Kỳ vọng với các tân bộ trưởng khối kinh tế
Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng nhóm tân bộ trưởng khối kinh tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, huy động nguồn lực phát triển đất nước.
Trong số 12 bộ trưởng, trưởng ngành mới được Quốc hội phê chuẩn sáng 8/4, có 4 người thuộc nhóm ngành kinh tế là Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Trước đó vào kỳ họp thứ 10, Quốc hội cũng đã phê chuẩn bà Nguyễn Thị Hồng làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ kỳ vọng các tân bộ trưởng khối ngành kinh tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động nguồn lực xã hội, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân…
Huy động nguồn lực và phát triển kinh tế tư nhân
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng các loại hình kinh doanh mới dựa trên kinh tế số, kinh tế chia sẻ đang làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng gây ra các tác động mạnh mẽ, làm thay đổi các nền kinh tế. “Người tiêu dùng sẽ tiêu dùng ít hơn, trong khi tiết kiệm tăng lên”, ông đánh giá.
Từ đây, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM kỳ vọng các trưởng ngành kinh tế khối kinh tế sẽ có cách làm hay để huy động nguồn lực tiết kiệm của người dân, đưa vào nền kinh tế, sử dụng một cách hiệu quả và phát huy giá trị cao nhất.
“Tiền tiết kiệm sẽ đổ vào các trung gian tài chính, từ các trung gian tài chính đó sẽ đưa vào nền kinh tế như thế nào là bài toán cho các bộ trưởng khối kinh tế”, ông Tuấn nói.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM). Ảnh: Thuận Thắng.
|
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho biết bản thân có rất nhiều kỳ vọng về tân Thủ tướng, cũng như các bộ trưởng khối kinh tế. Ông mong muốn các thành viên Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa tới kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của đất nước trong thời gian tới.
“Một quốc gia phải khai thác triệt để khối kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân chính là động lực giúp phát triển nhanh nhất, giảm được tiêu cực, huy động được nguồn lực trong xã hội, giúp đạt được năng suất cao nhất”, ông nói.
Chủ tịch Tập đoàn Dabaco kỳ vọng các thành viên Chính phủ có cơ chế, chính sách, tạo hành lang cho kinh tế tư nhân phát triển. Ông nhấn mạnh đến chính sách phân bổ và huy động nguồn lực, khơi dậy kinh tế tư nhân vươn lên trở thành động lực quan trọng của đất nước.
Ổn định nền tài chính quốc gia
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đưa ra nhiều kỳ vọng với các tân trưởng ngành khối kinh tế. Ông Ngân nhắc lại hồi còn là Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từng thẳng thắn nói trước Quốc hội những vấn đề của nền tài chính, tiền tệ quốc gia, cảnh báo những nguy cơ và vấn đề có thể xảy ra.
Do đó, ông Ngân hi vọng ở cương vị mới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao, giải quyết các vấn đề của nền tài chính quốc gia.
Ông Ngân đánh giá tân Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan là người có nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, có những kiến thức sâu về Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, ông Ngân tin tưởng Bộ trưởng Hoan sẽ vận dụng kinh nghiệm của mình, đưa ngành nông nghiệp bứt phá, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng các trưởng ngành kinh tế tiếp tục cải cách thể chế, quan tâm đến việc huy động nguồn lực phát triển đất nước. Ảnh: Chí Hùng.
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng kỳ vọng tân Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, từ đó đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị gia tăng và sự cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Đồng thời, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhận định Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, cũng đã thử thách qua vị trí thống đốc và dần chứng tỏ được năng lực của mình.
“Tôi kỳ vọng Thống đốc Hồng sẽ duy trì được sự ổn định của chính sách tiền tệ quốc gia trong thời gian qua”, ông Ngân nói.
Quan tâm đến thể chế và hạ tầng
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kỳ vọng công tác xây dựng thể chế sẽ tiếp tục được các bộ trưởng khối kinh tế duy trì mạnh mẽ hơn nữa.
Chủ tịch VCCI cho rằng hành trình cải cách và phát triển đất nước còn rất nhiều việc phải làm và rất gian nan. Ông mong muốn tốc độ tăng GDP và chính sách tài khóa cần dựa chủ yếu vào nguồn thu bền vững từ khu vực sản xuất kinh doanh; giảm được sự lệ thuộc vào đất đai và tài nguyên.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng mong muốn các thành viên Chính phủ quan tâm việc tăng được hiệu quả đầu tư công và huy động được tối đa các nguồn lực từ dân để giải quyết được các nút thắt về cơ sở hạ tầng. “Hạ tầng là một trong những điểm nghẽn lớn nhất trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế trong những năm sắp tới”, ông Lộc nói.
Về cải cách thể chế, chủ tịch VCCI cho rằng pháp luật kinh doanh còn chồng chéo, thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà. Không ít thủ tục hành chính làm khổ người dân, làm nghèo đất nước vẫn chưa được xóa bỏ. Ông mong muốn có sự cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nói về cải cách thể chế, ông Lộc kỳ vọng sẽ có những nỗ lực đột phá hơn và quyết liệt hơn để đáp ứng đòi hỏi của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp, của nền kinh tế và cũng để phù hợp với xu thế hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hiếu Công
ZING
|