ĐHĐCĐ PJT 2021: Không chuyển niêm yết sang HNX để tăng vốn thuận lợi
ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của CTCP Vận tải Xăng dầu đường thủy Petrolimex (HOSE: PJT) diễn ra vào sáng ngày 05/04/2021 đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2021, tăng vốn và từ chối chuyển niêm yết từ HOSE sang HNX.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của PJT diễn ra vào sáng ngày 05/04/2021
|
Phát biểu tại Đại hội PJT, ông Phạm Đức Thắng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX) – Công ty mẹ của PJT cho biết: “Năm 2020 là năm đầy khó khăn đối với những đơn vị tham gia dịch vụ kinh doanh và vận tải xăng dầu.
Trong nhiệm kỳ 2016-2020, PJT đã thanh lý 6 con tàu với tổng trọng tải chỉ gần 6,700 DWT. Đồng thời, Công ty đã đầu tư mới 2 tàu biển với tổng trọng tải đến 19,000 DWT. Hiện nay, tính luôn cả tàu Long Phú 16, hoạt động từ tháng 3/2021 Công ty có tổng cộng 8 tàu biển và 6 tàu sông, đưa tổng trọng tải lên gần 60,000 DWT, cho thấy đội tàu của Công ty đã cải thiện nhiều về chất lượng. Đây cũng là yếu tố quyết định hoạt động của Công ty tiếp tục ổn định và phát triển trong nhiệm kỳ sắp tới 2021-2025.
Với vai trò vừa là chủ sở hữu 51% vốn của PJT nhưng cũng là khách hàng của Công ty, do đó sản lượng mà PJT vận chuyển chủ yếu đều là của Petrolimex. Đặc biệt, khi có 2 nhà máy lọc dầu hoạt động tại Việt Nam, thì lượng hàng mua ở Việt Nam chiếm 60% tổng lượng tiêu thụ của Petrolimex. Và như vậy, nhu cầu về vận tải ven biển đôi khi tăng lên trong khi vận tải viễn dương giảm đi cũng phù hợp với chức năng nhiệm vụ của PJT.
Đặc biệt, Petrolimex cũng cam kết tiếp tục phát triển thị trường để duy trì sản lượng ổn định cho các đơn vị vận tải của Petrolimex trong đó có PJT.”
Về phía PJT, Công ty cho biết năm 2021 là năm đầu tiên trong giai đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021-2025, do đó Công ty tập trung đẩy mạnh hoạt động vận tải xăng dầu trên nền tảng thị trường Petrolimex, tranh thủ ngày tàu rỗng để mở rộng thị trường bên ngoài, tiếp tục thanh lý tàu già, thị trường không còn nhu cầu, tích lũy tài chính và tận dụng cơ hội đầu tư đổi mới đội tàu.
Trong đó, năm 2021, Công ty có kế hoạch thanh lý tàu Long Phú 04 có trọng tải 2,509 DWT với giá 5 tỷ đồng đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đến năm 2022, Công ty sẽ thanh lý tàu Long Phú 09, trọng tải 4,993 DWT với giá 18 tỷ đồng (bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Năm nay, Công ty sẽ tiếp tục tái cấu trúc: Thoái vốn đối với CTCP Vận tải xăng dầu Đồng Tháp, triển khai phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông để tăng vốn điều lệ, xây dựng lộ trình chuyển đổi công năng khu đất xưởng Bình Chánh thành văn phòng, nâng cấp cơ sở hạ tầng xưởng Phú Xuân…
Lợi nhuận sau thuế 2021 dự kiến giảm 6%
Đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2021, PJT đề ra mục tiêu sản lượng vận chuyển 2.7 triệu m3, gần 1.3 tỷ m3.km luân chuyển và cung ứng xăng dầu 6,850 m3/tấn. Tổng doanh thu được Công ty kỳ vọng tăng 11% so với kết quả năm 2020, dự kiến 692 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước và sau thuế lại đi lùi 7% và 6% so với năm trước, chỉ còn 32 tỷ đồng và hơn 25 tỷ đồng.
Do đó, PJT dự kiến tỷ lệ cổ tức năm 2021 từ 8% trở lên, trong khi năm 2020, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến ở mức 12% vốn điều lệ, tương ứng tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng.
Tăng vốn điều lệ lên mức hơn 230 tỷ đồng
Năm 2021, PJT dự kiến chi 95 tỷ đồng với 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay để đầu tư thêm 1 tàu ven biển, trọng tải dưới 10,000 DWT.
Để thực hiện kế hoạch đầu tư này, Công ty lên phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2021 thông qua chào bán gần 7.7 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán dự kiến 10,000 đồng/cp. Nếu chào bán thành công, dự kiến vốn điều lệ của PJT sẽ tăng lên mức hơn 230 tỷ đồng.
Tổng số tiền gần 77 tỷ đồng thu được, PJT dự định dùng 52 tỷ đồng hoàn lại nguồn vốn đã sử dụng làm vốn đối ứng để vay ngân hàng mua tàu biển chở dầu trọng tải dưới 10,000 DWT và gần 25 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh của Công ty.
Không chuyển sàn niêm yết sang HNX để thuận lợi trong việc tăng vốn
PJT cho biết ngày 29/03/2021, Công ty nhận được văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc: “Đăng ký chuyển giao dịch tạm thời cổ phiếu từ HOSE sang HNX”.
Theo UBCKNN, để góp phần hỗ trợ giảm tải cho hệ thống của HOSE và để giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư được suôn sẻ, UBCKNN đề nghị Công ty hỗ trợ, xem xét việc chuyển giao dịch tạm thời từ HOSE sang HNX và cam kết hỗ trợ tối đa về thủ tục để chuyển giao dịch cổ phiếu được thuận lợi, cũng như trở lại giao dịch trên HOSE khi triển khai xong pháp lý nghẽn mạch.
Trước đề nghị này, Công ty cho biết sẽ giữ nguyên niêm yết cổ phiếu tại HOSE vì nếu chuyển sàn sẽ gây khó khăn cho việc tăng vốn của Công ty.
Khang Di
FILI
|