Bài cập nhật
ĐHĐCĐ DCM: Lợi nhuận quý 1/2021 đạt 78% kế hoạch năm
Theo ông Văn Tiến Thanh, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) chia sẻ, Công ty đã thực hiện được 78% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 chỉ sau quý đầu tiên.
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của DCM diễn ra sáng ngày 27/04
|
*Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của DCM
Thảo luận
Kế hoạch năm 2021 đặt theo cơ sở giá dầu/giá khí nào?
Ông Văn Tiến Thanh: Giá dầu để tính toán kế hoạch là 45 USD/thùng giá khí là 4.792 USD/triệu BTU. Thực tế giá dầu trong quý 1 đạt khoảng 65 USD/thùng và giá khí khoảng 5.8 USD/triệu BTU. Kéo theo đó chi phí giá khí cũng cao hơn kế hoạch.
Nhà máy của DCM đang chạy trên công suất thiết kế thì có bị ảnh hưởng tuổi thọ nhà máy không? Trong tương lai nếu nhu cầu urê tăng đột biến thì DCM làm sao để đáp ứng?
Ông Văn Tiến Thanh: Thông thường khi xây dựng nhà máy vẫn có margin công suất thừa. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ để cải tạo, mở rộng margin đó thêm trên nền tảng đảm bảo an toàn ổn định và lâu dài.
Năng lực sản xuất của các đơn vị trong nước là đủ để cung cấp trong nước và theo chúng tôi dự báo nhu cầu sẽ không quá biến động trong ngắn hạn.
Lộ trình thoái vốn Nhà nước như thế nào? DCM lựa chọn tiêu chí nào đối với nhà đầu tư chiến lược?
Ông Văn Tiến Thanh: Thoái vốn Nhà nước là định hướng lâu dài, song cần có thời gian và các bước quy trình, thủ tục. Bên quyết định vẫn là Nhà nước (PVN). Nhà đầu tư chiến lược nên là nhà đầu tư nằm trong chuỗi giá trị. Chúng tôi cũng hướng tới những nhà đầu tư quốc tế bên cạnh nhà đầu tư trong nước.
Chia sẻ về sản lượng kinh doanh trong quý 1?
Ông Văn Tiến Thanh: Sản lượng NPK quý 1/2021 trong nước và quốc tế đạt khoảng 216 ngàn tấn. Công ty đã xuất khẩu 2 lô urê đi Bangladesh với sản lượng 45 ngàn tấn.
Năm nay mùa mưa đến sớm nên người dân đã sớm triển khai mùa vụ/nối vụ. Do đó như cầu phân bón vẫn duy trì tích cực.
Bên cạnh việc kiểm soát an toàn dịch bệnh, chúng tôi vẫn duy trì xuất khẩu sang Campuchia, đây vẫn là thị trường mục tiêu chiếm tỷ trọng lớn đối với DCM. Chúng tôi đã tìm ra những phương pháp vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa duy trì hàng hóa được lưu thông. Trong tương lai chúng tôi muốn tìm kiếm thêm 1 thị trường mục tiêu mới để xuất khẩu sản lượng đáng kể.
Vì sao giá DAP tăng cao còn giá NPK không tăng trong giai đoạn vừa qua?
Ông Văn Tiến Thanh: Theo tôi, việc giá DAP tăng cao là do cước phí vận chuyển tăng. Bên cạnh đó cũng có yếu tố đầu cơ của các (trader) thế giới.
Về NPK, ông Thanh chỉ ra giá bán phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu đã gom vào những tháng trước đó. Hơn nữa là một số nhà sản xuất lớn trong nước đang muốn định hình thị trường NPK. "Giá bán như thế nào là do thị trường quyết định", ông Văn Tiến Thanh.
Ban lãnh đạo nói gì về câu chuyện thuế VAT sản phẩm phân bón?
Ông Văn Tiến Thanh: Các doanh nghiệp trong nước kỳ vọng phân bón sẽ được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) như trước đây để tăng tính cạnh tranh với doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam. Thực tế bất cập là giá bán sản phẩm nội vẫn cao hơn 12-14% so với của sản phẩm nhập. Chúng tôi hy vọng đề xuất sẽ tiếp tục được đệ trình lên Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Thuận lợi và khó khăn năm 2021 của Công ty
Theo ông Văn Tiến Thanh, trong năm 2021, DCM sẽ có một số thuận lợi như: Giá urê năm 2021 đạt khoảng 253 USD/tấn (theo Fetercon); tốc độ tăng trưởng GDP thế giới năm 2021 là 6%, Việt Nam là 6.5% (theo IMF); thời tiết thuận lợi hơn cho mùa vụ qua đó giúp nhu cầu phân bón được cải thiện hơn. Về phía DCM, mức tồn kho cuối năm 2020 thấp, giúp chủ động trong việc phân phối sản phẩm năm 2021.
Mặt khác, các khó khăn mà Công ty có thể gặp phải kể đến như: Giá dầu thế giới đang trên đà tăng, dự báo bình quân năm 2021 rơi vào mức 60 USD/thùng, kéo theo giá khí tăng; dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng; tình trạng dư cung trong nước lớn dẫn đến cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất cả trong nước và xuất khẩu; đồng nội tệ các nước như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc… mất giá tạo ra lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của các nước này.
Kế hoạch lãi sau thuế năm 2021 giảm 70%
HĐQT DCM đánh giá năm 2021 là cột mốc quan trọng đánh dấu sự kiện 10 năm hình thành và phát triển của Công ty. DCM đối diện với hàng loạt những khó khăn thách thức như: Đại dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến chủng mới đang lây lan rộng ra nhiều nước dẫn đến các ngành kinh tế chưa thể hồi phục, giá khí có xu hướng tăng trở lại; tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô ở Tây Nam Bộ vẫn tiếp tục diễn biến khó lường; cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất phân bón trong nước và các nhà nhập khẩu.
Về kinh doanh và phát triển thị trường, DCM định hướng chiếm lĩnh và duy trì các thị trường trọng yếu trong nước, Campuchia cho sản phẩm Urê, từng bước đưa sản phẩm NPK Cà Mau phát triển hiệu quả ở thị trường Tây Nam Bộ. Công ty tìm hiểu và khảo sát nhu cầu thị trường, phối hợp bộ phận nghiên cứu phát triển đưa ra thị trường các sản phẩm mới có tính khác biệt để tạo lợi thế trên thị trường.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ phát huy tối đa các công cụ quản trị bán hàng (DMS-CSS-DATA), các hoạt động tiếp thị truyền thông tương tác sâu rộng tới hệ thống phân phối các cấp; đẩy mạnh truyền thông về những bất cập, thiệt hại của Nhà nước và doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khi triển khai Luật thuế 71/2014/QH13 đối với mặt hàng phân bón.
Công ty đặt mục tiêu sản lượng Đạm Cà Mau (Urê) sản xuất và tiêu thụ lần lượt đạt 860 ngàn tấn và 791 ngàn tấn. Các chỉ tiêu sản lượng năm 2021 cụ thể như sau:
Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của DCM
|
Về tài chính, dự kiến tổng doanh thu hợp nhất năm nay đạt 7,893 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2020. Mục tiêu lãi sau thuế giảm 70% về còn 197 tỷ đồng. Cổ tức năm 2021 dự kiến chia với tỷ lệ 5%.
Kết quả kinh doanh của DCM từ 2017-2020 và kế hoạch 2021
Đvt: Tỷ đồng
|
Lợi nhuận quý 1 đạt 78% kế hoạch năm
Có thể thấy các con số chỉ tiêu sản lượng, tài chính năm 2021 đều tương đối thấp so với thực hiện năm trước. Giải thích điều này, Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh cho biết không ai lường trước được những diễn biến xảy đến trong tương lai. Năm 2021 được cho là năm tiếp tục biến động về tình hình trên thế giới cũng như Việt Nam. Phía DCM vẫn khá thận trọng, khiêm tốn trong việc đặt kế hoạch.
Ông Thanh cho biết sau quý 1, Công ty đã thực hiện được khoảng 78% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Tùy diễn biến kinh doanh mà sau này DCM có thể điều chỉnh các chỉ tiêu. Thực tế trong năm 2020 Công ty cũng đã có thực hiện điều chỉnh kế hoạch.
Năm 2020, tổng doanh thu của DCM đạt 7,700 tỷ đồng, đạt 111% so với kế hoạch và đạt 107% so cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế gần 717 tỷ đồng, đạt 140% so với kế hoạch, đạt 155% so cùng kỳ năm 2019.
Với kết quả này, DCM dự kiến chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 8%, tương ứng với số tiền gần 424 tỷ đồng.
Cuộc họp kết thúc với tất cả các tờ trình đều được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Duy Na
FILI
|