Phân tích kỹ thuật luận chiến: Predict và react phải cùng song hành
Phân tích kỹ thuật là một trường phái phân tích còn non trẻ và mới lạ ở thị trường Việt Nam. Nền tảng lý thuyết không vững chắc và rõ ràng sẽ dễ dàng tạo thành những “lâu đài xây trên cát”. Việc nghiên cứu để nâng cao nhận thức về định hướng của trường phái cũng quan trọng không kém việc tìm hiểu công thức của các chỉ báo hay cách ứng dụng các công cụ.
Nguồn: Internet
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán thì trường phái phân tích kỹ thuật cũng ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn. Thời gian gần đây, các cuộc tranh luận nảy lửa đã diễn ra khá nhiều trên các diễn đàn, room chat về trường phái này. Người viết không có tham vọng đưa ra câu trả lời cho các vấn đề vĩ đại hay khẳng định bất cứ chân lý nào. Chuỗi bài viết này chỉ nhằm thể hiện những quan điểm, những trải nghiệm thực tế “người thật việc thật” để giúp mọi người hiểu hơn về phân tích kỹ thuật, mặt tốt cũng như những mặt xấu của nó.
Bạn cần gì từ phân tích kỹ thuật?
Thị trường chứng khoán đã phát triển vượt bậc so với thời điểm cách đây 10 năm. Các sản phẩm đa dạng hơn và giao dịch cũng đơn giản, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, đi kèm theo đó thì sự khắc nghiệt của thị trường cũng lớn hơn và quá trình “chọn lọc tự nhiên”, cạnh tranh sinh tồn cũng theo đó mà diễn ra. Để có thể tồn tại được, nhà đầu tư phải tự nâng cấp bản thân mình. Yêu cầu cơ bản là phải hiểu rõ những công cụ mình đang sử dụng thực sự có ý nghĩa và đóng góp gì cho công việc đầu tư.
KHÓA HỌC ONLINE
Phân tích Ngành và Dòng tiền thị trường
💡 Khai giảng: 23/03/2021
💡 Ưu đãi lên đến: 60%++
Hotline: 0908 16 98 98
>> Tìm hiểu ngay
|
Người viết cảm thấy khá bất ngờ khi có rất nhiều nhà đầu tư không thể trả lời chính xác được phân tích kỹ thuật dùng để làm gì? Cái này giống như việc bạn chép đề thi từ thầy giáo rồi cặm cụi làm bài nhưng đến khi sắp xong thì phát hiện mình làm … sai đề. Hầu hết mọi người chỉ trả lời chung chung là nó dùng để phục vụ công việc đầu tư.
Vậy xét cho cùng thì phân tích kỹ thuật dùng để làm gì? Vấn đề thời điểm chứ không phải là vấn đề mức giá. Người viết cho rằng vấn đề giá thấp hay cao liên quan đến phân tích cơ bản nhiều hơn. Các chuyên viên phân tích làm định giá cổ phiếu để xác định giá trị nội tại. Sau đó, họ so sánh mức này với giá thị trường để biết được cổ phiếu có đang bị thị trường đánh giá thấp hay không.
Phân tích kỹ thuật không giải quyết vấn đề trên. Nó tập trung vào yếu tố thời điểm. Nói một cách rõ ràng hơn, các công cụ phân tích kỹ thuật sẽ giúp bạn biết được bên mua hay bên bán đang thắng thế và giá đã chuyển sang xu hướng tăng/giảm hay chưa? Điều này đặc biệt quan trọng khi thị trường đang ở trạng thái hỗn loạn, thông tin tốt xấu đan xen nhau. Khi đó, bạn cần hệ thống giao dịch (trading system) cho những tín hiệu khách quan để ra quyết định xuống tiền hay cắt lỗ.
Chúng ta có thể lấy giai đoạn đầu năm 2020 làm ví dụ. Sau giai đoạn sụt giảm trong quý I do dịch Covid-19, thị trường chứng khoán đã phục hồi mạnh mẽ trở lại và nhiều cổ phiếu đã tăng vượt mức giá trước dịch. Trong thời điểm đó rất nhiều chuyên gia đã hô khẩu hiệu “Cash is King” với những lý do đưa ra khá thuyết phục và hùng hồn. Vấn đề ở đây không phải là tranh đúng sai mà quan trọng là nhà đầu tư cần công cụ nhận biết xem liệu phe mua đang mạnh hơn hay ngược lại.
Ví dụ, giá cổ phiếu HSG bật tăng mạnh vào đầu tháng 04/2020. Khi giá vượt qua nhóm MA trung và dài hạn thì đã đánh dấu sự khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Các điểm giao cắt vàng (golden cross) lần lượt xuất hiện khi đường SMA 50 ngày cắt lên trên các đường SMA 100 ngày và đường SMA 200 ngày vào đầu tháng 06/2020 góp phần khẳng định xu hướng tăng đang là xu hướng chính của cổ phiếu. Hiện tại, HSG đã vượt qua vùng đỉnh tháng 07/2017 và đang thiết lập những mức cao mới.
Nguồn: VietstockUpdater
“Phân tích vị phân tích” hay “phân tích vị đầu tư”
Giới đầu tư vẫn hay nói đùa rằng trên thị trường chứng khoán cũng đang tồn tại hai loại phân tích kiểu như vậy: “Phân tích vị phân tích” hay “phân tích vị đầu tư”.
Phân tích vị phân tích có thể hiểu là kiểu “đục lỗ” khá vô hồn và không bám sát thực tế. Dạng này vẫn hay được gọi vui bằng cái tên “chỉ thượng đàm binh” (đánh trận trên giấy). Kiểu như sau khi phân tích đồ thị và dữ liệu lịch sử của một cổ phiếu A rồi kết luận rằng đầu tư cổ phiếu này sẽ lãi to vì có hiệu quả trong những năm trước rất tốt với hệ thống giao dịch B nhưng lại không đề cập đến những yếu tố như thanh khoản hay biến động ngành (sector rotation) chẳng hạn. Cổ phiếu thanh khoản kém có thể gây khó khăn trong thực tế cho việc gom hàng và thoát hàng, đặc biệt là những nhà đầu tư có tần suất mua bán lớn. Yếu tố chu kỳ của các ngành nghề cũng ảnh hưởng đến các cổ phiếu chứ không phải cứ suy nghĩ máy móc kiểu “lịch sử sẽ lặp lại” các năm trước lãi tốt thì các năm sau cũng thế.
Phân tích vị đầu tư nghĩa là những phân tích thực sự có thể giúp chúng ta sinh lợi (make money) được. Trong các diễn đàn lớn, cộng đồng đầu tư vẫn rất kính nể một số nhân vật mà phân tích của họ có thể không quá logic hay phù hợp với lý thuyết tài chính thông thường, thậm chí đôi khi mang tính “đường phố” rất cao nhưng đã đem lại những khoản lợi nhuận lớn. Kinh nghiệm thực chiến vẫn luôn là thứ quan trọng nhất ở trường phái phân tích này. Bằng chứng là có rất nhiều trader hàng đầu có khả năng thiết lập và coding những hệ thống giao dịch mạnh nhưng không hề sở hữu CMT Charterholder hay CFTe.
Predict và react phải song hành cùng nhau
Phái ủng hộ predict (dự đoán) tập trung vào việc thiết lập các kịch bản của thị trường và đưa ra chiến lược xử lý cho từng kịch bản đó. Phái này thích hợp với những đối tượng thích “chậm mà chắc”, cần sự ổn định, không yêu cầu lợi nhuận cao hoặc các NĐT lớn tuổi không quá nhanh nhạy, năng động và không thích bị bất ngờ bởi các biến động của thị trường.
Nguyên lý đối xứng (symmetry) có thể tạm coi là một ví dụ đơn giản cho cách mà các nhà phân tích kỹ thuật theo trường phái predict tìm kiếm lợi nhuận. Dưới đây là đồ thị kỹ thuật của cổ phiếu PNJ, giá cổ phiếu cũng đã tăng đạt mục tiêu theo nguyên lý đối xứng sau khi bứt phá được vùng 64,000-66,500 trước đó không lâu.
Nguồn: VietstockUpdater
Phái react (phản ứng) lại tập trung vào việc thiết lập một hệ thống giao dịch mạnh dựa trên sự kết hợp của các chỉ báo kỹ thuật đã được kiểm tra lại (backtest) kỹ lưỡng, nghiêm túc và nâng cấp định kỳ hàng năm. Điểm mạnh của phái này là rất linh hoạt (đặc biệt là trong ngắn hạn) và lợi nhuận thường khá cao nếu hệ thống giao dịch được xây dựng tốt (thường là trên 30%/năm). Đa số các chuyên viên phân tích theo trường phái này là những người trẻ, có lợi thế về coding và yêu cầu tỷ suất sinh lời lớn.
Theo kinh nghiệm nhiều năm của người viết thì nếu phân tích theo kiểu predict và react mà cho ra cùng một kết quả thì xác suất thành công sẽ cao hơn. Còn nếu ngược nhau thì nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục đánh theo hệ thống giao dịch của mình nhưng cần hạ số vốn đầu tư xuống để hạn chế rủi ro bất ngờ có thể xảy ra.
Thế Phong
FILI
|