WSJ: Vì sao Trung Quốc lại để Nhân dân tệ tăng giá?
Đồng Nhân dân tệ tiếp tục tăng giá so với USD nhờ đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như không quá gấp rút kìm hãm đà tăng này bất chấp áp lực mà đồng Nhân dân tệ đặt lên vai của các nhà xuất khẩu.
Đồng Nhân dân tệ đã tăng hơn 9% so với USD kể từ tháng 6/2020 nhờ sự bùng nổ của hoạt động xuất khẩu và dòng vốn đầu tư khổng lồ. Đồng bạc xanh suy yếu trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ chật vật giữa đại dịch và lãi suất bị kéo giảm xuống mức thấp. Ngoài ra, nhà đầu tư Mỹ còn đổ vốn vào các tài sản rủi ro cao trên khắp thế giới.
Mặc dù đồng Nhân dân tệ tăng lên 6.46 đổi 1 USD, mức mạnh nhất kể từ giữa năm 2018, nhưng phản ứng chính thức của Bắc Kinh vẫn tương đối nhẹ nhàng. Kể từ mùa thu năm 2020, họ đã tạo điều kiện để các trader đặt cược vào đà giảm của đồng Nhân dân tệ và cho phép các dịnh chế tài chính rút tiền khỏi Trung Quốc để đầu tư vào chứng khoán nước ngoài.
Nguồn: WSJ
|
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc dường như muốn duy trì đà tăng của Nhân dân tệ vì điều này có thể giúp tái cân bằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và hướng đến tiêu dùng, đồng thời giúp giảm chi phí nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu và chip.
“Trung Quốc sẽ phát triển trở thành một nền kinh tế được dẫn đắt bởi tiêu dùng nội địa và điều này có nghĩa là nước này không cần phải tìm cách neo giá đồng nội tệ ở mức thấp giống như thường thấy ở một nền kinh tế mới nổi hướng đến xuất khẩu”, Ju Wang, nhà chiến lược ngoại hối cấp cao ở Ngân hàng HSBC, nói.
“Bắc Kinh đã chuyển dịch hướng đến mô hình tăng trưởng mới này, vậy nên, các nhà hoạch định chính sách thấy rằng Nhân dân tệ mạnh lên sẽ có lợi nhiều hơn là có hại đối với nền kinh tế”.
Đồng Nhân dân tệ mạnh hơn cũng có thể nâng vị thế toàn cầu của đồng tiền này và giúp xoa dịu cuộc tranh cãi trong thời gian dài với Mỹ. Từ lâu, Mỹ đã chỉ trích Trung Quôc cố tình ghìm giá Nhân dân tệ để thúc đẩy việc bán hàng hóa của Trung Quốc trên toàn cầu.
Nhân dân tệ tăng 8.2% so với USD trong nửa cuối năm 2020 nhưng không làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc từ thiết bị y tế cho đến đồ gia dụng. Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 535 tỷ USD trong năm 2020, mức cao nhất kể từ năm 2015.
Tuy nhiên, đà tăng của Nhân dân tệ đang tạo gánh nặng cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, vốn đang đau đầu tìm cách đối phó với chi phí bất ngờ tăng vọt từ nguyên liệu thô cho đến cước vận tải biển do tác động của đại dịch Covid-19. Một số công ty xuất khẩu Trung Quốc nói rằng họ sẽ chuyển một số chi phí tăng thêm này cho khách hàng.
Xue Dong, Tổng Giám đốc tại Anji Wanbao Smart Home Technology - chuyên bán ghế văn phòng cho các khách hàng ở Mỹ và các nước châu Âu, cho biết công ty ông sẽ tăng giá 5% ở khắp các sản phẩm trong tháng này.
“Chúng tôi đang phải gánh chịu tổn thất và gần như không có đồng lãi nào trong năm ngoái”, ông nói.
Bao Jimi, Chuyên viên kinh doanh của một công ty xuất khẩu sợi không dệt ở Thượng Hải, cho biết công ty của cô bất ngờ trước đà tăng giá của Nhân dân tệ trong năm 2020. Hồi tháng 1/2021, Công ty của bà phải tăng giá một số sản phẩm để bù đắp những mất mát từ đà tăng của Nhân dân tệ và duy trì mức biên lợi nhuận 10%.
“Hầu hết khách hàng mới của chúng tôi chấp nhận giá mới nhưng chúng tôi cần thêm thời gian để thương lượng với khách hàng cũ”, bà nói.
Các nhà kinh tế nhận định một lý do khiến Bắc Kinh né xa việc triển khai các biện pháp quyết liệt hơn trên thị trường tiền tệ: Họ nhận thấy rằng các động lực thúc đẩy Nhân dân tệ tăng giá hồi năm ngoái có thể đã biến mất dần dần. Đà tăng trưởng xuất khẩu tại Trung Quốc trong năm 2020 có thể chỉ là tạm thời, nhất là nếu lĩnh vực sản xuất cải thiện ở nhiều quốc gia giữa lúc quá trình tiêm chủng được đẩy mạnh.
Hồi tháng 1/2021, Goldman Sachs nâng dự báo tăng trưởng GDP Mỹ lên 6.8% trong năm 2021 vì gói kích thích quy mô lớn. Trong khi đó, GDP Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 8% trong năm nay.
Các nhà quyết sách tại Bắc Kinh cho rằng lĩnh vực xuất khẩu chỉ có thể duy trì đà tăng của Nhân dân tệ ở một mức nào đó. Hồi tháng 1, Ma Jun, thành viên của ủy ban chính sách tiền tệ ở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), cảnh báo việc Nhân dân tệ tăng thêm 5% hoặc hơn sẽ gây áp lực cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
Ông Ma nói rằng Chính phủ Trung Quốc nên giảm áp lực tăng giá của Nhân dân tệ bằng cách nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn, cho phép dòng vốn chảy ra nước ngoài nhiều hơn.
“Đối với Bắc Kinh, dòng vốn chảy ra nước ngoài là viễn cảnh đáng ngại hơn nhiều so với dòng vốn chảy vào nước này. Nhưng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang lo lắng về điều này”, Fraser Howie, chuyên gia kinh tế và là đồng tác giả của cuốn sách “Red Capitalism”, nói.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Nguồn: WSJ
|
Các cơ quan chức trách Trung Quốc đã tiến hành một vài biện pháp để kìm hãm cơn tăng giá của Nhân dân tệ nhưng chưa đủ mạnh. Hồi tháng 9/2020, sau 17 tháng tạm dừng, Trung Quốc bắt đầu cấp hạn ngạch mới cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cho phép các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác chuyển Nhân dân tệ sang các ngoại tệ nhiều hơn để mua chứng khoán nước ngoài.
Hồi tháng 10/2020, PBoC đã bỏ một quy định yêu cầu về dự trữ và động thái này được cho là khiến việc đặt cược đi ngược với đà tăng của Nhân dân tệ trở nên tốn kém hơn.
Giới chức trách Trung Quốc cũng đang xem xét cho phép các nhà đầu tư cá nhân trong nước sử dụng tối đa 50,000 USD/năm để mua chứng khoán và các sản phẩm bảo hiểm nước ngoài, một quan chức tại Cục Giao dịch Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc cho biết trong tuần trước.
Không giống như các nước khác cho phép tiền tệ được giao dịch tự do, Bắc Kinh từ lâu đã ra tay kiểm soát chặt chẽ Nhân dân tệ thông qua các biện pháp kiểm soát dòng vốn và bằng cách đặt mức tỷ giá tham chiếu mỗi ngày để dẫn dắt giao dịch.
Năm 2020, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng thêm 108 tỷ USD lên 3.2 ngàn tỷ USD – một dấu hiệu mà các chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc không còn can thiệp vào thị trường tiền tệ nhiều như trước. Trong giai đoạn 2014-2017, PBoC sử dụng 1,000 tỷ USD dự trữ ngoại hối để kiểm soát tỷ giá, bán ngoại tệ để vực dậy giá đồng Nhân dân tệ.
Nhà đầu tư nước ngoài giữ bao nhiêu tài sản của Trung Quốc. Nguồn: WSJ
|
Nhiều nhà kinh tế dự báo Nhân dân tệ sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm nay. Thị trường trái phiếu và cổ phần Trung Quốc đã thu hút hơn 2,300 tỷ Nhân dân tệ (367 tỷ USD) từ các nhà đầu tư nước ngoài trong năm ngoái, theo Công ty dữ liệu tài chính Wind.
“Nhu cầu toàn cầu đối với các tài sản Trung Quốc vẫn khá mạnh mẽ. Chúng tôi đang nhận được nhiều yêu cầu tư vấn từ khắp nơi về loại tài sản nên đầu tư ở Trung Quốc”, Freddy Wong, Giám đốc phụ trách khu vực Thái Bình Dương của Invesco Fixed Income, chia sẻ.
Michael Pettis, giáo sư tài chính ở Đại học Bắc Kinh, nhận định đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc có thể tăng mạnh trong năm nay khi Bắc Kinh khuyến khích dòng vốn chảy ra bên ngoài nhiều hơn.
“Tôi nghĩ Trung Quốc muốn nhìn thấy Nhân dân tệ mạnh hơn nhưng phải ổn định", ông Pettis nhận xét. "Tôi nghĩ khó có khả năng Nhân dân tệ giảm giá trong năm nay”.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|