Nghẽn lệnh: Giới hạn nào cho HOSE?
Hai phiên trở lại đây, thị trường liên tiếp đạt mức kỷ lục về thanh khoản. Kết phiên 13/04, giá trị giao dịch toàn thị trường vượt hơn 29.2 ngàn tỷ đồng, tăng gần 13% so với phiên giao dịch tỷ đô trước đó. Trên sàn HOSE, tình trạng nghẽn lệnh lại trở lại khi giá trị giao dịch đạt vào khoảng 22 ngàn tỷ đồng.
Diễn ra từ cuối tháng 12/2020, tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE đã trở thành một phần quen thuộc đối với cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán. Trong những tháng gần đây, nhà đầu tư đã quen với việc mỗi khi thanh khoản sàn HOSE đạt khoảng 14 - 15 ngàn tỷ đồng thì tình trạng này sẽ xảy ra. Từ đó, trong mắt nhà đầu tư, mốc thanh khoản quanh 15 ngàn tỷ đồng trở thành giới hạn cho việc giao dịch trên sàn HOSE.
Tuy nhiên, hai phiên giao dịch trở lại đây, thanh khoản thị trường đã đột phá lên mức cao hơn rất nhiều. Phiên 12/04, thanh khoản sàn HOSE đạt giá trị giao dịch hơn 21.5 ngàn tỷ đồng/phiên. Trong đó, phần khớp lệnh lên tới gần 20.2 ngàn tỷ đồng. Quan trọng hơn, phiên giao dịch này được thực hiện khá thông suốt, không xảy ra tình trạng nghẽn lệnh như thời gian trước đó.
Tới phiên giao dịch hôm nay (13/04), thanh khoản HOSE tiếp tục đạt mức cao. Chỉ trong phiên sáng, giá trị giao dịch đã đạt hơn 18 ngàn tỷ đồng. Giá trị giao dịch tiếp tục tăng trong phiên chiều. Nhưng khi giá trị giao dịch sàn HOSE vào khoảng 22 ngàn tỷ đồng (khoảng 14h) thì tình trạng nghẽn lệnh bắt đầu xảy ra.
Thanh khoản thị trường 2 phiên gần đây
Phiên 12/04
|
Phiên 13/04
|
Được biết, hệ thống giao dịch của Sở có công suất thiết kế là 900,000 lệnh. Hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán (CTCK), trong đó, hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng. Trên thị trường, giá trị giao dịch có sự gia tăng đột biến từ tháng 12/2020. Theo đó, trong top 20 CTCK hàng đầu, có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất là trên 3 lần, bình quân là 5-6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần. Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống từ đó dẫn tới hiện hiện tượng quá tải hệ thống.
Hiện tại thị trường đang rỉ tai nhau về việc HOSE đang thử nghiệm xử lý tình trạng nghẽn lệnh. Theo thông tin trước đó, ngày 10/04, HOSE đã tiến hành thử nghiệm giao dịch với các công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán thành viên sẽ gửi lệnh, kiểm tra kết quả khớp lệnh như một ngày giao dịch bình thường. Đây là lần thử nghiệm thứ 2, trong 2 tuần liên tiếp được HOSE tiến hành. Vào tuần trước, hệ thống chạy thử khá trơn tru với quy mô giao dịch lên tới 140 ngàn tỷ đồng, gấp 10 lần giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE hiện nay. Có thể chính vì thế mà thanh khoản tại sàn HOSE được cải thiện rõ rệt trong hai phiên gần đây.
Với diễn biến thị trường hiện tại, sau phiên giao dịch trơn tru ngày 12/04, có phải chăng mức thanh khoản vào khoảng 22 ngàn tỷ đồng chính là giới hạn mới cho hệ thống giao dịch của HOSE?
Trong quý 1, lượng tài khoản mở mới lên tới hơn 257 ngàn tài khoản. Chỉ trong tháng 3 có tới gần 114 ngàn tài khoản. Lượng tài khoản mở mới tăng mạnh trong quý 1 cho thấy tiềm năng của dòng tiền đổ vào thị trường. Kết phiên 13/04, giá trị giao dịch toàn thị trường vượt hơn 29.2 ngàn tỷ đồng, tăng gần 13% so với phiên giao dịch tỷ đô trước đó. Trong đó, thanh khoản sàn HOSE đạt gần 23.5 ngàn tỷ đồng (giá trị khớp lệnh gần 90%).
Nhìn lại diễn biến thị trường, không chỉ trên HOSE, thanh khoản sàn HNX và UPCoM gần đây tăng đáng kể. Chỉ trong quý 1/2021, thanh khoản bình quân sàn HNX đạt 2,311.49 tỷ đồng/phiên gấp 3 lần so với bình quân năm 2020.
Đvt: Tỷ đồng/phiên
|
Quay lại câu chuyện ở HOSE, việc nghẽn lệnh trở thành chướng ngại vật đối với dòng tiền đang sục sôi trên thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có nghẽn lệnh thì thanh khoản thị trường sẽ còn cao hơn mức hiện tại. Minh chứng là việc HOSE liên tục đạt kỷ lục thanh khoản mới. Vậy đâu là giới hạn của dòng tiền đang chú ý tới kênh đầu tư chứng khoán? Khi tình trạng nghẽn lệnh được xử lý, thanh khoản sẽ có thể đạt tới mức cao nào khi có rất nhiều người đang muốn bỏ tiền vào kênh đầu tư này?
Chí Kiên
FILI
|