Chủ Nhật, 25/04/2021 21:00

Khối ngoại bớt lạc quan về châu Á vì dịch bùng phát mạnh và Trung Quốc thắt chặt chính sách

Châu Á khởi đầu năm 2021 như khu vực có điều kiện tốt nhất để hưởng lợi từ quá trình tái mở cửa kinh tế trên toàn cầu. Tuy nhiên, đợt tái bùng phát dịch bệnh đã đập tan viễn cảnh tươi đẹp này. Cùng với đó là sự thắt chặt chính sách tiền tệ ở Trung Quốc – vốn là động cơ thúc đẩy tăng trưởng của khu vực châu Á.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương có khả năng ghi nhận thành tích kém hơn so với các khu vực khác trong tháng 4/2021 và đây là tháng có thành tích kém thứ 3 liên tiếp. Điều này diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại châu Á tăng nhanh chóng và vượt các khu vực khác.

Chỉ trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã rút 2.5 tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán mới nổi tại châu Á (ngoại trừ Trung Quốc), theo dữ liệu từ Bloomberg. Bên cạnh đó, các nhà quản lý quỹ toàn cầu dường như cũng bớt lạc quan về triển vọng ngắn hạn tại châu Á.

“Quá trình tiêm chủng vắc-xin vẫn đang được triển khai, nhưng quá chậm đến nỗi gây ra rủi ro phong tỏa trở lại ở nhiều nơi”, Joshua Crabb, Chuyên gia quản lý danh mục tại Robeco ở Hồng Kông, cho biết. “Sẽ là hợp lý khi nắm giữ một danh mục cổ phiếu hưởng lợi từ việc tái mở cửa kinh tế và một số cổ phiếu phòng thủ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên giữ lại một chút tiền dự trữ để mua vào ngay khi thị trường bị bán tháo mạnh”.

Dịch Covid-19 đang là mối nguy cơ lớn nhất với châu Á trong thời gian tới, khi Ấn Độ vừa ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trên thế giới, Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo, Osaka và hai nơi khác, đồng thời Hồng Kông và Singapore hoãn kế hoạch bong bóng du lịch hàng không.

Càng khiến nhà đầu tư lo ngại nhiều hơn là khả năng Trung Quốc thắt chặt chính sách tiền tệ với mục tiêu ngăn chặn tình trạng quá nhiệt của nền kinh tế.

Vấn đề đáng ngại

Chứng khoán Ấn Độ đang đảo chiều nhanh chóng, với chỉ số S&P BSE Sensex gần bước vào tình trạng điều chỉnh kỹ thuật. Sau 6 tháng mua ròng liên tiếp, các quỹ toàn cầu chuyển sang bán ròng cổ phiếu Ấn Độ trong tháng 4/2021. Đây là chỉ số có thành tích kém nhất ở châu Á trong tháng 4 giữa lúc đất nước này đang lao đao vì tình trạng thiếu trầm trọng giường bệnh và vắc-xin Covid-19.

“Vẫn còn quá sớm để bắt đáy” khi hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế đang chao đảo trong khủng hoảng, Stefan Hofer, Chiến lược gia đầu tư tại LGT Bank AG, nói với Bloomberg Television.

Trong khi đó, nhà đầu tư cũng đang rút lại các khoản đặt cược vào cổ phiếu chu kỳ ở Đông Nam Á vì tình trạng tái bùng phát dịch bệnh.

Dù rằng các quỹ tỏ ra lạc quan hơn về Nhật Bản, nhưng chỉ số Topix vẫn đang giảm gần 5% so với đỉnh tháng 3/2021 khi xứ sở mặt trời mọc áp biện pháp mạnh để kiểm soát dịch bệnh. Các quỹ JPMorgan Asset Management và Amundi SA tiếp tục đặt cược rằng các cổ phiếu chu kỳ và theo định hướng xuất khẩu của Nhật Bản sẽ hưởng lợi từ đà hồi phục kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc rút dần gói kích thích

Đại dịch Covid-19 vẫn đang được Trung Quốc kiểm soát tốt, nhưng giới quan sát chứng khoán hiện đang lo ngại về việc siết thanh khoản. Các nhà quyết sách báo hiệu ý định rút dần dần gói kích thích đã đưa ra trong đại dịch khi chỉ tiêu tiêu dùng tăng mạnh hơn dự báo và GDP tăng trưởng mạnh.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể khiến Trung Quốc hứng chịu đợt giảm tốc “vừa phải” (ít nhất là thế) và điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất tới chứng khoán châu Á, theo Citigroup.

“Đà suy yếu của Trung Quốc phần lớn sẽ tác động tới thị trường mới nổi ở châu Á”, Citigroup cho biết trong ngày 22/04. Chỉ số MSCI châu Á mới nổi đã giảm 8% so với đỉnh giữa tháng 2/2021 và chỉ số CSI của Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng điều chỉnh kỹ thuật (tức giảm hơn 10% so với đỉnh).

Thiệt hại chỉ tập trung ở một số khu vực bị bùng phát dịch

Tuy nhiên, thiệt hại chủ yếu tập trung ở các khu vực đang bùng phát dịch bệnh. Các chỉ số chứng khoán Việt Nam và Đài Loan đang đi ngược xu hướng chung và giao dịch gần với mức kỷ lục, một phần nhờ vào thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Sự sụt giảm gần đây của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và đồng USD suy yếu cũng có thể hỗ trợ cho cổ phiếu châu Á, khi các trader chuyển sự chú ý sang mùa báo cáo tài chính. Và trong khi một số nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong ngắn hạn, thì những người khác lưu ý rằng các yếu tố tạo ra sự lạc quan về châu Á hồi đầu năm vẫn chưa biến mất.

“Một số thị trường mới nổi phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn bao gồm sự tái bùng phát của dịch bệnh, việc chậm triển khai vắc-xin Covid-19 và lạm phát gia tăng có thể buộc các ngân hàng trung ương phải ra tay can thiệp”, các chiến lược gia của Viện Dầu tư BlackRock viết trong một lưu ý gần đây. "Chúng tôi cho rằng quá trình tái khởi động kinh tế của họ có thể chậm lại chứ không bị hủy hoại hoàn toàn."

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Phố Wall ngập sắc xanh, Dow Jones lấy lại mốc 34,000 điểm (24/04/2021)

>   Dow Jones sụt hơn 300 điểm sau đề xuất tăng thuế của Tổng thống Biden (23/04/2021)

>   Cơn sốt SPAC hạ nhiệt (22/04/2021)

>   Dow Jones vọt hơn 300 điểm, chấm dứt 2 phiên giảm liên tiếp (22/04/2021)

>   Thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống do COVID-19 lan rộng (21/04/2021)

>   Biến tướng của SPAC là niêm yết cửa sau (21/04/2021)

>   Cơn sốt SPAC có "lan" đến Việt Nam? (21/04/2021)

>   Sắc đỏ bao trùm Phố Wall khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trên toàn cầu (21/04/2021)

>   Dow Jones nhuốm sắc đỏ, Nasdaq Composite giảm 1% (20/04/2021)

>   Cơn sốt SPAC bắt đầu giảm nhiệt ở Phố Wall? (19/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật