Sai phạm hàng tỉ đồng, chỉ xin rút kinh nghiệm
Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều tỉnh dùng tiền chương trình giảm nghèo bền vững có nhiều sai phạm.
Liên quan đến việc một số tỉnh để xảy ra sai phạm trong triển khai chương trình giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH vừa báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, về các biện pháp xử lý số tiền chi sai mục đích.
Các tỉnh triển khai chương trình giảm nghèo khi được kiểm tra đều để xảy ra sai sót. Ảnh: TL
|
Bố trí vốn không đúng đối tượng
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng qua báo cáo từ các tỉnh cho thấy địa phương đã nghiêm túc xin rút kinh nghiệm và có kế hoạch khắc phục các sai phạm xảy ra. Chẳng hạn như chấn chỉnh công tác chỉ đạo điều hành; xử lý tài chính đối với các khoản giảm chi để thu hồi kinh phí thừa nộp trả ngân sách trung ương, kinh phí kết dư tại địa phương và các kiến nghị xử lý khác.
Cụ thể, sai phạm trong việc bố trí vốn cho các công trình, dự án không thuộc đối tượng hỗ trợ, trong đó tỉnh Hà Giang hơn 22,1 tỉ đồng, Sơn La trên 1,7 tỉ đồng, Yên Bái 1,4 tỉ đồng, An Giang 7,8 tỉ đồng, Bộ LĐ-TB&XH cho biết các tỉnh đều nêu nguyên nhân để xảy ra sai phạm này là do áp lực về xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công.
Cạnh đó là việc các tỉnh nhận thấy một số khu vực đặc biệt khó khăn nên đã lồng ghép bố trí một phần kinh phí từ chương trình để đầu tư xây mới và sửa chữa các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.
“Hiện các địa phương cũng đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và xin không xử lý tài chính để hoàn trả ngân sách trung ương các khoản kinh phí này, vì địa phương không còn nguồn kinh phí dự phòng để bố trí hoàn trả ngân sách trung ương…” - Bộ LĐ-TB&XH thông tin.
Riêng tỉnh Sơn La và An Giang đề xuất cho phép các huyện sử dụng nguồn ngân sách huyện để hoàn trả vốn cho chương trình theo đúng thủ tục quy định. Đồng thời, cho phép địa phương được sử dụng khoản kinh phí này để lại cho tỉnh để đầu tư các dự án khác thuộc đối tượng đầu tư và địa bàn đầu tư của chương trình.
Tuy nhiên, sau khi xem xét và xin ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh trên thực hiện nghiêm kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Cụ thể là bổ trí ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách trung ương đối với số vốn đầu tư sai đối tượng theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn trong năm 2021.
Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về hướng xử lý sai phạm. Ảnh: VL
|
Xử lý sai phạm tài chính gần 142 tỉ đồng
Về số kinh phí gần 60 tỉ đồng chuyển nguồn sai quy định, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Gia Lai, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Giang hoàn trả ngân sách trung ương đối với những khoản tiền trên.
Năm 2019, KTNN thực hiện kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tại 46 tỉnh trên cả nước.
Theo đó, đoàn kiểm toán phát hiện nhiều tỉnh dùng tiền của chương trình chi xây dựng không đúng mục đích. Nội dung hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có tỉ lệ giải ngân đạt thấp hơn so với kế hoạch vốn giao hằng năm tại các đơn vị được kiểm toán, dẫn đến phải hủy dự toán.
Đoàn kiểm toán cũng chỉ rõ các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Lào Cai, Cao Bằng, Phú Thọ, Tuyên Quang, Gia Lai… chất lượng công tác khảo sát, thiết kế một số dự án, công trình được kiểm toán còn có hạn chế, chưa đúng thực tế và chưa phù hợp với các tiêu chuẩn thiết kế, chưa tuân thủ đầy đủ quy định về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng…
Bên cạnh đó, công tác nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu còn sai sót ở hầu hết các chủ đầu tư được kiểm toán với khối lượng, đơn giá, định mức tại các dự án, công trình được kiểm toán.
Với những sai phạm trên, chỉ tính riêng tại 14 tỉnh (Gia Lai, Đắk Lắk, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu), KTNN kiến nghị xử lý tài chính gần 142 tỉ đồng.
Kiến nghị xử lý 433 tỉ đồng
Kiểm toán đề nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước do chi sai 2,3 tỉ đồng, thu hồi nộp trả ngân sách trung ương phí kết dư tại các địa phương hơn 111 tỉ đồng. KTNN cũng kiến nghị xử lý các vi phạm khác gần 433 tỉ đồng.
|
VIẾT LONG
Pháp luật TPHCM
|