Thứ Hai, 15/03/2021 13:43

Thị trường cổ phiếu toàn cầu sẽ vẫn leo dốc bất chấp đà tăng của lợi suất trái phiếu?

Đà tăng gần đây của lợi suất trái phiếu đã dẫn tới tình trạng biến động mạnh trên thị trường chứng khoán. Tuy vậy, các chuyên gia chứng khoán kỳ cựu vẫn không cảm thấy bối rối trước tình cảnh này.

Một số nhà quản lý quỹ lớn nhất thế giới cho rằng thị trường cổ phiếu có thể trụ vững và tiếp tục leo dốc mặc cho đà tăng của lợi suất trái phiếu. Thay vào đó, các chuyên gia này tập trung vào triển vọng hồi phục kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp.

Trong một cuộc khảo sát phi chính thức của Bloomberg với hơn 50 chuyên gia quản lý quỹ, hầu hết tổ chức tham gia – bao gồm State Street Global Advisors và JPMorgan Asset Management – cho biết họ đang theo dõi đà tăng của lợi suất trái phiếu và lý do của đợt tăng này. Miễn là các ngân hàng trung ương vẫn ở chế độ nới lỏng tiền tệ, thị trường con bò vẫn có thể tiếp tục, các chuyên gia cho biết.

“Nếu các NHTW chưa thay đổi quan điểm, chúng tôi không cho là lợi suất sẽ tăng tới mức gây tổn thương cho thị trường cổ phiếu”, Hugh Gimber, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, nhận định. “Xét tới việc Fed vẫn giữ nguyên chính sách và cảm thấy thoải mái với việc lạm phát tăng tạm thời, tôi không cho là lợi suất tăng sẽ gây rắc rối cho thị trường cổ phiếu nói chung”.

Đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ trong tháng qua đã châm ngòi cho làn sóng tháo chạy khỏi nhóm cổ phiếu đã tăng giá mạnh, như công nghệ và cổ phiếu phòng thủ. Thế nhưng, việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ở các nền kinh tế lớn và các thương vụ đặt cược vào đà hồi phục kinh tế cũng như chi tiêu tiêu dùng đã khiến các nhà đầu tư tự tin hơn.

Cùng lúc đó, đà tăng của lợi suất trái phiếu và việc thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 70% từ đáy tháng 3/2020 thôi thúc các nhà quản lý quỹ phải chọn lọc cổ phiếu nhiều hơn. Các quỹ Manulife Investment Management và HSBC Asset Management cho biết dù đây không phải là thời điểm để rút khỏi cổ phiếu, nhưng làn sóng bán tháo trái phiếu sẽ đẩy nhanh sự chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu tăng trưởng đắt đỏ sang nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh trước đó và hưởng lợi từ đà hồi phục kinh tế.

Dave King, Chuyên gia quản lý danh mục tại Columbia Threadneedle Investments ở Boston, cho biết: “Khả năng tái mở cửa kinh tế cùng với đà tăng của lợi suất trái phiếu và các yếu tố khác sẽ tác động tích cực tới những cổ phiếu không được ưa chuộng trong năm 2020, có thể là ngân hàng và năng lượng”.

Lĩnh vực năng lượng hiện đang là nhóm có thành quả tốt nhất trong chỉ số MSCI thế giới trong năm nay, tăng khoảng 30%. Trong khi đó, nhóm tài chính tăng mạnh thứ hai với 14%. Các lĩnh vực phòng thủ và nhạy cảm với lãi suất – như hàng tiêu dùng và tiện ích – đều nhuốm sắc đỏ.

Các cổ phiếu “con cưng” của nhà đầu tư trong đại dịch Covid-19 lao dốc mạnh trong thời gian gần đây. Cổ phiếu Tesla có lúc rớt 36% kể từ đỉnh tháng 1/2021, trước khi hồi phục lại trong tuần trước. Thậm chí ông lớn Apple - cổ phiếu lớn nhất tại Mỹ - rớt 19% so với mức kỷ lục.

Môi trường này cũng đánh dấu sự chuyển dịch từ thị trường chứng khoán Mỹ sang các thị trường quốc tế khác, như châu Âu và thị trường mới nổi – vốn có tỷ trọng cổ phiếu giá trị cao. Sau khi đạt thành tích tệ hơn S&P 500 trong năm qau, chỉ số Stoxx Europe 600 hiện có thành tích tốt hơn so vơi S&P 500 trong năm 2021.

“Rủi ro thị trường điều chỉnh vì lợi suất trái phiếu đang cao nhất ở Mỹ”, Joost van Leenders, Chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Kempen Capital Management, chia sẻ. “Nền kinh tế Mỹ đã hồi phục nhanh hơn so với châu Âu và lại vừa có thêm 1 gói cứu trợ được thông qua. Áp lực lạm phát tại châu Âu không mạnh. Từ góc nhìn đầu tư, cổ phiếu tăng trưởng có rủi ro cao hơn so với nhóm giá trị. Điều này có nghĩa thị trường châu Âu có thể có lợi hơn so với Mỹ”.

Những nhà đầu tư đang theo dõi lợi suất trái phiếu chỉ ra rằng việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 2%-3% sẽ gây tổn thương nặng nề tới thị trường cổ phiếu toàn cầu.

“Hãy nhớ rằng, trong quá khứ, đà tăng của lợi suất trái phiếu diễn ra cùng lúc với đà tăng của thị trường, vì cả hai đều được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế và tôi nghĩ điều đó sẽ vẫn đúng cho lần này”, Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, cho hay.

Ông nói thêm “lợi suất trên 2.25-2.5% nếu không đi kèm với sự cải thiện về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận dài hạn có thể tạo ra thách thức với thị trường cổ phiếu”.

“Nếu lợi suất trái phiếu tăng quá nhanh hoặc lên mức quá cao, đó là yếu tố tiêu cực tới định giá cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu lợi suất được kiểm soát và ở mức thấp, thị trường cổ phiếu có thể vẫn đứng vững”, Nathan Thooft, Trưởng bộ phận phân bổ tài sản tại Manulife Investment Management, cho hay. “Nhất là nếu lý do dẫn tới lợi suất cao hơn là tăng trưởng cao hơn chứ không phải lạm phát cao hơn”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Nhà đầu tư kiện Elon Musk vì dòng tweet “giá cổ phiếu Tesla quá cao” (13/03/2021)

>   Tăng 290 điểm, Dow Jones nối dài chuỗi lập kỷ lục (13/03/2021)

>   Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, nhà đầu tư cá nhân hoảng loạn rút vốn (12/03/2021)

>   Dow Jones và S&P 500 lập kỷ lục sau khi Tổng thống Biden ký thông qua gói cứu trợ (12/03/2021)

>   Roblox - Cái tên mới trong hàng ngũ “cổ phiếu meme” Phố Wall (11/03/2021)

>   Warren Buffett gia nhập câu lạc bộ 100 tỷ đô (11/03/2021)

>   Các thị trường chứng khoán thế giới có thể đang tiến gần đến đỉnh (11/03/2021)

>   Dow Jones vọt 460 điểm lên kỷ lục mới khi lợi suất trái phiếu giảm (11/03/2021)

>   Binh đoàn đầu tư F0 đang “lột xác” thị trường chứng khoán ra sao? (10/03/2021)

>   Nasdaq Composite tăng 3.6%, Tesla bứt phá gần 20% (10/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật