4 tháng đầu năm 2021 vốn đăng ký dự án FDI tăng 24.7% so với cùng kỳ năm trước
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12.25 tỷ USD, giảm 0.7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 451 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8.46 tỷ USD, giảm 54.2% về số dự án và tăng 24.7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
FDI vào Việt Nam 4 tháng đầu năm tuy giảm về số dự án nhưng lại tăng về số vốn đăng ký
|
Theo Tổng cục Thống kê thì có 263 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.75 tỷ USD, giảm 10.6%; có 1,151 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1.05 tỷ USD, giảm 57.8%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 290 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 423.6 triệu USD và 861 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 623.5 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 5.5 tỷ USD, tăng 6.8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,970 triệu USD, chiếm 72.2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 775.6 triệu USD, chiếm 14.1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 376.3 triệu USD, chiếm 6.8%.
Trong 4 tháng đầu năm, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 59% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.41 tỷ USD, chiếm 28.5%, các ngành còn lại đạt 1.06 tỷ USD, chiếm 12.5%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt gần 5 tỷ USD (không có vốn đăng ký bổ sung), chiếm 44.5% tổng số vốn; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.77 tỷ USD, chiếm 42.6%; các ngành còn lại đạt 1.44 tỷ USD chiếm 12,9%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 417.2 triệu USD, chiếm 39.8% tổng vốn; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và kinh doanh bất động sản lần lượt đạt 140.1 triệu USD và 139.9 triệu USD, cùng chiếm 13.4%; các ngành còn lại đạt 350 triệu USD, chiếm 33.4%.
Một số dự án lớn trong 4 tháng đầu năm như: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Xin-ga-po) với tổng vốn đăng ký trên 3.1 tỷ USD; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1.31 tỷ USD; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Công) với tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD.
Trong số 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4,413.8 triệu USD, chiếm 52.2% tổng vốn đăng ký cấp mới; Nhật Bản 1,796.3 triệu USD, chiếm 21.2%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 774.9 triệu USD, chiếm 9.2%; Trung Quốc 576.2 triệu USD, chiếm 6.8%; Hàn Quốc 248.7 triệu USD, chiếm 2.9%; Mỹ 148.8 triệu USD, chiếm 1.8%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm có 18 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 142.8 triệu USD, gấp 2.7 lần so với cùng kỳ; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 403.2 triệu USD, gấp 25.5 lần so với cùng kỳ.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 4 tháng đạt 545.9 triệu USD, gấp 7.9 lần so với cùng kỳ, trong đó hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 270.8 triệu USD, chiếm 49.6%; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 147.8 triệu USD, chiếm 27.1% tổng vốn đầu tư; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 76.9 triệu USD, chiếm 14.1%. Trong 4 tháng đầu năm có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Mỹ là nước dẫn đầu với 302.3 triệu USD, chiếm 55.4%; đứng thứ hai là Cam-pu-chia 89.1 triệu USD, chiếm 16.3%; tiếp theo lần lượt là Pháp, Ca-na-da, Đức, Hà Lan cùng đạt 32 triệu, cùng chiếm 5.9%.
Nhật Quang
FILI
|