Thứ Tư, 03/03/2021 10:09

Doanh nghiệp Việt Nam đang vượt dịch COVID

Tháng 2/2021, cả nước ước tính nhập siêu 800 triệu USD. Nhưng tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa vẫn nghiêng về xuất siêu gần 1,3 tỷ USD. Có thể thấy, thông thường cần hạn chế nhập siêu, nhưng trong tình trạng dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu thì việc nhập siêu máy móc, nguyên vật liệu chứng tỏ doanh nghiệp trong nước vẫn đang hoạt động và phát triển.

Xuất khẩu giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4% tiếp tục đứng trong nhóm hàng "xuất khẩu tỷ đô". Ảnh: Báo Công Thương.

​9 mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô”

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2021 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 29,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,65 tỷ USD, giảm 31,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,35 tỷ USD, giảm 29,3%.

Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu gần 1,3 tỷ USD.

Trong 2 tháng đầu năm có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Gồm: Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,8%. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 27,3%. Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 72,6%. Hàng dệt may đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước. Giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4%. Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 51%. Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 11,6%. Sắt thép đạt 1,1 tỷ USD, tăng 71,9%. Thủy sản đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản tháng 2/2021 giảm 28,5% so với tháng trước và giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vẫn đạt 3,78 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhóm nhiên liệu và khoáng sản là nhóm hàng duy nhất giảm trong 2 tháng đầu năm 2021, với mức giảm 50,3%, đạt 371 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu trong nhóm này như dầu thô, xăng dầu, than đá, quặng và khoáng sản đều sụt giảm mạnh trong 2 tháng qua.

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 2 tháng vừa qua đạt con số khá ấn tượng với 42,47 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ, chiếm 87,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Có thể thấy, việc sụt giảm xuất khẩu ở nhóm nhiên liệu và khoáng sản hiện nay đang phù hợp với lộ trình giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo (điện tử, máy tính và linh kiện, các sản phẩm từ nhựa, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng...). Bằng chứng là trước năm 2003, dầu thô chiếm tới gần 50% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FDI. Đến nay, tỷ lệ dầu thô trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 1%.

Đáng chú ý là sự phục hồi trở lại của kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc, đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước và kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 13,78 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,2 tỷ USD, tăng 50,5%; Thị trường EU đạt 6,1 tỷ USD, tăng 18,4%; Thị trường ASEAN đạt 4,1 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 3,35 tỷ USD, tăng 13,4%; Nhật Bản đạt 3,15 tỷ USD, tăng 1,1%.

Đặc biệt, ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Anh trong 2 tháng đầu năm 2021 đã tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 1,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 998 triệu USD. Đây là mức tăng ấn tượng khi dịch COVID-19 vẫn đang gây tác động lớn đến hoạt động thương mại.

Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu tăng 21,5%. Ảnh minh hoạ

Nhập khẩu nguyên liệu tăng

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,62 tỷ USD, tăng 16%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,64 tỷ USD, tăng 31,4%.

Với nhóm hàng cần nhập khẩu, trong tháng 2 đạt 18,37 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ và 2 tháng đầu năm đạt 41,76 tỷ USD, tăng 26,6%.

Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất, đạt 10,86 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2020. Những mặt hàng nhập khẩu chính khác cũng đạt mức tăng trưởng cao như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 6,81 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2020. Điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,64 tỷ USD, tăng 74,6%. Vải các loại đạt 1,86 tỷ USD, tăng 17,6%. Chất dẻo nguyên liệu tăng 21,5%; sắt thép các loại tăng 29,5%...

Một số ít mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm ngoái như dầu thô giảm 35,3%, than đá giảm 16,4%, bông các loại giảm 5,3%...   

Ở danh mục nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 2 tháng đầu năm 2021 nhóm hàng này có tăng nhưng chỉ ở mức 5,5%, khoảng 2,73 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 30,7%; chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh tăng 26,8%; xe máy, linh kiện, phụ tùng xe máy tăng 22,6%; đặc biệt bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng tới 58,2% do phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán... Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 14,5%; nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 13,9% về trị giá.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 17,2 tỷ USD, tăng 84,7% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 6,7%; thị trường ASEAN đạt 5,5 tỷ USD, tăng 17,2%; Nhật Bản đạt 3,1 tỷ USD, tăng 1,1%; thị trường EU đạt 2,3 tỷ USD, tăng 4,0%; Hoa Kỳ đạt 2,1 tỷ USD, giảm 3,2%.

Như vậy, mặc dù cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 ước tính nhập siêu 800 triệu USD nhưng tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục nghiêng về xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Có thể thấy, việc nhập khẩu ở một chừng mực nào đó sẽ có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt đối với các nước trong giai đoạn đang phát triển. Việc nhập khẩu công nghệ, máy móc trang thiết bị cao cấp giúp nâng cao trình độ kỹ thuật, tiến gần trình độ phát triển cao của thế giới, nhờ đó tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao. Trong điều kiện ngành sản xuất nguyên liệu cao cấp trong nước chưa phát triển thì việc nhập khẩu nguyên liệu giúp cho Việt Nam thực hiện tốt chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng về xuất khẩu.

Trong 10 tháng tiếp theo của năm 2021, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ các rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Song song với đó là tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp.

Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

“Toàn ngành Công Thương nỗ lực bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao năm 2021, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Báo Chính phủ

Các tin tức khác

>   Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lần 2: Rà soát kỹ để đúng và trúng đối tượng (03/03/2021)

>   Sân bay Vân Đồn hoạt động trở lại từ ngày mai (02/03/2021)

>   Thu hút vốn FDI: 'Ðại bàng' mở rộng tổ (02/03/2021)

>   Tổng cục QLTT nói về cáo buộc website, chợ lớn ở Việt Nam bán hàng giả (02/03/2021)

>   Vượt Trung Quốc, Mỹ thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt (02/03/2021)

>   Tháng Tết Tân Sửu, hải quan xử lý hàng hóa vi phạm trị giá gần 260 tỷ đồng (01/03/2021)

>   “Vốn định vào Myanmar có thể chuyển hướng sang Việt Nam” (01/03/2021)

>   Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3 (01/03/2021)

>   Ngành cá tra lại đối mặt thiếu nguồn cung cục bộ (28/02/2021)

>   Cả nước có 370 KCN được thành lập tính đến cuối tháng 2/2021 (01/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật