EPS năm 2020: Nhiều cú bứt phá ngoạn mục
Phần lớn doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, song, bên cạnh đó không thiếu những doanh nghiệp vẫn “phất lên” trong mùa dịch. Và vì vậy, bảng xếp hạng top 10 doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận tính trên 1 cổ phiếu (EPS) cao nhất trong năm 2020 cũng đã thiết lập một trật tự mới.
Theo dữ liệu của VietstockFinance, top 10 doanh nghiệp có EPS cao nhất năm 2020 bao gồm RAL, VCF, WCS, BAX, NTC, THD, DRG, SCI, SIP, DBC. Trong số này, ngoại trừ WCS có EPS giảm, EPS của các doanh nghiệp khác đều tăng.
10 doanh nghiệp có EPS cao nhất năm 2020. Đvt: đồng/cp
Nguồn: VietstockFinance
|
So với năm 2019, bảng xếp hạng top 10 doanh nghiệp có EPS cao nhất trong năm 2020 đã bước sang trang mới bởi ảnh hưởng không ngờ từ đại dịch toàn cầu – Covid 19, không còn những cái tên một thời như D2D, VHC, MSG, PTB, CTD, MWG, VCS, HDG, AMV.
EPS của 10 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2020 lớn nhất thị trường. Đvt: đồng/cp
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong top 10 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường, thì có phân nửa doanh nghiệp ghi nhận EPS suy giảm.
Trường hợp của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) là doanh nghiệp có EPS đảo chiều từ 940 đồng sang âm 912 đồng trong năm 2020. Khi đó BSR chịu tác động kép do giá bán giảm sâu bởi ảnh hưởng từ thị trường thế giới, cùng với việc người dân hạn chế đi lại trong đợt giãn cách xã hội vì Covid-19, làm giảm lượng xăng dầu tiêu thụ, khiến doanh thu thuần năm 2020 giảm gần 44% so với năm 2019. Hệ quả BSR lỗ ròng gần 2,809 tỷ đồng.
Đèn Rạng Đông tỏa sáng
Mặc dù phải chịu tác động kép từ sự cố hỏa hoạn cuối tháng 8/2019 và đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020, cổ phiếu RAL của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HOSE: RAL) trở thành công ty có tỷ suất sinh lời trên mỗi đồng vốn cao nhất năm 2020, đạt gần 29,225 đồng, gấp 2.69 lần con số đạt được năm 2019.
Gác lại “chuyện buồn trong quá khứ”, RAL ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 336 tỷ đồng, gấp 2.68 lần năm 2019 nhờ vào doanh thu thuần tăng 16% so với năm trước, đạt hơn 4,299 tỷ đồng và lỗ từ hoạt động giảm từ 199 tỷ đồng xuống còn lỗ gần 12 tỷ đồng trong năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà RAL đã đạt được kể từ khi niêm yết trên HOSE vào năm 2006.
Vị trí liền kề thuộc về cổ phiếu VCF của CTCP Vinacafé Biên Hòa, với EPS 2020 đạt 27,224 đồng và WCS của CTCP Bến xe Miền Tây có EPS gần 22,459 đồng.
Dù là công ty trong ngành tiêu dùng nhanh, nhưng chi phí bán hàng của VinaCafé Biên Hòa thấp do tính chung vào hệ thống của Masan Consumer - công ty mẹ, tạo ra lợi thế về giá vốn và bán hàng.
Theo đó, VinaCafé Biên Hòa cho biết doanh thu thuần trong năm 2020 giảm 6% do khó khăn từ sự tác động của dịch Covid-19 và các biện pháp cách ly xã hội khiến nhu cầu mua café chưa được ưu tiên so với hàng nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 6%, đạt gần 721 tỷ đồng nhờ giá vốn hàng bán giảm 10% giúp lãi gộp tăng 3% lên mức hơn 890 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp nới rộng từ 39% lên mức 44%.
Cũng gặp khó khăn trong mùa dịch khi mà tâm lý hành khách còn e ngại đi laị bằng phương tiện vận tải công cộng khiến số lượng hành khách đi xe và xe xuất bến giảm nhiều, Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) ghi nhận doanh thu thuần giảm 17% so với năm trước, còn hơn 111 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt hơn 56 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2019. Thu nhập trên mỗi cổ phần chỉ còn 18,174 đồng, giảm 18% so với năm trước nhưng vẫn đứng vị trí thứ 3 doanh nghiệp có EPS cao nhất năm 2020.
Phần lớn những doanh nghiệp kể trên đều có thị giá khá cao so với bình quân trên thị trường, trong đó không ít doanh nghiệp có mức giá giao dịch tính bằng trăm nghìn đồng trên mỗi cổ phiếu. Vì vậy, mức định giá cũng không còn thật sự hấp dẫn, bởi tiềm năng tăng giá còn khá hạn hẹp.
Thaiholdings “một bước lên mây”
10 doanh nghiệp có EPS tăng mạnh nhất năm 2020. Đvt: đồng/cp
Nguồn: VietstockFinance
|
Có lẽ cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings (HNX: THD) sẽ là cái tên được nhắc đến đầu tiên về khả năng thu nhập lãi trên mỗi cổ phần nhanh nhất khi nâng từ mức chưa đến 1,000 đồng năm 2019 lên mức 16,905 đồng trong năm 2020, gấp hơn 19.2 lần. Theo đó, từ mức EPS “đại trà”, cổ phiếu THD đã được xướng tên trong top 10 doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường trong năm 2020.
Năm 2020, Thaiholdings có lãi ròng 909 tỷ đồng, gấp 19 lần năm 2019, và lợi nhuận chủ yếu rơi vào quý 4. Thaiholdings cho biết đã đem về hơn 1,000 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý cuối năm nhờ việc bán tài sản công ty con.
Đáng chú ý, sau khi phát hành gần 300 triệu cp vào tháng 1/2021, doanh nghiệp này đã vươn lên đứng đầu về vốn hóa trên sàn HNX. Tính đến hết phiên 05/04, thị giá THD ở mức 198,700 đồng/cp, gấp gần 61 lần đầu năm 2020, nâng mức vốn hóa của Thaiholdings lên hơn 70 ngàn tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp khác ghi nhận EPS tăng bằng lần so với năm 2019 như AFX (130 lần), ILA (57.2 lần)…
Chứng khoán SmartInvest “rơi sâu”
10 doanh nghiệp có EPS giảm mạnh nhất năm 2020. Đvt: đồng/cp
Nguồn: VietstockFinance
|
Tuy có doanh thu thuần gấp 3.74 lần năm 2019, song, lợi nhuận sau thuế của CTCP Chứng khoán SmartInvest (UPCoM: AAS) giảm đến 82% so với năm trước chủ yếu do lỗ từ bán các tài sản tài chính FVTPL tăng từ 40 tỷ đồng lên mức hơn 465 tỷ đồng. Do đó, AAS được xem là doanh nghiệp có EPS giảm mạnh nhất trong năm 2020, từ 616 đồng xuống chỉ còn 109 đồng.
Các doanh nghiệp cũng được ghi nhận EPS giảm mạnh trên 80% như SCI (-82%), HAR (-82%), BSP(-82%), APH (-81%)…
Khang Di
FILI
|