Năm 2018, một chuyên gia Bitcoin tại PwC là Alex de Vries từng đưa ra ước tính gây xôn xao: Cứ mỗi năm, các máy chủ đào Bitcoin trên toàn cầu tiêu thụ hết 22 TWh điện, gần bằng mức tiêu thụ điện của Ireland. Nhưng đó đã là con số 3 năm về trước.
Khi thị trường Bitcoin bùng nổ trong suốt năm qua, không có dấu hiệu nào cho thấy lượng điện năng mà các máy đào Bitcoin trên toàn cầu tiêu thụ có dấu hiệu chậm lại.
Theo chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin mới nhất được đo đạc bởi Đại học Cambridge, hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn cầu tiêu tốn tới 128,84 TWh mỗi năm, nhiều hơn cả lượng điện năng tiêu thụ hàng năm ở các quốc gia như Ukraine hay Argentina. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng lượng khí thải carbon hàng năm từ lượng điện năng cần thiết phục vụ khai thác và giao dịch Bitcoin có thể tương đương với toàn bộ khí thải carbon của Hồng Kông.
Một ví dụ gần gũi hơn, theo Digiconomist, cứ mỗi giao dịch Bitcoin sẽ tạo ra lượng khí thải carbon tương đương 735.121 giao dịch Visa và 55.280 giờ xem Youtube.
Khoảng 75% hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn cầu hiện tập trung ở Trung Quốc, nơi giá điện rẻ và khả năng tiếp cận dễ dàng với các nhà sản xuất phần cứng chuyên dụng cho máy đào Bitcoin. Kết quả là lượng khí thải carbon mà các máy đào Bitcoin ở Trung Quốc thải ra lớn tương đương lượng khí thải của 1 trong 10 thành phố lớn nhất đại lục - theo nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi nhóm học giả từ Đại học Thanh Hoa, Viện Khoa học Trung Quốc, Đại học Cornell và Đại học Surrey.
|
Khoảng 75% hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn cầu hiện tập trung ở Trung Quốc. Kết quả là lượng khí thải carbon mà các máy đào Bitcoin ở nước này thải ra lớn tương đương lượng khí thải của 1 trong 10 thành phố lớn nhất đại lục.
"Giao dịch Bitcoin tốn nhiều điện năng hơn bất kỳ phương pháp giao dịch nào mà nhân loại từng biết" - tỷ phú Bill Gates gần đây đã thốt lên như vậy.
Tại thời điểm mà các nhà lãnh đạo toàn cầu ngày càng quan tâm đến vấn đề khí hậu và phát triển bền vững, họ có thể sắp nhắm đến thị trường hiện có giá trị vốn hóa hơn 1 nghìn tỷ USD của Bitcoin.
Bitcoin hoạt động dựa trên nền tảng blockchain (chuỗi khối), và chính cơ cấu hoạt động này là nguyên nhân khiến các giao dịch tiền điện tử Bitcoin ngốn lượng điện năng rất lớn. Các thợ đào Bitcoin phải giải bài toán cho một câu đố thuật toán thông qua một hệ thống máy đào công suất lớn. Trung bình cứ sau mỗi 10 phút, một máy chủ tìm ra lời giải sẽ được nhận thưởng từ hệ thống với phần thưởng bằng Bitcoin.
Các thợ đào có xu hướng sử dụng rất nhiều máy đào và hệ thống làm mát hoạt động liên tục để giải nhiều thuật toán, thu nhiều lợi nhuận hơn. Nhất là khi giá Bitcoin tăng vọt áp sát mốc 60.000 USD gần đây và vốn hóa thị trường Bitcoin vượt 1.000 tỷ USD, các mỏ đào Bitcoin gần như đang hoạt động hết công suất.
"Cường độ đào và số giao dịch Bitcoin đã tăng mạnh trong những năm gần đây, song song với nó là tác động tiềm năng nghiêm trọng với vấn đề khí hậu" - nhận định của ông Alex de Vries.
Trung Quốc đang nỗ lực trở thành lá cờ tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Năm ngoái, nước này đặt mục tiêu giảm phát thải ròng carbon xuống mức 0 vào năm 2060. Nhưng sự tăng vọt các giao dịch Bitcoin khi thị trường tiền điện tử bùng nổ trong năm qua có vẻ đang đe dọa tính khả thi của mục tiêu này.
"Nếu không có biện pháp can thiệp phù hợp, hoạt động đào Bitcoin ở Trung Quốc có thể nở rộ nhanh chóng, tạo nên mối đe dọa lớn với nỗ lực giảm phát thải và trung hòa carbon ở quốc gia này" - nhóm tác giả nghiên cứu nhấn mạnh. "Trong tình huống đó, mức tiêu thụ năng lượng hàng năm từ hoạt động đào Bitcoin ở Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục 296,59 TWh vào năm 2024, đồng thời tạo ra 130,50 triệu tấn khí thải carbon".
Theo chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin mới nhất được đo đạc bởi Đại học Cambridge, hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn cầu tiêu tốn tới 128,84 TWh mỗi năm, nhiều hơn cả lượng điện năng tiêu thụ hàng năm ở các quốc gia như Ukraine hay Argentina.
|
Trong nỗ lực giải quyết những hệ quả môi trường quá lớn từ hoạt động khai thác Bitcoin nói riêng và giao dịch tiền điện tử nói chung, một Hiệp ước khí hậu tiền điện tử vừa được ra đời cách đây ít lâu.
Hiệp ước này được "chống lưng" bởi hàng loạt tên tuổi tầm cỡ như công ty tiền điện tử Ripple, tập đoàn công nghệ blockchain ConsenSys và tỷ phú Tom Steyer - một tiếng nói lớn trong các hành động chống biến đổi khí hậu. Nhóm này tham vọng chuyển đổi tất cả các nền tảng giao dịch tiền điện tử blockchain sang sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2030, tiến tới đạt mức phát thải ròng trong toàn ngành công nghiệp tiền điện tử bằng 0 vào năm 2040.
Nếu thành công, Hiệp ước khí hậu tiền điện tử sẽ giải quyết được một mối quan ngại thiết thực của nhiều chính phủ trên toàn cầu.
Nhưng có một thách thức lớn ở đây: Bitcoin là nhân tố chính trong cuộc chơi, trong khi việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo không giải quyết triệt để bản chất cốt lõi của các giao dịch Bitcoin là tiêu hao quá nhiều năng lượng điện.
Trong trường hợp các giao dịch tiền điện tử chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tổng cung điện năng từ năng lượng tái tạo có thể không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện thiết yếu. Tình huống như vậy sẽ buộc các lĩnh vực khác quay lại sử dụng năng lượng nhiên liệu hóa thạch.
Điều đó có nghĩa là trong bức tranh toàn cảnh, các chính phủ tiếp tục loay hoay trong bài toán chống biến đổi khí hậu toàn cầu.