Đô la Mỹ tăng giá khá mạnh trong tháng 3 vừa qua, trên cả thị trường chính thức lẫn thị trường tự do. Đâu là động lực dẫn dắt xu hướng này và liệu đà tăng mạnh có thể tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới?
Đô la lại nổi sóng
Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đầu tuần này (ngày 29-3) lại bật tăng 50 đồng ở giá mua vào và 30 đồng ở giá bán ra so với thời điểm cuối tuần trước, lên mức 23.950-24.000. Như vậy, sau khi chạm mức cao nhất từ trước đến nay ở vùng 23.970-24.020 vào ngày 24 và 25-3, sau đó giảm nhẹ vào cuối tuần thì ngay đầu tuần này giá đô la Mỹ trên thị trường tự do lại cho tín hiệu nổi sóng trở lại.
So với đầu năm nay, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do hiện đã tăng 630 đồng, tương ứng 2,7%, đánh dấu mức tăng của quí 1 mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Diễn biến này là đáng chú ý, đặc biệt trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn không có dấu hiệu căng thẳng. Hệ quả là chênh lệch giữa giá mua vào của thị trường tự do và các ngân hàng đã nới rộng lên mức rất cao là 970 đồng.
Việc giá vàng trong nước giữ chênh lệch quá lớn so với giá vàng quốc tế quy đổi suốt những tháng qua, từ 8-9 triệu đồng/ lượng, góp phần làm tăng cầu đô la Mỹ trên thị trường tự do để phục vụ cho mục đích nhập lậu vàng. Đến lượt mình, giá đô la trên thị trường tự do duy trì ở mức cao cũng tác động ngược lại giữ giá vàng neo cao.
|
Xu hướng tăng mạnh trở lại trong tháng 3 cũng là diễn biến xảy ra ở tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Cụ thể sau khi giảm 29 đồng trong tháng 1 và tháng 2, tháng 3 này (tính đến ngày 29-3) tỷ giá trung tâm bật tăng mạnh 101 đồng, nâng mức tăng so với đầu năm lên 100 đồng. Đây cũng là mức tăng lớn nhất của tỷ giá niêm yết chính thức này trong ba tháng đầu năm kể từ khi được đưa vào vận hành.
Xu hướng đi lên của đô la Mỹ ở thị trường trong nước khá tương đồng với diễn biến giá của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Tính từ đầu tháng 3 đến thời điểm viết bài này, chỉ số USD Index đã tăng từ mốc 90,8 điểm lên 92,8 điểm, tương ứng tăng 2,2% và đang hướng đến tháng thứ ba đi lên liên tiếp.
Bất chấp các gói kích thích kinh tế khổng lồ mà Chính phủ Mỹ tiếp tục bơm ra và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cam kết giữ lãi suất thấp kỷ lục cho đến tận năm 2023, bất chấp trái phiếu Mỹ bị bán tháo và đẩy lợi suất tăng, đô la vẫn đang giữ vững đà tăng từ cuối tháng 2 đến nay.
Có lẽ giới đầu tư đang kỳ vọng vào kết quả tăng trưởng GDP quí 1 của Mỹ khi nhiều dự báo được đưa ra gần đây cho thấy sẽ ở mức rất cao, cũng như các dữ liệu vĩ mô khác cho thấy kinh tế nước này đang trên đà phục hồi mạnh mẽ trở lại. Ngoài ra, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu nước Mỹ sẽ tiêm 200 triệu liều vaccin cho người dân trong 100 ngày đầu tại nhiệm cũng được cho sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm hoạt động bình thường trở lại.
Những yếu tố tác động trái chiều
Ngoài động lực từ giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, có nhiều yếu tố thúc đẩy giá đô la Mỹ trong nước tăng mạnh. Đầu tiên là việc giá vàng trong nước giữ chênh lệch quá lớn so với giá vàng quốc tế quy đổi suốt những tháng qua, từ 8-9 triệu đồng/lượng, góp phần làm tăng cầu đô la Mỹ trên thị trường tự do để phục vụ cho mục đích nhập lậu vàng. Đến lượt mình, giá đô la trên thị trường tự do duy trì ở mức cao cũng tác động ngược lại giữ giá vàng neo cao, do giá thế giới khi quy đổi thường tính theo giá đô la tự do.
Thứ hai là dù dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ba tháng đầu năm nay vẫn giữ được đà tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó riêng vốn FDI đã giải ngân trong quí 1-2021 ước tính đạt 4,1 tỉ đô la, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng dòng vốn đầu tư gián tiếp lại diễn biến khá tiêu cực khi tổng giá trị góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 805,3 triệu đô la, giảm đến 58,8%.
Trên thị trường cổ phiếu, nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục bán ròng càng tạo ra áp lực lên thị trường ngoại hối. Tính từ đầu năm đến phiên ngày 29-3, khối ngoại đã bán ròng hơn 14.100 tỉ đồng trên toàn thị trường. Còn nếu tính luôn cả năm 2020, loại trừ các giao dịch mua thỏa thuận ở VIC và VHM, nhóm này đã bán ròng hơn 49.500 tỉ đồng.
Thứ ba, giá mua vào đô la Mỹ kỳ hạn sáu tháng tại Sở Giao dịch NHNN vẫn duy trì ở mốc 23.125 đồng suốt từ đầu năm đến nay, cao hơn đến 670-700 đồng so với giá mua vào tại các ngân hàng thương mại. Do đó, các ngân hàng có thể tiếp tục nâng giá mua vào đô la Mỹ trong thời điểm hiện nay và bán lại kỳ hạn sáu tháng cho NHNN mà vẫn đảm bảo có lợi nhuận tốt.
Đặc biệt với những ngân hàng đã có các hợp đồng bán kỳ hạn sáu tháng cho NHNN trong những tháng đầu năm nay, thì từ đầu quí 3 trở đi những ngân hàng này nếu chưa đảm bảo nguồn đô la đã ký kết bán, buộc phải tăng giá mua để gom đô la nhằm đảm bảo đủ số lượng thực hiện hợp đồng.
Ngược lại, cũng có những yếu tố có thể kìm đà tăng của giá đô la Mỹ trong thời gian tới. Thứ nhất là đà tăng của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế vẫn có thể chịu áp lực điều chỉnh trở lại, khi đô la Mỹ vẫn đang nằm trong xu hướng giảm dài hạn. Cần nhớ lại hồi cuối năm 2020, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm giảm giá mạnh của đô la Mỹ.
Ngoài ra, cán cân thương mại hàng hóa trong quí 1 năm nay vẫn ghi nhận thặng dư hơn 2 tỉ đô la Mỹ, cùng với dòng vốn FDI đổ vào ồ ạt trong những năm qua, dự báo năm 2021 Việt Nam tiếp tục xuất siêu, góp phần hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại hối.
Cuối cùng, dự kiến, Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” vào ngày 10-4 tới. Trong báo cáo lần trước công bố vào giữa tháng 12-2020, Việt Nam đã bị xếp vào danh sách các nước thao túng tiền tệ cùng với Thụy Sỹ.
Trong thời gian qua, Chính phủ và NHNN Việt Nam đã nỗ lực trao đổi và thực thi các giải pháp để sớm được gỡ mác thao túng tiền tệ, mà việc thay đổi niêm yết tỷ giá mua đô la Mỹ giao ngay sang giá mua kỳ hạn sáu tháng là một trong những chính sách như thế.
Để phía Mỹ không có cớ tiếp tục đánh giá Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ trong báo cáo lần này, ngoài việc ngừng can thiệp vào thị trường ngoại hối qua con đường mua ngoại tệ, có lẽ nhà điều hành cũng sẽ không để tỷ giá trong nước biến động một chiều theo hướng đô la Mỹ lên giá quá mạnh so với tiền đồng.