Thứ Tư, 10/03/2021 15:17

VAFI đề xuất thuê nhân sự ngoại quản lý sở giao dịch chứng khoán

Ngày 10-3, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) có công văn đến Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đề xuất một số giải pháp để "Trái tim thị trường chứng khoán Việt Nam" không còn tổn thương. 

Theo nhận định của VAFI, "Trái tim thị trường chứng khoán Việt Nam" (HOSE) đang thương tổn trong 3 tháng qua, hệ thống giao dịch HOSE thường xuyên diễn ra hàng ngày tình trạng đơ, nghẽn lệnh chứng khoán, có thời điểm nhà đầu tư không thể biết quan hệ cung cầu trong giao dịch chứng khoán hoặc không thể mua, bán chứng khoán… đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.

VAFI đánh giá điều này thể hiện năng lực quản trị điều hành HOSE yếu kém.

"Sự yếu kém này không phải bây giờ mới lộ rõ mà trong mấy năm qua đã có vài trường hợp nghiêm trọng bị sập sàn chứng khoán, nhưng sau đó không có các giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Sự yếu kém năng lực quản trị HOSE còn thể hiện khi Dự án làm hệ thống giao dịch mới triển khai từ 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong và không biết chắc chắn rằng bao giờ mới hoàn thành. Gần 10 năm trời mà không hoàn thành 1 dự án phần mềm không có gì là phức tạp lắm trong khi thông thường chỉ mất vài năm", văn bản của VAFI nhấn mạnh.

Trong cùng văn bản, VAFI đề xuất các giải pháp sau để "Trái tim thị trường chứng khoán Việt Nam" không còn thương tổn, để HOSE và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam thật sự đổi mới và nâng cấp ngang bằng với các thị trường chứng khoán hiện đại minh bạch hiệu quả.

Thuê nhân sự giỏi nước ngoài quản lý

Thuê nhân sự giỏi nước ngoài, những người đã có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong quản lý vận hành các Sở giao dịch nổi tiếng trên thế giới làm Tổng Giám đốc (TGĐ), Phó TGĐ phụ trách IT, giám sát thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Những người này cũng phải có khả năng kiêm nhiệm các chức danh quản lý chủ chốt tại HOSE.

Việc tuyển chọn người giỏi và người nước ngoài vào các chức danh trên là thông lệ phổ biến trên thế giới. Sở Giao dịch Chứng khoán Hongkong, Singapore… có nhiều giai đoạn lịch sử đều thuê người nước ngoài quản lý.

Thuê người nước ngoài giỏi quản lý Sở giao dịch với chi phí không nhiều so với doanh thu hoạt động của HOSE và đem lại lợi ích rất lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo VAFI, các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng giúp Bộ Tài chính tìm kiếm và lựa chọn nhân sự nếu Bộ Tài chính yêu cầu.

Thay đổi cách bổ nhiệm lãnh đạo Sở giao dịch

Không bổ nhiệm lãnh đạo UBCKNN hay các cơ quan trong Bộ Tài chính vào các chức danh chủ chốt trong HĐQT, Ban điều hành của các Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký chứng khoán như trước kia và hiện nay.

Văn bản của VAFI nhấn mạnh, cần phân biệt rằng quản lý hành chính nhà nước hoàn toàn khác xa với quản trị doanh nghiệp. Nhìn vào lịch sử phát triển của các doanh nghiệp mạnh không độc quyền thì các vị trí như chủ tịch HĐQT, TGĐ đều đi lên từ các nhân viên giỏi, kinh qua các cấp bậc từ thấp đến cao và họ đều giỏi ở tất cả các vị trí. Trong lĩnh vực tư nhân, chủ tịch HĐQT chính là linh hồn của doanh nghiệp, còn với công chức được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch thì không thể là linh hồn của doanh nghiệp .

Bên cạnh đó, lựa chọn người vào vị trí quan trọng trong HĐQT, Ban điều hành DNNN phải là những người giỏi nhất trong doanh nghiệp nhưng cũng phải hoàn thành tốt công việc được giao, còn nếu chưa đủ tầm thì phải đi thuê ngoài.

Cổ phần hóa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký Chứng khoán

Với giải pháp thứ 3, VAFI đề xuất nhanh chóng cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký Chứng khoán để cho các đơn vị này có năng lực quản trị ngang tầm các nước trong khu vực theo hướng lựa chọn 1 Sở giao dịch chứng khoán nước ngoài có danh tiếng đang ở TTCK phát triển nhất làm cổ đông chiến lược. Cổ đông nay sẽ có trách nhiệm chuyển giao công nghệ quản lý, đào tạo nhân sự.

HĐQT phải có đại diện của nhà nước, của đối tác chiến lược và đại diện của giới đầu tư và công ty chứng khoán;

Sở Giao dịch và Trung tâm lưu ký sau cổ phần hóa phải hoạt động công khai minh bạch như công ty niêm yết và phải độc lập, thực sự tách rời Bộ Tài chính và UBCKNN và chịu sự quản lý giám sát đặc biệt từ Bộ Tài chính, UBCKNN.

Theo VAFI, đề xuất này có cơ sở bởi Luật Chứng khoán mới đã cho phép cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán.

Yến Chi

FILI

Các tin tức khác

>   AME: Hủy bỏ văn bản ủy quyền công bố thông tin (10/03/2021)

>   Nhóm Dragon Capital đã bán thỏa thuận hơn 100 triệu cp ACB?  (10/03/2021)

>   TNT: Thông báo giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Vũ Tuấn Hoàng (10/03/2021)

>   FUEMAV30: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 09/03/2021 (10/03/2021)

>   HOSE: Phụ lục VII về tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp năm 2020 (ban hành kèm theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/09/2015 của Chính phủ) (10/03/2021)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 10/03: Xuất hiện lực mua ở vùng giá thấp (10/03/2021)

>   KHP: Giấy phép hoạt động điện lực (10/03/2021)

>   ILB: Thông báo giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Nguyễn Đức Khiêm (10/03/2021)

>   HOSE: Bản báo cáo bộ chỉ số HOSE-Index (ngày cập nhật 26/02/2021) (10/03/2021)

>   HOSE: Danh sách các Công ty Chứng khoán thành viên có Báo cáo TLATTC tại ngày 31/12/2020 đã được công bố trên website của HOSE (tính đến hết ngày 09/03/2021) (10/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật