Ồ ạt mua bán 'đất chỉ' ở Phú Quốc
Sau khi huyện Phú Quốc lên thành phố, tình trạng mua đi bán lại đất không giấy tờ trở nên phổ biến. Chính quyền địa phương đã phải thu hồi, giải tỏa nhiều căn nhà không phép.
Ông Võ Thành Nhơn, chủ một doanh nghiệp ở phường Dương Đông (TP Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết tình trạng mua bán “đất chỉ” - đất không giấy tờ, không rõ nguồn gốc ở Phú Quốc - từng “sốt” cách đây 3 năm. Lúc đó, nhiều người từ đất liền vào đảo ngọc đầu cơ đất đai đã mất tiền tỷ khi mua đất không giấy tờ, giao dịch bằng giấy tay, không chứng thực.
Vẽ sơ đồ để bán đất người khác
Sau khi vỡ bong bóng bất động sản ở Phú Quốc, thị trường đất đai trầm lắng kéo dài đến cuối năm 2020. Ba tháng trở lại đây, “cò đất” xuất hiện nhiều ở các xã Cửa Cạn, Cửa Dương, Gành Dầu… khi huyện Phú Quốc lên thành phố.
Một khu "đất chỉ" có giá nền từ 70 triệu đồng trở lên tại xã Gành Dầu, TP Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.
|
“Tôi có đất ở xã Cửa Cạn nhưng hôm trước làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phát hiện đã có người đo, vẽ sơ đồ. Người lén thuê đơn vị đo đạc còn rào đất tôi lại để bán ‘đất chỉ’ dù họ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc”, ông Nhơn nói.
Tương tự ông Nhơn, ông Võ Thu Đông ở phường Dương Đông (TP Phú Quốc) được UBND xã Cửa Cạn cho khai phá khoảng 2 ha đất tại ấp 2, xã Cửa Cạn. Gần 20 năm canh tác, ông Đông phát hiện đã có người đo vẽ, xác định tọa độ trên đất của ông khi cán bộ hưu trí này đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phóng viên Zing theo chân ông Nhơn đến ấp Xóm Mới của xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc vào giữa tháng 3. Thấy có người dừng ôtô cuối con đường đất đỏ, 2 phụ nữ và một người đàn ông lân la bắt chuyện rồi mời mua đất không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
“Chồng tôi có gần 100 công đất đang trồng cây tạp, chưa có giấy tờ nhưng đã có sơ đồ, chấm tọa độ hết rồi. Một công (1.000 m2 – PV) giá 300 triệu đồng”, một phụ nữ nói và giới thiệu tên Quyên.
Mua bán đất rừng
Tại xã Gành Dầu, 3 năm trước chính quyền địa phương phát hiện nhiều cây rừng bị người dân chặt, đốt trên khu đất rất rộng nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Phú Quốc. Giữa tháng 3/2021, phóng viên Zing trở lại nơi này phát hiện khoảng 100 căn nhà cấp 4 được xây cất đủ kiểu.
Từ vài căn nhà ở khu "đất chỉ" vào năm 1998, hiện nay đã có khoảng 100 căn nhà tạm bợ mọc lên tại ranh rừng quốc gia thuộc ấp Chuồng Vích, xã Gành Dầu, TP Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.
|
Một cán bộ Văn phòng UBND xã Gành Dầu cho biết 3 năm trước ông với Phó chủ tịch UBND xã là ông Phạm Hữu Kiệt đến lập biên bản tại khu vực này chỉ mới có 2 căn nhà xây dựng trái phép trên đất rừng vừa bị chặt phá. Do chính quyền địa phương không kiên quyết ngay sau đó về việc xử lý tình trạng mua bán “đất chỉ” và xây cất trái phép nên hiện nay khó cưỡng chế.
“Sau khi chặt phá cây rừng, những người lấn chiếm đã bán ‘đất chỉ’ thuộc Nhà nước quản lý với giá từ 70 đến trên 100 triệu đồng. Họ bán đất rừng nên buông đuôi, tức là nhận tiền xong thì người mua không thể gặp hoặc kiện người bán vì đất không giấy tờ. Khu vực này đến nay cây cối bị chặt phá để mua bán ‘đất chỉ’ rộng gần 40 ha”, vị cán bộ Văn phòng UBND xã Gành Dầu nói.
Tại khu đất rộng khoảng 2 ha được phân ra nhiều lô thuộc ấp Chuồng Vích (Gành Dầu), 2 người đàn ông địa phương đang xây nhiều căn nhà vách tôn. Hai thợ xây cho biết họ được chủ đất trả tiền công mỗi người 500.000 đồng một ngày để cất nhà tạm.
“Ở đây một nền nhà không giấy tờ giá 70 triệu đồng. Mình xây nhưng xã không đến lập biên bản thì cứ xây. Lý do những người lao động nghèo thích mua đất chỉ là không cần phải mất thời gian đi công chứng, viết giấy tay là xong”, một người mua “đất chỉ” chia sẻ.
Những căn nhà vách tôn vừa mọc lên tại khu "đất chỉ" do Nhà nước quản lý ở xã Gành Dầu. Ảnh: Việt Tường.
|
Ông Huỳnh Văn Định, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Gành Dầu cho biết cơ quan chức năng đang lập thủ tục cưỡng chế, tháo dỡ tài sản trên đất do Nhà nước quản lý đối với 7 hộ tại ấp Chuồng Vích và ấp Gành Dầu. Những hộ này xây nhà sau khi chiếm đất Nhà nước hoặc mua “đất chỉ” không có giấy tờ.
“Đất khu vực này nằm trong ranh rừng nên sau này sẽ cưỡng chế hết. Người dân chiếm đất Nhà nước quản lý hoặc mua đất trái phép để cất nhà vì họ nghĩ sau này sẽ có chế độ chính sách của Nhà nước khi bị di dời”, ông Định nói.
Việt Tường
ZING
|