Trực tuyến
ĐHĐCĐ GEG: Dự kiến hoàn thành 3 dự án điện gió trước tháng 11
“Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025, qua đó thúc đẩy việc phát triển năng lượng tái tạo vẫn là ưu tiên của Chính phủ”, Chủ tịch HĐQT GEG – ông Tân Xuân Hiến phát biểu mở đầu Đại hội.
Chủ tịch HĐQT - ông Tân Xuân Hiến trình bày về Báo cáo HĐQT tại Đại hội thường niên 2021 của GEG. Ảnh: TV
|
Sáng ngày 29/04, ĐHĐCĐ thường niên 2021 của CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) đã được tổ chức.
* Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021
Thảo luận:
Sẽ mua 49% vốn tại dự án Đức Huệ 2 từ TTC
Đại diện Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 đã bị đứng hơn 2 năm nhưng vẫn tồn tại trên BCTC của GEG, đồng thời, Công ty cũng vừa gia tăng sở hữu tại đây thời gian qua. Tình hình triển khai dự án này như thế nào?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thái Hà: Đức Huệ 2 nằm trong cụm dự án đi cùng với Đức Huệ 1, cho nên các điều kiện cơ sở vật chất, đất đai đều liền kề. GEG trong năm 2019 đã tận dụng để triển khai các hạng mục bước đầu tại Đức Huệ 2.
Tuy nhiên, tình hình pháp lý thì đến năm 2020 Đức Huệ 2 mới chính thức hoàn tất mọi thủ tục. Theo đó, GEG bây giờ sẽ tiếp tục hoàn thành các hạng mục cần thiết để đóng điện.
Tuy nhiên, GEG cũng đang xem hình thức thực hiện sẽ như thế nào hay sẽ chờ thực hiện theo mức giá của Nhà nước. Đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa có mức giá cụ thể.
Về mặt tiến độ triển khai, Dự án Đức Huệ 2 dự kiến sẽ đóng điện trong quý 3 năm nay. GEG sở hữu 51% dự án này và thực hiện mua thêm 49% từ TTC để có thể sở hữu trọn vẹn Đức Huệ 2.
Đại diện VCBS: Trong năm tới GEG dự kiến đưa vào vận hành công suất 100 MW cho điện mặt trời áp mái. Cơ chế giá bán đối với điện áp mái ra sao? GEG sẽ bán cho EVN hay bán trực tiếp cho khách hàng? Hiệu quả lợi nhuận như thế nào?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thái Hà: Các công suất này đến từ việc đóng điện của các dự án Đức Huệ 2 và Hàm Phú 2 chứ không phải điện mặt trời áp mái.
Về phần điện áp mái hiện vẫn chưa có mức giá mới, tuy nhiên, GEG đánh giá mảng này vẫn tiềm năng. Chúng ta đang tiếp cận các khách hàng đầu tư tự dùng, chẳng hạn như các khách hàng kinh doanh thủy hải sản, kinh doanh kho lạnh,…
Các khách hàng có thể mua điện của chúng ta với mức giá chiết khấu thấp hơn thay vì mua từ EVN.
Xin cho biết định hướng triển khai mảng điện gió trong tương lai của GEG?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thái Hà: Hiện GEG có 3 dự án đang thi công với tổng công suất 130 MW. Cùng với đó, dự án quy hoạch rồi nhưng chưa thi công tại Bến Tre có thêm 30 MW nữa và đang có kế hoạch hợp tác đầu tư với đối tác.
GEG cũng còn thêm 100 MW đã bổ sung vào quy hoạch và đã hoàn thành pháp lý. Nhiều đối tác quan tâm hợp tác với GEG tại các dự án này.
Tuy nhiên, chúng ta cũng muốn chờ xem giá FIT sau tháng 11/2021 sẽ là bao nhiêu để có định hướng cụ thể… Trong trường hợp phát triển dự án thì chúng ta cần biết được rằng doanh thu đầu ra thế nào để nắm được bức tranh đầu ra cụ thể.
Phần còn lại, GEG cũng nắm gần 500 MW công suất sẽ nằm trong quy hoạch điện VIII.
GEG chỉ bị ảnh hưởng từ việc tắc nghẽn công suất giai đoạn cuối 2020 và đầu 20201
Việc tắc nghẽn công suất thời gian vừa qua ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của GEG?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thái Hà: Hiện tất cả nhà máy điện mặt trời của GEG nằm ở 5 tỉnh khác nhau. Chúng ta xác định ngay từ đâu là sẽ thi công phân tán và chủ động tính toán khả năng giải tỏa công suất. Điều này góp ích cho GEG trong việc vận hành nhà máy hiện nay.
Thời gian vừa qua, EVN và Bộ Công Thương đã điều chỉnh giờ phát điện cao điểm của thủy điện. Theo đó, thủy điện sẽ phát vào giờ sáng nhằm tránh giờ cao điểm của điện mặt trời là buổi trưa. Các giám đốc nhà máy GEG cũng chủ động để dành lượng nước tích được để phát vào giờ thấp điểm của điện mặt trời, nhằm tối ưu hoạt động phát điện của mảng thủy điện.
Chủ tịch Tân Xuân Hiến: Vào cuối năm 2020 đến đầu 2021, điện mặt trời mái nhà đột biến và đồng thời phụ tải giảm đột ngột. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 sẽ có khả năng thiếu điện cho nên vấn đề đột biến này sẽ giảm xuống mức tối thiểu.
Ở lưới cục bộ địa phương có thể vẫn không giải tỏa công suất được, bởi nhiều đơn vị để điện mặt trời phát triển lên đến cả ngàn MW. Hiện, EVN theo dự kiến sẽ cải tạo lưới điện nhưng cũng mất thời gian khoảng 2-3 năm.
Riêng đối với GEG, các nhà máy đều phân tán nên việc giải tỏa công suất được đảm bảo. GEG chỉ bị sự cố trong giai đoạn cuối 2020 và đầu 20201 thôi.
Xin Ban lãnh đạo chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 1 của GEG?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thái Hà: Quý 1 năm nay tình hình thủy điện khởi sắc so với cùng kỳ năm trước… Cụ thể, GEG đã đạt gần 83 tỷ lợi nhuận trong quý 1/2021.
Kế hoạch lợi nhuận 2021 tăng nhẹ
Trong năm 2020, GEG đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 1.52 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế gần 295 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 29% và 1.5% so với năm trước. Công ty đầu tư năng lượng này sẽ chia cổ tức tiền và cổ phiếu với cùng tỷ lệ 4% (tổng tỷ lệ 8%) cho năm 2020.
Tổng Giám đốc GEG – bà Nguyễn Thái Hà cho biết, dù ngành năng lượng có những chuyển biến tích cực trong năm 2020 nhưng GEG cũng chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, những vấn đề liên quan đến phụ tải và tình hình thủy văn đầu năm không thuận lợi.
“Đến cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm trước thì tình hình lượng nước, sản lượng và doanh thu từ hoạt động thủy điện mới bắt đầu khởi sắc… Tuy nhiên, khó khăn của GEG trong mảng thủy điện đã được bù dắp bởi các nhà máy điện mặt trời” – bà Hà cho biết.
Điểm sáng là Công ty đã đưa vào vận hành thêm 32 MWp công suất điện trong năm 2020 và đã được ký kết hợp đồng mua bán điện với giá bán 8.35 UScent/kWh trong vòng 20 năm. Hiện, GEG đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án điện gió V.P.L 1 - Bến Tre (30 MW), Ia Bang 1 - Gia Lai (50 MW) và Tân Phú Đông 2 - Tiền Giang (50 MW), kịp đưa vào vận hành trước tháng 11/2021 để được hưởng cơ chế giá FIT.
Cho năm 2021, Ban lãnh đạo Công ty được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.83 ngàn tỷ đồng và lãi trước thuế 320-350 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức cho năm 2021 dự kiến ở mức 8%.
Lợi nhuận trước thuế của GEG giai đoạn 2017-2021
(*lợi nhuận trước thuế 2021 dựa vào kế hoạch kinh doanh)
Đvt: Tỷ đồng
|
Ban lãnh đạo GEG lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành điện trong năm 2021, dựa vào kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục trở lại khi vaccine Covid-19 được tiêm chủng. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thái Hà, tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện trong những năm qua luôn thuận theo tỷ lệ tăng trưởng GDP. Như vậy, danh mục nhà máy năng lượng của GEG sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng này.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc GEG cũng cho biết Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội M&A dự án trong năm 2021. “Việc này bao gồm GEG đi M&A các dự án bên ngoài và song song với đó là kêu gọi các đối tác cùng góp vốn thực hiện dự án hiện hữu của GEG”, bà Hà chia sẻ.
Phát hành 21.7 triệu cp giá 10,000 đồng/cp
Tại Đại hội lần này, đáng chú ý cổ đông đã thông qua các phương án phát hành tổng cộng gần 21.7 triệu cp GEG với giá dự kiến 10,000 đồng/cp.
Theo đó, Công ty dự kiến thực hiện chào bán cho cổ đông hiện hữu gần 16.3 triệu cp (tương ứng 6% cổ phần đang lưu hành). Tỷ lệ thực hiện quyền trong đợt phát hành này tương ứng sẽ là 100:6.
Cùng với đó, hơn 5.4 triệu cp (2% cổ phần đang lưu hành) sẽ được phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Các cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày phát hành.
Gần 216 tỷ đồng huy động được từ các đợt phát hành được Ban lãnh đạo GEG dự kiến sử dụng cho việc đầu tư, góp vốn vào các công ty con triển khai dự án năng lượng tái tạo, hoặc có thể đầu tư mua các dự án, nhà máy và bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Tại Đại hội, ĐHĐCĐ cũng tiến hành miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Andrew Mark Affleck và ông Phạm Hồng Dương theo đơn từ nhiệm của cả hai. Theo đó, cổ đông thực hiện bầu bổ sung ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn và ông Nguyễn Thế Vinh vào HĐQT, theo nhiệm kỳ 5 năm kể từ ngày được bầu. Ông Tuấn và ông Vinh đều được đề cử bởi các cổ đông là CTCP Đầu tư Thành Thành Công và ông Đặng Văn Thành.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Thừa Vân
FILI
|