nào. Sàn HNX đang có 99 mã tăng giá, nhiều hơn so với 78 mã giảm giá.
Chỉ số UPCoM-Index bất ngờ rơi, và hiện đã xuống dưới tham chiếu, dù đa số Large Cap sàn này vẫn tỏa sắc xanh. Có lẽ cách phân bố trọng số khá “cào bằng”, cũng như biên độ rộng khiến chỉ số ít phụ thuộc vào Large Cap (như VN-Index hay HNX-Index). Nhiều Large Cap vẫn tăng giá khá tốt như BSR,MML, OIL, VGI, VTP… ACV vẫn xanh, nhưng đang lùi về sát tham chiếu. FOX đã đổi màu, dù hôm qua mới họp ĐHCĐ.
Mùa BCTC quý 1 vừa bắt đầu mà đã có khá nhiều công ty ra tin, cả chính thức lẫn úp mở qua các kênh tài chính hay các buổi ĐHĐCĐ, hoặc gặp gỡ chuyên gia phân tích…
Nhóm ngân hàng vẫn mang tính dẫn dắt thị trường, nhất là HOSE, trong đó nhiều mã đang tăng mạnh hơn so với đầu phiên. Ngoài ngân hàng, các nhóm ngàn khác đang có diễn biến tích cực như chứng khoán, bán lẻ (đầu phiên còn tràn ngập sắc đỏ), BĐS công nghiệp , xây dựng, dầu khí, thủy sản… tuy nhiên vẫn có những nhóm phân hóa hay sắc đỏ đa số như dệt may, sắt thép, mía đường, hóa chất (thuộc Vinachem)…
Với thông tin mới nhất từ bên kiểm toán, QTP tăng giá luôn gần 5% lên đỉnh mọi thời đại. Cụ thể lợi nhuận trên BCTC năm 2020 sau kiểm toán đã tăng hơn 500 tỷ đồng, và EPS tăng từ 1,700 đồng lên gần 3,000 đồng, điều này có lẽ đã khiến cổ phiếu QTP bỗng dưng rẻ hơn rất nhiều.
Index 2 sàn mở cửa trái chiều
Với sữ dẫn dắt của Large Cap, VN-Index mở cửa tăng 3 điểm, tuy nhiên cùng thời điểm, HNX-Index lại giảm chừng 1 điểm. khởi đầu sàn chứng sáng nay có thể chịu tâm lý kháng cự, ngay sau phiên chốt NAV của quý 1/2021. Một số cổ phiếu lớn và nóng trong 1-2 phiên gần đây cũng đã giảm giá. Tuy vậy nhìn chung thị trường vẫn có tâm lý khá tích cực khi số cổ phiếu tăng giá vẫn nhiều hơn số giảm giá, nhất là trên Large Cap.
Mùa BCTC quý 1/2021 chính thức bắt đầu, thị trường có thể sẽ sớm chịu ảnh hưởng của loại thông tin này. Lưu ý rằng cùng kỳ năm trước, thị trường còn chịu tác động từ Covid-19, nên kết quả SXKD đạt khá thấp.
STB không còn tăng 5-6% ngay từ đầu phiên như hai hôm trước đây, thậm chí giá mở cửa giảm 1.2%, sức nóng của mã này có vẻ giảm, nhưng cũng có thể đã sớm có người muốn chốt lời. Dù sao lúc này STB và nhóm ngân hàng cũng đến thời điểm khá nhạy cảm, đó là mùa BCTC quý 1 năm nay. Lưu ý rằng ngân hàng vẫn đang là một trong những nhóm ngành có kết quả kinh doanh hết sức tích cực trong quý đầu tiên của năm nay.
Một cổ phiếu nóng khác của ngành ngân hàng là SHB sáng nay cũng giảm nhẹ, khoảng 2%. Tuy nhiên, nhóm ngân hàn vẫn có khởi đầu khá tích cực sáng nay, khi đa số tăng giá.
HNX-Index sáng nay đã sớm giảm nhẹ trước 9h15, chủ yếu do SHB giảm 2%. Một số Large Cap sàn này cũng có thời điểm giảm giá như VCS, PVS, SHS… Cổ phiếu hot của sàn này có lẽ chuyển qua CEO, khi sáng nay bất ngờ tăng hơn 6%.
BSR là Large Cap nổi bật trên Upcom khi sớm chạy hơn 3%, có lúc hơn 4% ngay từ sớm. Đến thời điểm ATO, có thêm Large Cap khác là MCH cũng tăng với tốc độ tương tự. Nhìn chung cũng có nhiều largecap khác đang hỗ trợ chỉ số chính sàn Upcom, ví dụ như ACV, VTP, OIL QNS, CTR…
Về nhóm ngành, đang có những nhóm tích cực như ngân hàng, chứng khoán, hóa chất…, phân hóa bao gồm dầu khí, BĐS công nghiệp và nhà ở, tiêu cực có bán lẻ, dệt may…
Cổ phiếu nhà FLC sáng nay đồng loạt đỏ, ngay cả FLC cũng giảm hơn 3%, sau đó giảm sâu đến 6%, ROS giảm hơn 5%. Lưu ý rằng hôm qua FLC đã có thời điểm giảm sàn, nhưng về cuối phiên “hồi lại” thành tăng 1.2% (không rõ có phải nhân lúc HOSE đơ hệ thống hay không). Do đó nếu sáng nay FLC giảm thì cũng không có gì bất ngờ.
Hoàng Nam
FILI
|