Từ lâu, bất bình đẳng giới vẫn là vấn đề nhức nhối trong xã hội Nhật Bản. Đây là một trong những điều thế hệ trẻ xứ hoa anh đào đang nỗ lực thay đổi.
Cuối tháng 3, dư luận Nhật Bản phẫn nộ trước lời phát biểu của ông Kazuhiko Shimura - Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố Kofu, tỉnh Yamanashi - kêu gọi nam nữ “chơi bời” với nhau nhằm giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm mạnh ở quốc gia này.
Năm 2020, khi đại dịch bùng nổ, một quan chức khác đề xuất đàn ông nên thay phụ nữ mua sắm nhu yếu phẩm, cho rằng nữ giới “quá rề rà”.
Các lãnh đạo của Nhật Bản từng nhiều lần có những phát biểu phân biệt giới tính như vậy.
Quan chức ở Nhật Bản phải xin lỗi sau khi bị chỉ trích vì khuyên đàn ông và phụ nữ "chơi bời" với nhau nhằm giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh đang giảm. Ảnh minh họa: Soranews24.
|
Theo CNN, những vị trí quan trọng trong nền kinh tế - chính trị của đất nước này hiện chủ yếu được nắm giữ bởi những người đàn ông lớn tuổi, thuộc thế hệ cũ và mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Phụ nữ Nhật chỉ nắm giữ 15% vị trí lãnh đạo và 14% ghế trong Quốc hội.
Nhiều người trẻ sinh trưởng từ những năm 90 trở đi có lối suy nghĩ khác với những vị lãnh đạo lớn tuổi này. Họ nỗ lực để tạo ra thay đổi trong xã hội.
Khác biệt thế hệ
Từ cuối những năm 1940 đến 1980, nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Với nguồn nhân lực chủ đạo là những giới lao động trí óc với đàn ông chiếm đa số, đất nước mặt trời mọc đã chuyển mình trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Trước sự phát triển kỳ diệu của nền kinh tế, vai trò của phụ nữ Nhật vẫn bị bó hẹp trong các công việc nội trợ hoặc các vị trí nhỏ như thư ký văn phòng.
Niềm tin rằng phụ nữ chỉ nên ở nhà, đàn ông phải làm trụ cột gia đình vẫn tồn tại thời nay ở những lãnh đạo cao tuổi. Họ cho rằng nền kinh tế và trật tự xã hội ở thời của họ là tốt nhất, và tiếp tục duy trì lối suy nghĩ cũ.
Momoko Nojo, sinh viên và nhà hoạt động xã hội, cho hay: "Người trẻ Nhật giờ đây phải đối mặt với thực tế hoàn toàn khác thời xưa. Thị trường việc làm không ổn định, mức thăng tiến lương thưởng chậm chạp và khả năng cao đến cuối đời vẫn không mua được nhà".
Momoko Nojo - nữ sinh viên đấu tranh cho bình đẳng giới tại Nhật Bản. Ảnh: CNN.
|
Trong nhiều thập kỷ qua, số lượng công việc bán thời gian tại Nhật tăng vọt. Trong đó, 39% phụ nữ trong lực lượng lao động làm những công việc này, nhiều hơn hẳn tỷ lệ ở đàn ông là 14%.
Điều này sẽ gây ra sự chênh lệch lớn giữa thu nhập của đàn ông và phụ nữ, đồng thời cũng khiến nữ giới khó thăng tiến hơn trên con đường sự nghiệp.
“Chúng tôi cảm thấy quan ngại về tương lai và tự hỏi liệu mình có thể có kiếm đủ tiền để nuôi dạy con cái hay không. Liệu mình có thể có mức lương như bố mẹ? Còn lương hưu thì sao? Đó là những trăn trở thường trực của thế hệ chúng tôi”, Nojo bày tỏ.
Định kiến khó từ bỏ
Bà Tomomi Inada, cựu Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản, cho rằng sự miệt thị phụ nữ của các lãnh đạo nam lớn tuổi thể hiện những vấn đề trong bộ máy quyền lực của Nhật, khi phụ nữ và các nhóm thiểu số có rất ít sự đại diện.
Kế hoạch của Chính phủ nhằm giúp phụ nữ nắm giữ 30% vị trí quản lý cấp cao vào năm 2020 đã phải lùi tới năm 2030. Thực tế cho thấy đây là một kế hoạch quá tham vọng.
Ở Nhật, chỉ có 1 trên 7 phụ nữ nắm giữ vai trò lập pháp, thấp hơn tỷ lệ trên toàn châu Á là 20%, thế giới là 25% tính tới tháng 1/2021, theo số liệu từ Liên minh Nghị viện Thế giới.
Theo bà Inada, vấn đề nằm ở tư tưởng cho rằng chính trị là việc của đàn ông. Nhiều người Nhật vẫn tin rằng người phụ nữ tiêu chuẩn là người “biết điều” và không quá tham vọng.
Lối tư duy trói buộc người dân Nhật Bản vào những vai trò giới truyền thống sẽ khó thay đổi trong tương lai gần.
Cô gái 18 tuổi đi bỏ lá phiếu đầu tiên cho cuộc bầu cử Thượng viện năm 2016. Ảnh: CNN.
|
Tháng 3/2021, một nhà đài tại Nhật đã làm dấy lên sự phẫn nộ từ dư luận khi phát sóng quảng cáo mang phát ngôn “bình đẳng giới đã lỗi thời rồi”. Đài truyền hình phải xin lỗi sau đó và gỡ bỏ quảng cáo sau cơn mưa chỉ trích trên Twitter.
10 năm trước, những bình luận phân biệt giới tính được thản nhiên cho qua, thì bây giờ, cư dân mạng sẽ không dễ dàng tha thứ cho những lời bình phẩm xúc phạm, dù là vô tình hay cố ý như vậy.
Sự phản đối trên mạng xã hội đã tạo ra những thay đổi nhất định. Ông Mori Yoshiro, cựu Chủ tịch Ủy ban Olympic Tokyo, đã phải từ chức sau khi lời bình phẩm khiếm nhã của ông rằng phụ nữ “quá lắm lời” gặp làn sóng chỉ trích từ dư luận.
Dù vụ việc của ông Mori đánh dấu bước tiến quan trọng, cuộc chiến đưa bình đẳng giới vào xã hội Nhật Bản vẫn còn khá xa hồi kết.
Nữ sinh viên Momoko Nojo tin rằng giới trẻ cần sử dụng lá phiếu của mình để tạo nên những thay đổi trong bộ máy chính quyền.
Theo cô, giới trẻ Nhật Bản hiện nay khá thờ ơ với tình hình chính trị trong nước. Họ cảm thấy chán nản với thực trạng và không bận tâm đến việc bỏ phiếu. Trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2016, chỉ có 46,8% thanh niên 18 và 19 tuổi tham gia.
Nojo cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở người đàn ông lớn tuổi với tư tưởng lỗi thời, mà cả hệ thống chính trị - xã hội ủng hộ cho lối suy nghĩ đó.
“Đây chính là vấn đề cốt lõi mà các tổ chức và toàn bộ xã hội Nhật Bản cần giải quyết”, cô khẳng định.
Mai Hoàng
Zing