Thứ Năm, 04/03/2021 11:20

Xây sân bay mới: Cần thận trọng, tránh theo phong trào

Các địa phương đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay đều khẳng định tính hiệu quả của sân bay với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như cả nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương phải cân nhắc, thận trọng, tránh theo phong trào khi đề xuất xây sân bay, và cơ quan lập quy hoạch là Bộ GTVT cần xem xét, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả kinh tế.

* Chuyên gia đề nghị làm rõ số vốn hơn 15 tỷ USD đầu tư sân bay

* Đại đa số sân bay đang lỗ, vì sao hàng loạt tỉnh muốn xây thêm?

Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: VGP

Tại dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 CHK, bao gồm 14 CHK quốc tế và 12 CHK nội địa. Định hướng đến năm 2050, số lượng CHK cả nước dừng ở con số 30 CHK, gồm 15 CHK quốc tế, 15 CHK nội địa. Trong đó, CHK thứ 2 cho vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến sau năm 2030.

Như vậy, so với hệ thống 22 CHK hiện nay, tới năm 2050, hệ thống CHK toàn quốc sẽ được bổ sung 8 CHK gồm: CHK quốc tế Long Thành, CHK quốc tế thứ 2 vùng thủ đô, các CHK Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai), Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Trị.

Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ GTVT lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương về dự thảo Quy hoạch nêu trên, Bộ GTVT đã nhận được 8 đề xuất xây dựng sân bay không nằm trong quy hoạch mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra, gồm Ninh Bình, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu và mới đây là Bình Phước, Bắc Giang, Hà Giang.

“Quy hoạch sai sẽ lãng phí vô cùng”

Tại hội thảo “Góp ý quy hoạch tổng thể CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào sáng 3/3, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì số sân bay dân dụng của Việt Nam chưa nhiều. Việc các tỉnh mong muốn có sân bay để phát triển kinh tế, xã hội, du lịch địa phương là chính đáng.

Ông Trần Quang Châu cho biết, Đề án Quy hoạch sân bay đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt từ năm 1997, thực hiện trong 5 năm, có sự tham gia của 67 nhà khoa học trong nước và 37 cơ quan nghiên cứu liên quan đến CHK, sân bay. Khi đó, quy hoạch này được tính toán trên căn cứ GDP của cả nước và từng địa phương, nhu cầu đi lại, du lịch, xuất nhập khẩu, tăng trưởng của sản xuất với 27 tiêu chí. Đơn vị nghiên cứu cho điểm từng sân bay, rồi mới quyết định tỉnh, thành phố nào cần lập quy hoạch.

“Việc xây mới cần tính toán dựa trên nhiều tiêu chí và phù hợp với tổng thể mạng lưới CHK toàn quốc chứ không chỉ dựa trên ý kiến các địa phương... Do đó, đề nghị phải xem xét các yếu tố tương tự khi lập quy hoạch sân bay hiện nay bởi nếu làm quy hoạch sai thì gây lãng phí vô cùng ", ông Trần Quang Châu nói.

TS. Nguyễn Bách Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) đưa ra nhận định: Phần lớn sân bay nội địa hiện nay chưa đạt công suất thiết kế, một số sân bay thường vắng khách trong giai đoạn đầu như Vân Đồn, Cần Thơ... Do đó, hiệu quả đầu tư sân bay cần tính toán kỹ, như người dân Hà Tĩnh đến sân bay Vinh, Đồng Hới không quá xa, hay người dân ở Ninh Bình có thể đi các sân bay khác như Cát Bi (Hải Phòng) và Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong khoảng cách gần 100 km.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TPHCM, thẳng thắn nhận định, các hãng hàng không, nhất là hãng tư nhân, “không dại” gì mở đường bay tới các sân bay ít khách.

“Nếu mỗi sân bay chỉ phục vụ 2-3 chuyến bay mỗi ngày thì không đủ chi phí để duy trì cơ sở hạ tầng, chưa nói đến có hiệu quả tài chính. Đây là lý do các địa phương phải cân nhắc khi mong muốn xây sân bay, và cơ quan lập quy hoạch là Bộ GTVT cần thận trọng trong xem xét bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch, tránh tình trạng chịu “sức ép” hay nể nang mà bổ sung quy hoạch. Nhất là trong bối cảnh rất nhiều sân bay nhỏ đang trong tình trạng thua lỗ nhiều năm nay”, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Sân bay quốc tế Long Thành vừa được khởi công đầu năm 2021 được kỳ vọng sẽ trở thành sân bay trung chuyển lớn của khu vực. Ảnh: ACV

Tiêu chí cần và đủ

Nói về tiêu chí lựa chọn bổ sung thêm sân bay vào quy hoạch, đại diện Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - đơn vị thực hiện quy hoạch - cho rằng, đối với các CHK mới, cần có căn cứ tính toán hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm quốc tế.

Trong đó, 6 tiêu chí chính về sự cần thiết và mức độ khả thi làm sân bay mới bao gồm: Nhu cầu sản lượng; kinh tế xã hội (tăng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược); khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai) và cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tới sân bay lân cận).

“Qua nghiên cứu trên thế giới cho thấy 75% người dân có thể tiếp cận với CHK trong bán kính 100 km, chiểu theo tiêu chí này, Việt Nam có thể đáp ứng 98% vào năm 2030. Hệ thống CHK nước ta phân bố hài hòa trên toàn lãnh thổ. Nhưng ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, người dân chưa tiếp cận được CHK trong bán kính 100 km, còn một số CHK chưa đạt công suất trong khí các CHK tại các thành phố lớn lại đang trong tình trạng vượt quá công suất thiết kế”, đại diện Tư vấn TEDI nhìn nhận.

PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, quy hoạch CHK, sân bay phải được coi là đầu vào của các quy hoạch khác và ngược lại. Vì thế, việc kết nối hạ tầng các loại hình giao thông cũng là vấn đề cần xem xét trong tổng thể để đưa ra quy hoạch và đầu tư sân bay. Bởi theo ông Chung, quy hoạch cần có tính khả thi cao mà một trong những điều kiện then chốt là vốn, đất đai và hiệu quả kinh tế.

Ông Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và Tư vấn về phát triển, cho rằng, sẽ tốt hơn nếu trong 10 năm tới chỉ tập trung xây dựng một số sân bay trọng điểm để có thể cân đối thu-chi, đồng thời nâng cao khả năng vận tải của hệ thống giao thông kết nối giữa các CHK, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, qua kết quả nghiên cứu của Tư vấn lập quy hoạch, Việt Nam có 22 CHK nhưng chưa có CHK đầu mối lớn, đảm nhận trung chuyển mang tầm khu vực và thế giới. Trong khi đó, một số CHK đang “quá tải” khai thác vượt công suất thiết kế, nhiều hạng mục chưa được đầu tư nâng cấp. Do đó, việc lập Quy hoạch các CHK, sân bay rất cần thiết để cân đối mà vẫn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Tiếp thu những ý kiến phản biện vào dự thảo báo cáo quy hoạch, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tư vấn tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, nghiên cứu, rà soát để báo cáo Bộ xem xét, trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch quyết định.

Báo Chính phủ

Các tin tức khác

>   Hơn 500 tỉ đồng cải tạo kênh Hy Vọng sau 1 thập kỷ ngập rác (04/03/2021)

>   Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bổ sung hạ tầng các khu công nghiệp (04/03/2021)

>   Đầu tư đường sắt đô thị đắt hay rẻ? (03/03/2021)

>   TP.HCM “chuyển hướng” làm metro (03/03/2021)

>   Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sai phạm hơn 811 tỉ đồng (02/03/2021)

>   Ở nước giàu, người dân đi lại bằng gì? (02/03/2021)

>   'Loạn' đề xuất sân bay (01/03/2021)

>   Bao giờ mới thôi “sắp xếp lại giang sơn”! (27/02/2021)

>   Điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Tân Sơn Nhất (23/02/2021)

>   Quy hoạch sân bay Hà Giang, Ninh Bình khó khả thi (23/02/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật