Thứ Năm, 01/04/2021 08:58

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ 2021: Giá trị của Masan đang là bao nhiêu?

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của cả CTCP Tập đoàn Masan (HOSEMSN), CTCP Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH) và CTCP Masan MEATLife (UPCom: MML) diễn ra sáng ngày 01/04 tại Sapa.

Sáng ngày 01/04, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của cả MSN, MCHMML được tổ chức chung tại Sapa, tỉnh Lào Cai.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT MSN chia sẻ: “Năm nay là năm đầu tiên trong chu kỳ 10 năm. Ở đây, tại Sapa, trên hành trình đến nóc nhà Đông Dương, chúng tôi cũng muốn chia sẻ với quý vị những niềm tin, những trăn trở, những chiến lược trong 10 năm sắp tới. Bằng cách nào, chúng ta tiếp tục con đường chúng ta đi, nhưng mang lại giá trị lớn hơn cho xã hội, cho Việt Nam, cho Masan và cho mỗi chúng ta.”

Lý giải thêm về lý do tổ chức ĐHĐCĐ thường niên tại Sapa, ông Quang cho biết, trải qua 1 năm Covid, lên Sapa tạo ra cảm giác mới để chúng ta có thể nhìn vào 1 tương lai mới cũng là một điều tốt. Hơn nữa, Việt Nam mình hình chữ S và rất dài, nói chung không tồn tại một địa điểm nào mà mọi người đều đến giống nhau; từ Hà Nội lên Sapa còn gần hơn vào Tp.HCM. Thứ hai, khi bạn đến tầm cao, bạn chắc sẽ có 1 tầm nhìn lớn hơn. Tiếp theo (sau buổi họp) chúng ta có thể lên nóc nhà Đông Dương, để mình có thể một lần nhìn toàn cảnh câu chuyện phụng sự người tiêu dùng như thế nào ở một tầm cao. 

Phần thảo luận:

"Một doanh nghiệp có giá trị tổng cộng khoảng vài trăm tỷ USD"

Giá trị của MSN đang là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Đăng Quang: Hàng ngày, chúng ta nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người Việt Nam. Chúng ta được tưởng thưởng bởi doanh thu lợi nhuận, giá trị cao và tăng trưởng không ngừng. Đó là công thức thành công, công thức tạo ra giá trị của MSN. Giá trị lớn và cao chắc chắn nằm ở cuối con đường. Mình cứ đi đến cuối rồi sẽ biết nó là bao nhiêu.

Ông Danny Le - Tổng Giám đốc MSN: Nhìn vào những con số sẽ có phần không công bằng vì chúng ta vừa tái định hình lại nền tảng với việc sáp nhập VCM. Chúng ta cần một lộ trình tiềm năng hơn là những con số hiện tại. Kết hợp với TCB nữa, chúng ta đang là một doanh nghiệp có giá trị tổng cộng khoảng vài trăm tỷ USD. Khi mọi thứ định hình lại rồi, nhà đầu tư sẽ nhìn vào MSN với một con mắt khác.

Vì sao Ban điều hành không trao đổi kỹ và cập nhật về mảng thức ăn chăn nuôi?

Ông Danny Le: Ngành thức ăn chăn nuôi là một lĩnh vực chúng tôi sản xuất và kinh doanh để tạo động lực cho chuỗi giá trị thịt và thịt mát có thương hiệu. Hôm nay trong ĐHĐCĐ chúng tôi muốn nói nhiều về Alpha-bet, nền tảng bán lẻ tiêu dùng. Do đó The CrownX được lựa chọn là chủ đề chính.

Ông Phạm Trung Lâm - Tổng Giám đốc Masan MEATLife (MML) chia sẻ thêm, kết quả kinh doanh năm 2020 của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi heo, gia cầm và cá đều đạt tăng trưởng dương. Trong đó gia cầm tăng 28%, heo tăng 1% và cá xấp xỉ 2019.

Sang quý 1/2021, ước tính kết quả thức ăn chăn nuôi tăng trưởng 19% so cùng kỳ; trong đó, heo tăng 45%, gia cầm tăng 2%. Về doanh thu quý 1 ước tăng trưởng khoảng 30%.

Đại diện của HSC: Liên quan đến điểm hòa vốn trong mảng kinh doanh bán lẻ, Masan mong đợi như thế nào riêng lĩnh vực này trong năm 2021?

Ông Danny Le: Quý 4/2020, chúng tôi đã đạt điểm hòa vốn toàn Công ty. Năm 2021 chúng tôi đặt mục tiêu hòa vốn hoặc có lãi luôn cho toàn Công ty, bao gồm các chi phí văn phòng, các bộ phận khác cũng như cả khấu hao. EBITDA sẽ dương cho toàn Công ty trong 2021.

Tương lai của Masan High-Tech Marterials (MHT, MSR) như thế nào?

Ông Danny Le: Chúng tôi vẫn đang đầu tư tích cực vào MHT và vừa ký kết hợp tác với Mitsubishi. Chúng tôi vẫn rất quan tâm sự phát triển của MHT.

Ông Craig Richard Bradshaw - Tổng Giám đốc MHT: Chúng tôi mua lại H.C.Starch từ hồi tháng 6/2020. Năm vừa qua, chúng tôi cũng một số khó khăn do Covid. Một số khách hàng đã ngưng sản xuất và ngừng mua vonfram.

Dù vậy, chúng tôi xem đó là cơ hội để nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới dựa trên nền tảng có sẵn. Những sản phẩm này có thể ứng dụng trong quốc phòng, hàng không, ô tô... Khi những lĩnh vực này hồi phục hậu Covid, chúng tôi đã có sẵn sản phẩm để chào bán cho họ.

Kế hoạch chuyển đổi VinMart thành WinMart như thế nào?

Ông Trương Công Thắng: WinMart sẽ là tên mới của VinMart. Hợp đồng hết năm nay chúng ta cần đổi tên ngoài VinMart. Thứ hai, chúng ta chỉ đổi tên khi bên trong cũng thay đổi, không phải kiểu “bình mới rượu cũ”. Quá trình chuyển đổi theo kế hoạch sẽ hoàn tất trong năm 2021.

Kế hoạch lấp đầy nhà máy công suất của MEATDeli?

Ông Phạm Trung Lâm: Tôi hiểu câu hỏi này đang đề cập tới 2 nhà máy MEATDeli ở Hà Nam và ở HCM. Hiện chúng tôi đang sử dụng công suất 7% của nhà máy. Hiện sản phẩm chúng tôi đã bao phủ khoảng 1,300 cửa hàng VinMart/VinMart+ ở Hà Nội và HCM. Với 3,000 cửa hàng VinMart/VinMart+ trong năm nay như kế hoạch cùng với các cửa hàng khác sẽ giúp chúng tôi nâng cao năng suất nhà máy lên khoảng 30%. Năng suất nhà máy có thể đạt 100% vào năm thứ 3, tức rơi vào năm 2023. Dự kiến đến hết tháng 5/2021, sản phẩm MEATDeli sẽ bao phủ khắp toàn tỉnh thành Việt Nam.

The CrownX hướng tới doanh thu 8 tỷ USD năm 2025

Ông Trương Công Thắng - Tổng Giám đốc MCH: Trong năm 2020, MCH đã ra mắt 29 phát kiến mới trên tất cả các ngành hàng. Ngành hàng thực phẩm tiện lợi đã tung ra các phát kiến đón đầu xu hướng tiêu dùng.

Ngành hàng nước giải khát và thức uống dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trẻ, giới văn phòng, công nhân và nhiều đối tượng khách hàng khác.

Các mục tiêu này giúp MCH tăng trưởng khoảng 25% trong 5 năm tới. Năm 2020, MCH là công ty đứng thứ 3 trong việc chi tiền cho quảng cáo. Mục tiêu 5 năm tới sẽ là vị trí số 1. MCH là đơn vị có tốc độ ra mắt sản phẩm nhanh nhất và nhiều nhất thị trường tại Việt Nam. Mỗi tuần có một sản phẩm Masan mới giới thiệu ra thị trường, bao phủ 300,000 cửa hiệu thông qua sỉ/lẻ.

Cũng theo ông Thắng, The CrownX đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 8 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, MCH đóng góp 3 tỷ USDVCM đóng góp 5 tỷ USD. The CrownX hướng đến sở hữu 25 thương hiệu tiêu dùng hàng đầu, phục vụ khoảng 30 - 50 triệu khách hàng thân thiết, 10% sẽ doanh thu đến từ kênh online.

Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Thắng, nhu cầu của người tiêu dùng không dừng lại, sau khi thỏa mãn số lượng sẽ là yêu cầu về chất lượng, giúp các nhà sản xuất luôn có cơ hội bao gồm cả Masan.

Masan sẽ có nhãn hàng kinh doanh riêng

Ông Danny Le cho biết tương lai của ngành hàng tiêu dùng sẽ nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại. Sự tham gia của kênh bán lẻ hiện đại đã thu hẹp đáng kể khoảng cách về lợi nhuận gộp giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ: Khoảng cách này tại Mỹ và Thái Lan hiện nay là dưới 10% so với trên 20% trước đây.

Để làm được điều này, Masan sẽ phát triển mạng lưới 10,000 cửa hàng do Tập đoàn tự vận hành và 20,000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình, mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và đối tác. Xây dựng mô hình bán lẻ kết hợp xuyên suốt từ online đến offline để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng.

Thực hiện tốt điều này, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được từ 5-10% cho các hàng hóa thiết yếu, nhà sản xuất và nông dân sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% và đối tác nhượng quyền bán lẻ sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% so với hoạt động hiện tại của họ.

Trong 2021, MSN sẽ có tập trung vào chiến lược mô hình nguồn cung trực tiếp tại địa phương, từ các người nông dân để đảm bảo sản phẩm tươi ngon, chất lượng. Và khi làm điều này, biên lợi nhuận thương mại có thể cải thiện 2%. Đến thời điểm hiện tại, MSN ghi nhận đã cải thiện thông số này 0.6%, đi đúng tiến độ đề ra.

Đến 2025, MSN định hướng mô hình này sẽ có 35-45% doanh thu đến từ hàng tươi sống, biên lợi nhuận thương mại có thể đạt trên 30%.

“MSN sẽ có 1 dòng nhãn hàng bán lẻ riêng trên cơ sở hợp tác với các nhà cung cấp chiến lược để phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở nông thôn, với các sản phẩm chất lượng, đột phá với giá cả hợp lý”, ông Danny Le nói thêm.

Còn với MCH, doanh thu thuần dự kiến tăng 15%-20% thông qua các phát kiến mới, chiến lược cao cấp hóa danh mục thực phẩm và mở rộng quy mô ngành hàng thức uống và sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.

Những mảnh ghép đầu tiên cho nền tảng "Point of Life"

Theo ông Danny Le, cửa hàng hiện đại là nơi chúng ta kết nối toàn bộ các nhu cầu của người tiêu dùng lại với nhau để tạo nên một nền tảng bao trùm xuyên suốt từ online đến offline, kết hợp các sản phẩm và dịch vụ khách hàng tốt nhất. Đó là điểm đến "tất cả trong một" phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng. Khi kết nối các dịch vụ vào một nền tảng duy nhất, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ hệ sinh thái hàng ngày mang lại giá trị cho họ.

Chiến lược và tầm nhìn này nghe có vẻ thân quen, bởi cả thế giới đang theo đuổi mô hình hệ sinh thái. “Tôi tin rằng chúng ta đã có những mảnh ghép chiến lược để hiện thực hóa mô hình này ở Việt Nam. Minh chứng đầu tiên về nền tảng "Point of Life" sẽ diễn ra trong năm nay 2021. Chúng ta sẽ phát triển ít nhất 50% cửa hàng trở thành các điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số”, TGĐ MSN chia sẻ.

MSN hiện xử lý hơn 1 triệu giao dịch mỗi ngày và con số này sẽ tăng gấp 5 tới 10 lần vào 2025. Khối lượng giao dịch này sẽ cung cấp cho Tập đoàn nguồn dữ liệu quý giá để thấu hiểu người tiêu dùng và phục vụ tốt hơn.

Kế hoạch doanh thu 92,000 - 102,000 tỷ đồng

Năm 2021, MSN đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần hợp nhất rơi vào khoảng 92,000 - 102,000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông từ 2,500 - 4,000 tỷ đồng. Đây là con số doanh thu cực kỳ tham vọng trong bối cảnh nền kinh tế cũng như sức mua nói chung chưa hồi phục mạnh sau đại dịch. Cổ đông Công ty đã thông qua các chỉ tiêu này.

Các chỉ tiêu kinh doanh này đều cao hơn so với thực tế đạt được trong 2020. Năm vừa qua, MSN ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 77,218 tỷ đồng và lợi nhuận thuộc về cổ đông của công ty đạt 1,234 tỷ đồng.

Về triển vọng dài hạn, Ban điều hành MSN cho biết những nỗ lực thực hiện trong năm 2020 đã tạo tiền đề cho giai đoạn chuyển đổi và tăng trưởng tiếp theo trong 5 năm tới.

"Trong giai đoạn tới, chúng tôi tin rằng các sản phẩm và thương hiệu hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các sản phẩm độc đáo, mới lạ, tiện dụng và những trải nghiệm tiêu dùng phù hợp với sở thích cá nhân. Với việc tham gia vào lĩnh vực bán lẻ hiện đại, ban đầu tập trung vào các ngành hàng nhu yếu phẩm, có thể nói rằng chúng ta đã thực hiện những bước đầu đúng đắn và sở hữu hầu hết các yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng công nghệ tích hợp “Point-of-Life”, báo cáo Masan nhận định.

Như vậy, năm 2021 dự kiến doanh thu tăng 19-32%, lợi nhuận tăng 105-224% so với thực hiện trong 2020.

Kết quả kinh doanh năm 2020 của MSN
Nguồn: MSN

MSN cũng dự kiến phát hành cổ phần theo chương trình lựa chọn (ESOP) cho người lao động của Masan, nhằm ghi nhận đóng góp của nhân viên trong năm qua. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành tối đa 0.5% tổng số cổ phần đang lưu hành của MSN. Thực hiện theo mệnh giá 10,000 đồng/cp.

Ngoài ra, dựa vào kế hoạch kinh doanh và để đảm bảo tối ưu hoá dòng tiền, MSN dự kiến sẽ không chia cổ tức năm 2020. Về tạm ứng cổ tức 2021, Công ty giao HĐQT tuỳ thuộc vào tình hình quyết định phương án cụ thể sau.

The CrownX trở thành doanh nghiệp tiêu dùng lớn thứ 2 cả nước

Năm 2020, The CrownX đã trở thành doanh nghiệp tiêu dùng lớn thứ 2 tại Việt Nam xét về doanh thu. Năm qua, đơn vị này đạt doanh thu 54,277 tỷ đồng (xấp xỉ 2.5 tỷ USD), tăng 18% so với năm trước trên cơ sở so sánh tương đương với biên EBITDA tăng 270 điểm cơ bản lên mức 8.2%.

Doanh thu thuần của VCM - công ty bán lẻ hiện đại của The CrownX, đạt 30,978 tỷ đồng trong năm 2020, tăng trưởng 14%, nhờ mảng siêu thị mini tăng trưởng mạnh. Lợi nhuận của VCM cũng có sự cải thiện rõ rệt, lần đầu tiên đạt EBITDA dương vào quý 4/2020, dấu mốc quan trọng cho thấy những nỗ lực cải thiện liên tục và hoàn thành giai đoạn chuyển đổi đầu tiên dưới sự quản lý của MSN.

Masan Consumer Holdings (MCH), công ty con kinh doanh hàng tiêu dùng có thương hiệu của The CrownX cũng đạt được dấu ấn quan trọng trong năm 2020 khi lần đầu tiên vượt mốc doanh thu thuần 1 tỷ USD (tương đương 23,971 tỷ đồng) với mức tăng trưởng 27% so với năm trước. EBITDA năm 2020 của MCH ghi nhận đi lên 21.5%. Ban điều hành cho biết tăng trưởng về doanh số và lợi nhuận của MCH là nhờ những nỗ lực nâng cao chất lượng danh mục sản phẩm và đưa ra thị trường các phát kiến đột phá.

Trong tháng 6 và tháng 8 năm 2020, MSN đã mua 14.8% vốn chủ sở hữu của The CrownX từ bên thứ 3 (Vingroup) với tổng số tiền đạt hơn 23,692 tỷ đồng. Sau khi mua lại, lợi ích kinh tế của MSN trong The CrownX tăng từ 70% lên 84.8%, dẫn đến chênh lệch ghi nhận giảm vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 22,000 tỷ đồng. Đây là ảnh hưởng dễ hiểu và bình thường các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động mua bán sáp nhập. Nhìn lại cả năm 2020, MSN chính là Tập đoàn có thương vụ M&A đình đám, tiêu biểu nhất.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua. Bà Nguyễn Thị Thu Hà trúng cử vào thành viên HĐQT MSN nhiệm kỳ 2019-2024.

Duy Na

FILI

Các tin tức khác

>   OGC giảm kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2021 hơn 58% (01/04/2021)

>   NWT: Báo cáo thường niên 2020 (01/04/2021)

>   ISG: Báo cáo thường niên 2020 (01/04/2021)

>   NS2: Báo cáo thường niên 2020 (01/04/2021)

>   NS2: Báo cáo thường niên 2020 (01/04/2021)

>   DNH: Báo cáo thường niên 2020 (01/04/2021)

>   THW: Báo cáo thường niên 2020 (01/04/2021)

>   LBC: Báo cáo thường niên 2020 (01/04/2021)

>   MTC: Báo cáo thường niên 2020 (01/04/2021)

>   VDM: Báo cáo thường niên 2020 (01/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật