Thứ Năm, 04/03/2021 20:35

'Nền kinh tế Biden' sẽ là cơn ác mộng với Trung Quốc?

Ông Biden bắt đầu tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh mua hàng Mỹ và loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng. So với các lệnh cấm của ông Trump, đây mới là ác mộng của Bắc Kinh.

"Khi Chủ tịch Tập Cận Bình vạch kế hoạch năm năm của Trung Quốc nhằm thống trị nền kinh tế toàn cầu, ông sẽ nhận ra mình nhớ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thế nào", chuyên gia William Pesek viết trên Nikkei Asian Review.

Ông Pesek là một nhà báo từng đoạt giải thưởng ở Tokyo, tác giả của cuốn Nhật Bản hóa: Thế giới có thể học được gì từ những thập kỷ đã mất của Nhật Bản.

Theo ông Pesek, Chủ tịch Tập không thích đòn thuế, lệnh cấm doanh nghiệp của chính quyền ông Trump hay các dòng tweet từ người từng đứng đầu Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong bốn năm qua, nhiều điều mà ông Trump không làm khiến Bắc Kinh "thở phào nhẹ nhõm".

Thương chiến Mỹ - Trung ảnh 1
Ông Biden bắt đầu triển khai kế hoạch năm năm của chính Washington. Ảnh: Getty Images.

Nỗi ác mộng

Giờ đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang "rèn luyện lại" cho nền kinh tế hàng đầu thế giới, và bắt đầu thực hiện kế hoạch năm năm của chính Washington. Mục tiêu đầu tiên là đánh bại dịch Covid-19. Kế hoạch đẩy mạnh chương trình tiêm chủng và bơm thêm 1.900 tỷ USD vào nền kinh tế của ông Biden là một khởi đầu tốt.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc có thể điêu đứng với kế hoạch của ông Biden, bao gồmtăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, thắt chặt chủ trương mua hàng hóa Mỹ, loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng và tăng cường thực thi chống độc quyền.

Chuyên gia Pesek cho rằng các chính sách của ông Trump chủ yếu mang tính chất ngăn chặn. Chúng đẩy Mỹ vào một vị thế thậm chí còn tồi tệ hơn xét trên khía cạnh cạnh tranh.

Tuy nhiên, mục tiêu chính của chính quyền ông Biden vào thời điểm này là chữa lành một nước Mỹ đang bị tổn thương vì dịch Covid-19. Mỹ quay trở lại mục tiêu nâng cao năng suất, tăng cường giáo dục, nâng cấp các cơ sở hạ tầng như mạng lưới điện, viễn thông đến đường sắt cao tốc, đồng thời giảm lượng khí thải carbon.

Thương chiến Mỹ - Trung ảnh 2
Đối với Trung Quốc, các lệnh cấm của chính quyền ông Trump có thể không đáng lo ngại bằng những kế hoạch mới của Tổng thống Biden. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc hiện phải đối mặt với sắc lệnh sắp tới của ông Biden. Theo đó, Mỹ sẽ bắt tay với các đồng minh bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để xây dựng chuỗi cung ứng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các biện pháp tập trung vào chất bán dẫn, pin xe điện, đất hiếm và sản phẩm y tế. Sắc lệnh nêu rõ "Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh để tiến tới một chuỗi cung ứng bền vững và mạnh mẽ". Điều đó cho thấy mối quan hệ quốc tế là trọng tâm của kế hoạch này.

Cuộc chiến cho tương lai

"Kỷ nguyên của ông Biden có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh nhiều hơn thay vì 'xô xát' như hiện tại", chuyên gia Pesek bình luận. Trong thế giới của những người ủng hộ ông Trump, điều đó được coi là đầu hàng. Nhưng ông Pesek lập luận đây mới là thực tế kinh tế chính trị.

Quy mô nền kinh tế Trung Quốc và tham vọng của Bắc Kinh khó bị lung lay bằng cách đánh thuế vào hàng hóa hay các nỗ lực bóp nghẹt những tập đoàn công nghệ như Huawei Technologies, Ant Group của tỷ phú doanh nhân Jack Ma hoặc Tencent Holdings.

Khi ông Tập đang triển khai chiến dịch tiếp theo của Trung Quốc, Nhà Trắng của ông Biden cũng chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh thực sự khiến Trung Quốc kinh hãi

- Nhà báo William Pesek

Tổng thống Biden có cách làm khôn ngoan hơn. Đó là tìm cách đưa nước Mỹ trở lại cuộc đua công nghệ năm 2025.

Trong khi ông Trump đưa nhiên liệu hóa thạch và amiăng trở lại, Trung Quốc đang đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào tương lai của hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, tiền tệ kỹ thuật số, xe điện, những tiến bộ trong mạng lưới 5G, năng lượng tái tạo, robot, chất bán dẫn và hàng loạt kỳ lân công nghệ.

Trái ngược với ông Trump, tổng thống Mỹ đương nhiệm muốn chi hàng trăm tỷ USD để nghiên cứu và phát triển ngành công nghệ, giúp Mỹ giữ vững vị thế dẫn đầu. "Ông Biden sẽ phải nghĩ lớn hơn đội ngũ của ông Tập trong bốn năm qua để đạt được hiệu quả tốt", nhà báo William Pesek nhấn mạnh.

Theo ông Pesek, từ sự bùng phát của dịch Covid-19, cuộc đụng độ với Ấn Độ tới những hành động khiêu khích ở Biển Đông, Trung Quốc khó gia tăng quyền lực mềm.

Thương chiến Mỹ - Trung ảnh 3
Mỹ sẽ bắt tay với các đồng minh bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan nhằm đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, về khía cạnh kinh tế, Bắc Kinh đang tìm cách vượt mặt Washington. Chính quyền của ông Tập hiện lên kế hoạch đặt cược vào các công nghệ mới - từ công nghệ sinh học, xe điện và thiết kế chip máy tính - mà không phụ thuộc vào doanh nghiệp Mỹ như Itel, Nvidia và Qualcomm.

"Đó là một cuộc chiến cho tương lai", nhà báo Pesek bình luận.

"Và khi ông Tập đang triển khai chiến dịch tiếp theo của Trung Quốc, Nhà Trắng của ông Biden cũng chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh thực sự khiến Trung Quốc kinh hãi", ông nói thêm.

Thảo Cao

ZING


Các tin tức khác

>   Bắc Kinh giáng thêm đòn, 'con cưng' của Jack Ma mất nguồn thu lớn (04/03/2021)

>   Giá đất hiếm rẻ như đất thường sau lệnh cấm của Trung Quốc (04/03/2021)

>   Big Tech hết thời "hô mưa gọi gió"? (04/03/2021)

>   Khi các chuyên gia... cãi nhau về lạm phát và lãi suất (04/03/2021)

>   EC cân nhắc tiếp tục hoãn quy định về giới hạn thâm hụt ngân sách (04/03/2021)

>   Giá thực phẩm tăng nhanh hơn thu nhập (03/03/2021)

>   GDP Mỹ có thể tăng trưởng 10% trong quý 1? (03/03/2021)

>   Núi tiền tiết kiệm 2,900 tỷ USD sẽ tạo đà hồi phục cho kinh tế toàn cầu? (03/03/2021)

>   Nhà Trắng: Mỹ sẽ có đủ vắc-xin Covid-19 cho người lớn vào cuối tháng 5/2021 (03/03/2021)

>   Nhập khẩu thép của Trung Quốc tăng vọt 150% vì các chương trình kích thích kinh tế (02/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật