Phó TGĐ Nguyễn Thị Hương: ABBANK đang chuẩn bị hồ sơ để niêm yết
Để tìm hiểu thêm về những thách thức mà ngân hàng đã đối mặt trong năm Covid cũng như tiềm năng để tiếp tục phát triển trong năm nay, người viết đã có dịp trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK, UPCoM: ABB).
Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc ABBANK
|
Thưa bà, đâu là những thách thức mà ABBANK đã đối mặt trong năm 2020? Trong bối cảnh đó thì Ngân hàng đã gặt hái được những thành tựu nổi bật nào?
Mặc dù thị trường năm 2020 có nhiều biến động, ABBANK vẫn duy trì ổn định của các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng. Tính đến hết ngày 31/12/2020, ABBANK có tổng tài sản đạt 116,494 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1,368 tỷ đồng.
Biến động thị trường đã làm thay đổi thói quen thanh toán, thói quen tiêu dùng của khách hàng, gia tăng nhu cầu số hóa các nền tảng tài chính và phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt. ABBANK cũng nắm bắt được cơ hội này khi nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới vào các sản phẩm dịch vụ, tăng cường liên kết các đối tác Fintech để đưa ra nhiều giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng.
Việc cung cấp kịp thời đến khách hàng các sản phẩm chuyển đổi số cải tiến như ứng dụng online AB Ditizen, Thẻ thanh toán quốc tế điện tử, Tài khoản cao cấp… với nhiều tiện ích, trải nghiệm mới cho khách hàng thời gian vừa qua cũng đã giúp ABBANK giữ được khách hàng cũ, thu hút thêm khách hàng mới và tạo dựng một vị trí nhất định cho thương hiệu ABBANK trong cuộc đua ngân hàng số.
Cuối năm 2020, ABBANK cũng đã hoàn tất công tác đăng ký giao dịch tập trung trên sàn UPCoM. Theo đó, hơn 571 triệu cổ phiếu phổ thông có mã chứng khoán ABB với tổng mệnh giá chứng khoán hơn 5,713 tỷ đồng đã chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM.
Định hướng phát triển chung cho năm 2021 của Ngân hàng là gì để thu hút khách hàng?
Năm 2021 là năm đầu tiên ABBANK triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021-2025, theo đó, ABBANK sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp hành động nhằm khai thác sâu các nhóm khách hàng mục tiêu, nâng cao năng lực bán hàng của đội ngũ để gia tăng doanh thu.
Đồng thời, ngân hàng sẽ tối ưu chi phí thông qua tập trung hóa hoạt động vận hành và thẩm định, phê duyệt tín dụng, tin học hóa 100% quy trình nghiệp vụ trọng yếu của ngân hàng, tăng cường trải nghiệm của khách hàng trên toàn bộ các kênh bán hàng với nền tảng kinh doanh số để thu hút và gắn kết khách hàng, xây dựng hệ sinh thái kết nối với các đối tác (Fintech, RegTech, EduTech), quản lý rủi ro chủ động với sự hỗ trợ từ các cổ đông nước ngoài.
Các ngân hàng đang cạnh tranh nhau mảng ngân hàng số, ABBANK có kế hoạch cụ thể nào để đẩy mạnh lĩnh vực ngân hàng số của riêng mình?
Ban Lãnh đạo ABBANK đã xác định kế hoạch dài hạn cho việc chuyển đổi số tại ngân hàng với hai mục tiêu trọng tâm. Theo đó, xây dựng nền tảng số để thay đổi trải nghiệm của khách hàng với các sản phẩm và dịch vụ đã được cá nhân hóa phù hợp với nhu cầu từng khách hàng vào đúng thời điểm.
Đồng thời số hóa toàn bộ các quy trình nội bộ để tăng cường chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, tăng năng suất lao động và kiểm soát rủi ro với các giải pháp công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML) hay tự động hóa quy trình (RPA).
Với chủ trương phát triển một cách bền vững, năm 2020 ABBANK vừa tập trung cung cấp phục vụ khách hàng các sản phẩm chuyển đổi số theo xu hướng thị trường, vừa triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Cụ thể, ABBANK đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR code); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment); thanh toán trên thiết bị di động. Song song với đó, để nâng cao năng lực quản trị rủi ro, năng lực điều hành kinh doanh, ABBANK cũng đã đầu tư và triển khai hàng loạt dự án như: RWA – Tính toán tài sản có rủi ro, Data Governance – Xây dựng Khung quản trị dữ liệu, ICAAP – Tính toán mức độ đủ vốn nhằm tối ưu việc sử dụng vốn và kiểm định sức khỏe của vốn với các vấn đề rủi ro xảy ra (Stress test); ALM – Quản lý tài sản Nợ - Có; BIMIS – Hệ thống báo cáo quản trị đa chiều và xây dựng kho dữ liệu; LOS – Hệ thống khởi tạo khoản vay và các dự án nhằm tăng năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí như tập trung hoá quản lý vận hành kho quỹ, tập trung hoá phê duyệt tín dụng, quy hoạch đội ngũ bán hàng (bổ sung hàng ngàn GDV, KSV vào lực lượng bán hàng), trả lương theo năng suất lao động.
Việc triển khai kịp thời, quyết liệt các giải pháp kinh doanh và các dự án lớn đã giúp ABBANK vượt qua những khó khăn, đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2020.
Kế hoạch niêm yết chính thức trong tương lai của Ngân hàng thế nào, thưa bà?
Việc ABBANK đăng ký giao dịch tập trung trên UPCoM được đánh giá là phù hợp với thời điểm hiện tại, vừa đảm bảo tính tuân thủ. Sau UPCoM, ABBANK đang tiếp tục chuẩn bị hồ sơ niêm yết để trình HĐQT quyết định khi đã bảo đảm các điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho việc niêm yết chính thức trên HOSE/HNX khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Xin cảm ơn bà!
Cát Lam
FILI
|