Gửi tiền lãi suất 68%/24 tháng: Coi chừng mất trắng!
Doanh nghiệp tung ra nhiều chương trình tiền gửi được tặng tiền và chia lợi nhuận (tạm gọi là lãi suất) lên tới 68% trong vòng 24 tháng.
"Vía Thần Tài hút tài lộc, công ty gửi đến khách hàng chương trình đầu năm mới, lãi suất và số tiền hoàn vốn 7%/tháng, kèm theo tặng tiền mặt dành cho 50 khách hàng đầu tiên tham gia…" là nội dung tin nhắn mà nhân viên Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (gọi tắt là Công ty Nhật Nam; đặt tại số 54 Ngô Thị Thu Minh, quận Tân Bình, TP HCM) mời chào chúng tôi ngay ngày Thần Tài năm nay (21-2).
Trả vốn và lãi 7 triệu đồng/tháng
Trước đó, ngày 18-2, người này đã gửi tin nhắn mời chúng tôi gửi tiền vào Công ty Nhật Nam để được hưởng lãi 92%/24 tháng. Ngày 26-2, chúng tôi liên hệ lại để tìm hiểu việc gửi tiền. Người này cho biết mức lãi suất 92%/24 tháng đã chấm dứt vì chương trình chỉ áp dụng cho người gửi trong ngày 19-2. Công ty đang triển khai chương trình tiền gửi bao gồm chi trả lãi suất và số tiền hoàn vốn 7%/tháng, áp dụng đến hết ngày 28-2. Theo đó, người gửi từ 20 triệu đồng đến 5 tỉ đồng sẽ được công ty trả lãi suất 68% trong vòng 24 tháng.
Thông tin lãi suất và hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam gửi đến khách hàng. Ảnh: CHÂU THY
|
"Cụ thể, với số tiền 100 triệu đồng, người gửi sẽ được trả vốn và lãi 7 triệu đồng/tháng, tương đương 7%/tháng. Như thế, sau 24 tháng, người gửi nhận được 168 triệu đồng, trong đó tiền lãi là 68 triệu đồng, tương ứng với lãi suất 68%/24 tháng. Công ty sẽ lập lệnh tự động với hệ thống ngân hàng, bắt đầu chi trả vốn và lãi vào tài khoản của người gửi sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền gửi. Đồng thời, người gửi từ 100 triệu đồng đến 5 tỉ đồng còn được tặng 1,5 - 150 triệu đồng" - nhân viên Công ty Nhật Nam thông báo.
Người này khẳng định tài sản bảo đảm trả vốn và lãi cho người gửi tiền là chuỗi nhà hàng, khách sạn; nhiều quỹ đất có vị trí đắc địa tại Tây Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang), Thanh Hóa, Hà Nội, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)... do công ty đứng tên, trong đó hàng trăm lô đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tiếp cận một số nhà đầu tư đang có ý định gửi tiền vào Công ty Nhật Nam. Họ cho biết cách đây vài tháng, công ty này có giới thiệu đoạn video bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT công ty, phát biểu trước hàng trăm nhà đầu tư. Trong video, bà Thúy cho biết gần như toàn bộ tài sản của Công ty Nhật Nam là tài sản của cá nhân bà chuyển cho công ty đứng tên. Với tư cách là Chủ tịch HĐQT và là người đại diện pháp luật của Công ty Nhật Nam, bà Thúy khẳng định nhà đầu tư gửi tiền vào công ty là an toàn; nếu công ty không trả vốn và lãi thì nhà nước sẽ xử lý các tài sản này để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư.
Biết chúng tôi băn khoăn Công ty Nhật Nam lấy tiền đâu để trả lãi cho người gửi, nhân viên công ty này liền giải thích việc kêu gọi mọi người góp vốn với lãi suất cao là để triển khai các hoạt động kinh doanh thương mại, xây dựng thương hiệu, tạo lập đội ngũ nhà đầu tư cùng với công ty xây dựng các dự án nhà đất. Sau 24 tháng, các dự án này sẽ đi vào hoàn thiện, thương hiệu Nhật Nam sẽ có vị thế trên thị trường. Khi đó, công ty bán bất động sản thu về lợi nhuận, bù đắp những chi phí đã trả cho nhà đầu tư.
Tiếp đến, người này cung cấp cho chúng tôi hàng loạt sổ đỏ đứng tên Công ty Nhật Nam, thông tin về bà Vũ Thị Thúy, hợp đồng hợp tác kinh doanh có chữ ký của bà Thúy và đề nghị người gửi tiền trực tiếp đến trụ sở điền danh tính, số tiền đầu tư và ký nhận.
Nên tìm hiểu kỹ
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước), nhận định phương thức huy động vốn của Công ty Nhật Nam là tiền gửi đa cấp - dùng tiền người gửi trước để trả cho người gửi sau - ẩn chứa nhiều "vấn đề".
"Trong điều kiện thị trường hoạt động bình thường (không bị tác động bởi Covid -19), doanh nghiệp cũng không thể đạt được lợi nhuận trên 30%/năm để chi trả cho người gửi tiền, huống hồ là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Đến một lúc nào đó, công ty này sẽ không huy động được vốn nữa, dẫn đến tình trạng vỡ nợ. Khi đó, người gửi sẽ không biết kêu ai" - ông Hùng nói.
Tham khảo cách thức huy động vốn, lãi suất và nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam, luật sư Vũ Quyết Tiến (Đoàn Luật sư TP HCM) khuyến cáo nhà đầu nên tìm hiểu kỹ vì sau vài tháng trả vốn và lãi, nếu chẳng may công ty này kinh doanh khó khăn, có thể mất khả năng chi trả thì cơ quan chức năng rất khó phân xử. Thiệt hại đầu tiên là nhà đầu tư sẽ mất số tiền lãi còn lại vì theo nguyên tắc của hợp đồng hợp tác kinh doanh là khi doanh nghiệp kinh doanh không có lãi thì không chia lợi nhuận cho người hợp tác. "Số tiền vốn thì hợp đồng hợp tác kinh doanh không có điều khoản nào quy định trường hợp kinh doanh thua lỗ, Công ty Nhật Nam cũng phải hoàn trả cho nhà đầu tư; đồng thời hợp đồng có điều khoản khi công ty giải thể hoặc tuyên bố phá sản thì chấm dứt hợp đồng. Như thế, người gửi tiền sẽ có nguy cơ không thu hồi đủ số vốn, thậm chí có thể trắng tay" - luật sư Tiến phân tích.
Chỉ trả vốn và lãi cho đến khi... có thông báo khác
Một trong những điều khoản cốt lõi của hợp đồng hợp tác kinh doanh là hằng tháng, Công ty Nhật Nam chi trả vốn và lợi nhuận cho đến khi công ty có thông báo khác về việc trả vốn và lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa khi công ty thay đổi hạn mức chi trả vốn và lãi hằng tháng, nhà đầu tư phải chấp nhận. Hợp đồng còn quy định tùy vào tình hình hoạt động kinh doanh và nhu cầu vốn, nhà đầu tư đồng ý cho Công ty Nhật Nam cứ 6 tháng 1 lần điều chỉnh chi trả lợi nhuận và hoàn trả vốn gốc còn lại bằng bất động sản hoặc bất động sản hình thành trong tương lai. Trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng hợp đồng cho người khác thì phải thanh toán cho công ty 10% số tiền tham gia đầu tư. Riêng nhà đầu tư rút vốn trước hạn thì phải hoàn trả lại toàn bộ lợi nhuận đã nhận và nộp phạt 30% số vốn đầu tư...
|
Thy Thơ
Người lao động
|