Bài cập nhật
ĐHĐCĐ ACB: Lợi nhuận quý 1 ước đạt 3,100 tỷ đồng
Sáng ngày 06/04/2021, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021. Bên cạnh kế hoạch kinh doanh năm 2021, ĐHĐCĐ ACB cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT ACB chia sẻ, các tỷ lệ đảm bảo an toàn của ACB luôn đảm bảo tuân thủ theo luật. Trong bối cảnh dịch Covid-19, ACB đã hoàn thành được 2 mục tiêu quan trọng, một là ký thỏa thuận hợp tác độc quyền 15 năm với Sun Life, góp phần gia tăng đáng kể giá trị cho ACB. Thứ hai là ACB đã chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE đúng kỳ hạn.
Sang năm 2021, ACB sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược giai đoạn 2019-2024 trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, tỷ suất ROE 20%/năm, tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân (KHCN) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Để đảm bảo thực hiện thành công, ACB sẽ tập trung đầu tư nhân lực bên trong và bên ngoài, phát triển nhân lực cho lãnh đạo, ứng dụng công nghệ trong vận hành…
ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của ACB được tổ chức sáng ngày 06/04/2021.
|
Thảo luận:
Phí độc quyền bảo hiểm với Sun Life hạch toán thế nào?
Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn: Theo luật, một là phân bổ 1 lần, hai là phân bổ 15 năm. ACB quyết định phân bổ chi phí trong 15 năm.
Kế hoạch phát triển mảng bảo hiểm?
Quý 1, hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đạt kết quả tốt, hy vọng trong năm 2021 đạt được mục tiêu đề ra, lượng khách hàng mới gia tăng mỗi năm là cơ sở để phát triển mảng này.
Trong chiến lược sẽ không tăng phí thanh toán nội địa nhiều, mà tăng tỷ lệ CASA, giá vốn rẻ hơn, để có cơ hội tiếp xúc nhiều khách hàng hơn.
Kế hoạch cho vay và huy động vốn trong 3 năm tới?
Đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, ACB vẫn tập trung khách hàng cá nhân (KHCN) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Mỗi thị trường, ACB có chiến thuật riêng. Mỗi năm tăng khoảng 1 triệu khách hàng mới, bao gồm 900,000 KHCN và 100,000 khách hàng SMEs.
Thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng sẽ được mở rộng. ACB sẽ tăng số lượng sản phẩm trên mỗi khách hàng, phù hợp với độ tuổi, nhu cầu theo từng độ tuổi.
Thứ hai là bán sản phẩm theo nhóm đối tượng khách hàng.
Thứ ba cũng khá quan trọng là hệ thống quy trình kinh doanh, tăng an toàn, tăng hiệu quả.
Tỷ lệ cho vay tín chấp tại ACB?
Phần lớn chỉ cho vay tín chấp đối với KHCN thông qua cấp thẻ tín dụng. Hiện nay có gần 4 triệu khách hàng, tùy theo uy tín, lịch sử quan hệ để cấp hạn mức từ 20 triệu đồng – 1 tỷ đồng.
ACB có cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp liên quan đến dự thầu, thực hiện thi công xây lắp…
Kể từ năm 2018, sau khi chuyển đổi sang bán lẻ, phần lớn ACB không còn cấp tín chấp tín dụng cho khách hàng mới nữa.
Tỷ lệ cho vay tín chấp trên tổng dư nợ khá thấp. Hiện nay, ACB tập trung vào bán lẻ, phát triển KHCN.
Lợi nhuận quý 1 đạt 3,100 tỷ đồng
Tác động Thông tư 01 đến ACB?
Tác động của Thông tư 01 là khá nghiêm trọng, nhất là với các lĩnh vực du lịch, hàng không, khách sạn. Tổng số dư nợ ACB tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng là 9,000 tỷ đồng trên tổng số 311,000 tỷ đồng.
Quý 1/2021 dịch bệnh tạm ổn, nhưng chúng ta cũng không thể xác định được khi nào dịch sẽ hết.
Tình hình nợ xấu?
ACB đã kiểm soát tỷ lệ nợ xấu từ 2016 đến nay luôn ở mức 0.6-0.7%. ACB cũng đã chủ động phân loại nợ để đảm bảo an toàn. Mục tiêu kiểm soát dưới 1% trong năm 2021.
Nếu hoạt động như hiện nay, không có yếu tố khách quan không dự báo được, thì trong năm 2021, nợ xấu của ACB hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Kết quả kinh doanh quý 1?
Tính đến 31/03/2021, tổng tài sản đạt 447,000 tỷ đồng, tăng 1.1%; tín dụng đạt 324,000 tỷ đồng, tăng 4.1% trong quý 1. Huy động 352,000 tỷ đồng.
Lợi nhuận quý 1 là 3,105 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.
Việc trích lập dự phòng của ACB trong quý 1/2021?
Cho vay và huy động trong quý 1 cảm thấy an toàn về tăng trưởng, nhưng rủi ro trong hoạt động cho vay là rất lớn do dịch Covid-19 tái đi tái lại rất lớn. Trích lập dự phòng liên quan đến khách hàng trong lĩnh vực du lịch và khách sạn bị ảnh hưởng, trích lập dự phòng sẽ tăng an toàn cho ngân hàng trong hoạt động về sau.
Thu nhập từ chứng khoán của ACB?
Trong tháng 4, ACB đã tận dụng kinh doanh trái phiếu Chính phủ (TPCP), đem lại khoản thu nhập 700 tỷ đồng. Số lượng TPCP ACB đang nắm giữ khoảng 6,000 tỷ đồng.
Chính sách phát triển thị trường miền Bắc?
Khoảng 2019-2020, thị trường phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra Hà Nội tăng trưởng khá tốt. ACB ở phía Bắc cũng đang từng bước tăng trưởng và nhất là đối với ở thị trường Hà Nội đã có mức tăng trưởng khá trong thời gian gần đây, nhất là trong quý 1.
Sẽ không thoái vốn khỏi ACBS
Hiệu quả của việc chuyển đổi số tại ACB?
ACB đã tích cực triển khai dự án số từ 2018, các hoạt động giúp tự động hóa quy trình, giảm bớt chi phí, tiền đầu tư vào lĩnh vực này cũng từng bước mang lại hiệu quả cho ACB.
Chính sách M&A như thế nào để tăng quy mô của ACB?
M&A không chỉ đơn thuần tăng quy mô, mà còn phải đẩy mạnh tăng trưởng, M&A phải mang tính đường dài, phù hợp văn hóa, khả năng phát triển của ACB.
ACB có dự kiến mở rộng sang mảng trái phiếu doanh nghiệp?
Phần lớn hoạt động cho vay là bất động sản, hiện ngân hàng đang thay đổi chiến lược sang bán lẻ, đẩy mạnh khối khách hàng cá nhân. ACB cũng xem xét khi có điều kiện phù hợp sẽ mở rộng trái phiếu doanh nghiệp. Đây là lĩnh vực khá rủi ro và NHNN không khuyến khích, nên Ngân hàng đang xem xét.
Khi nào thì Ngân hàng sẽ thoái vốn tại ACBS?
Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy: Chúng tôi không thoái vốn. Thời gian qua đã tìm kiếm đối tác chiến lược, thời gian tới sẽ thực hiện tái cơ cấu trong thời gian thích hợp.
ACB sẽ chủ động tăng vốn để cân nhắc hiệu quả sinh lời cho cổ đông và phù hợp với nhu cầu thực tế.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2021 tăng 10%
ACB trình cổ đông và được thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với các chỉ tiêu đều tăng trưởng như tổng tài sản tăng 10%, tiền gửi khách hàng và tín dụng đều tăng 9%. Lợi nhuận trước thuế khoảng 10,602 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 10% so với kết quả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 8,482 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Dự kiến sau khi trích lập các quỹ cho năm 2021, ACB sẽ còn hơn 7,009 tỷ đồng, và sẽ dùng gần 6,755 tỷ đồng để chia cổ tức cho năm 2021 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu.
Mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS ACB dự kiến là 0.6% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn theo BCTC hợp nhất kiểm toán 2021.
Tăng vốn lên 27,019 tỷ đồng thông qua chia cổ tức tỷ lệ 25%
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020, ACB sẽ kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu.
Cụ thể, ACB được cổ đông thông qua phương án phát hành thêm hơn 540 triệu cp để trả cổ tức, nguồn vốn từ lợi nhuận để lại sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại để chia tính đến 31/12/2020. Với vốn điều lệ hiện tại gần 21,616 tỷ đồng, nếu phát hành thành công, ACB sẽ nâng tổng mức vốn điều lệ dự kiến lên 27,019 tỷ đồng.
Việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với Ngân hàng; tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ; thêm nguồn vốn để cải tạo, đều tư các dự án chiến lược trong năm 2019 – 2024.
Như vậy, nếu như tăng vốn thành công, Dragon Financial Holdings Limited vẫn là cổ đông lớn duy nhất của ACB với tỷ lệ sở hữu 6.92%.
Cát Lam
FILI
|