Có cần nhiều thương hiệu vàng miếng?
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) có kiến nghị ngoài vàng miếng SJC, thị trường cần có thêm vài thương hiệu vàng miếng khác.
Vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước quản lý từ 10 năm trở lại đây. ẢNH: NGỌC THẮNG
|
Không khả thi
VGTA đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cấp phép thêm vài thương hiệu vàng miếng có uy tín khác đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường để tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của vàng miếng. Đây cũng là giải pháp để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân mua vàng. Thế nhưng ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho rằng: “Đề xuất này không cần thiết và khó khả thi. Trước năm 2011, thị trường vàng miếng khá phong phú với nhiều chủng loại như AAA, SBJ, PNJ... nhưng lượng vàng tiêu thụ trên thị trường chiếm hơn 90% vẫn thuộc về vàng miếng SJC”.
Ông Trần Thanh Hải phân tích, thị trường vàng 10 năm qua được quản lý bằng Nghị định 24/2012, các giao dịch bất động sản chủ yếu được thực hiện bằng tiền đồng, không còn việc thanh toán bằng vàng như trước đó. Đây là thành công của việc chống vàng hóa của nền kinh tế Việt Nam. Do vậy không có lý do gì cho việc mở, có thêm các thương hiệu vàng miếng khác. Thực tế hiện nay, dân kinh doanh vàng mua bán vàng miếng với nhau để đánh theo “sóng”, còn người dân thì chuyển qua vàng nữ trang, nhẫn.
Cùng quan điểm không nên cho thêm các thương hiệu vàng miếng khác xuất hiện sẽ gây lãng phí xã hội, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (Đại học Quốc gia TP.HCM) phân tích: hiện tại chỉ có Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan là có nhu cầu sử dụng vàng miếng với đơn vị đo lường riêng của mình, ví dụ như Việt Nam là lượng. Còn lại các nước trên thế giới đều sử dụng vàng theo tiêu chuẩn chung của quốc tế như vàng thỏi, vàng khối theo đơn vị tính là gram hay ounce. Trong khi đó, để sản xuất ra vàng miếng theo đơn vị tính là lượng thì Việt Nam phải nhập vàng thỏi theo ký, sau đó SJC sẽ ép sang miếng tính theo lượng để bán ra thị trường nội địa. Vì vậy ở chiều ngược lại nếu Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu vàng thì sẽ phải nung chảy lại để chuyển sang dạng thỏi nên sẽ tốn nhiều chi phí hơn. Đó là chưa kể việc sản xuất của SJC lại chưa được cấp giấy chứng nhận quốc tế nên vàng của Việt Nam chỉ được bán thấp hơn giá thế giới. Đó là thiệt hại chung cho nền kinh tế.
Sản xuất vàng thỏi theo chuẩn quốc tế?
Đặt vấn đề có phải do thị trường hiện nay chỉ có 1 loại vàng miếng SJC nên dẫn đến tình trạng chênh lệch giá cao hơn thế giới 5 - 7 triệu đồng/lượng, có thời điểm lên 8 triệu đồng/lượng. Nếu có thêm một số loại vàng miếng khác, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước có thể được kéo gần lại, ông Trần Thanh Hải khẳng định “rất khó” mà ngược lại, thị trường có thể sẽ “loạn”.
Lý do, giá vàng trong nước đang cao hơn quốc tế, trong khi chưa cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu chính thức thì nguồn nguyên liệu đâu các đơn vị dùng để sản xuất. Nên khả năng dẫn đến việc dùng nguyên liệu không chính thức để cán dập thành vàng miếng vì bán ra đã có lời ngay. Để nhập vàng không chính thức, các đơn vị phải thu gom ngoại tệ, tác động tiêu cực đến diễn biến tỷ giá và sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Khi Nghị định 24 ban hành đã chấm dứt tình trạng vàng hóa, thị trường vàng quản lý tốt hơn và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng lên chính sách tỷ giá. Vì thế, nếu thêm các loại vàng miếng, lịch sử này có thể lặp lại.
Theo ông Trần Thanh Hải, về cơ bản, kênh vàng hiện nay không còn hấp dẫn người có tiền khi chứng khoán, bất động sản đều tăng nhanh, thu hút nhiều vốn. Việc cho sản xuất và lưu thông thêm các loại vàng miếng khác SJC chỉ làm cho tài sản của xã hội “chôn” vào vàng.
|
Đại diện của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng phân tích rằng Việt Nam cần phải hướng đến mô hình sàn giao dịch vàng như sở giao dịch chứng khoán, trong đó chỉ cho phép giao dịch vàng thỏi, vàng khối theo tiêu chuẩn quốc tế (có thể cho phép giao dịch theo kiểu vàng vật chất có giao nhận và giao dịch tài khoản).
Sau đó sẽ tiến đến mục tiêu liên thông với các sàn vàng nước ngoài vì sản phẩm này có cùng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vẫn song song lưu hành và giao dịch vàng miếng bên ngoài sàn giao dịch như truyền thống vì thói quen lâu đời của người dân sẽ khó thay đổi. Vì vậy không nên duy trì mô hình sản xuất vàng miếng mà chỉ một mình một chợ là do SJC thực hiện như hiện nay. Nhưng cũng không cần thiết phải cấp phép cho nhiều đơn vị sản xuất vàng miếng nữa.
Chính phủ cần xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó theo hướng sẽ cho các đơn vị tham gia nhập khẩu, sản xuất vàng thỏi, vàng khối theo tiêu chuẩn quốc tế. Những doanh nghiệp đó phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện quy định, kèm theo giấy chứng nhận quốc tế của một đơn vị thứ ba độc lập về quy trình sản xuất sản phẩm này.
Từ đó dần dần cũng sẽ hình thành nên thị trường vàng giao dịch theo quy chuẩn quốc tế là vàng thỏi, vàng khối và giảm chi phí về xuất nhập khẩu cho cả nền kinh tế. Chẳng hạn, với những người muốn sở hữu nhiều thì sẽ mua luôn 1 thỏi vàng trọng lượng 1 kg, tương đương khoảng 26,6 lượng vàng. Điều đó cũng giúp rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới, giúp thị trường ít biến động và cũng không gây tác động lên tỷ giá ngoại tệ.
Mai Phương
Thanh niên
|