Chàng trai 24 tuổi chia sẻ chiến lược tiết kiệm 100,000 USD
Đối với Obi Okereke, tạo dựng tài sản luôn là mục tiêu lớn. Đến năm 24 tuổi, anh đã đạt được cột mốc quan trọng.
Obi Okereke
|
Obi Okereke bắt đầu đầu tư ngay sau khi có thể mở một tài khoản môi giới ở tuổi 18 và trong suốt thời gian đại học, anh đã đầu tư tất cả số tiền anh có. "Tôi bắt đầu với 150 USD trong một quỹ tương hỗ Schwab", anh nói. Kể từ đó, anh đã phát triển một danh mục đầu tư và tiết kiệm trị giá tới 100,000 USD.
Anh cho rằng sự tăng trưởng đó chủ yếu nhờ vào chiến lược buộc anh phải tập trung vào việc chi tiêu ít hơn và đầu tư nhiều hơn.
Giấu tiền bằng cách sử dụng 2 tài khoản vãng lai
Lúc bắt đầu làm việc tại một công ty tư vấn gần Seattle sau khi tốt nghiệp đại học, Okereke đã làm một điều mà nhiều người không nghĩ đến. Anh yêu cầu người chủ chia tiền lương thành hai phần và chuyển vào hai tài khoản khác nhau, sau khi đã đóng góp cho chương trình tiết kiệm hưu trí.
"20% số tiền tôi kiếm được chuyển vào một tài khoản vãng lai mà tôi có thể dùng để tiêu xài. Nó giúp tôi lập kế hoạch chi tiêu vì đó là một khoản rất nhỏ trong thu nhập của tôi. Vì vậy, nếu muốn mua quần áo, tôi chỉ có ngân sách eo hẹp. Nếu muốn mua đồ trang sức hoặc cần bảo dưỡng xe hơi, tất cả đều đến từ tài khoản đó”, anh chia sẻ với Business Insider.
Điều đó buộc anh phải xem xét lại những gì cần mua. Để làm cho phần thu nhập có thể chi tiêu “đi xa” nhất có thể, anh sử dụng ứng dụng lập ngân sách Mint để theo dõi những gì mình chi tiêu. Sống với bố mẹ cũng là cách anh giữ cho chi phí nhà ở tương đối thấp, giúp anh có thêm ngân sách để chi tiêu và đầu tư.
Phần còn lại trong thu nhập hàng tháng được chuyển vào một tài khoản vãng lai khác, đóng vai trò như cầu nối với Roth IRA, một tài khoản tiết kiệm có lợi suất cao, trong đó anh giữ một quỹ khẩn cấp và các tài khoản môi giới khác của mình.
Xem lại thói quen chi tiêu và các ưu tiên
Mặc dù đã đầu tư được vài năm nhưng điều đó không phải lúc nào cũng là ưu tiên của anh. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ một lần mua xe hơi - món đồ thường mất giá trị theo thời gian - đã khiến anh phải suy nghĩ lại về những ưu tiên.
"Ở đại học, tôi không đi chơi nhiều. Tôi dành phần lớn thời gian ở nhà hoặc thư viện, và cũng không ăn ngoài nhiều. Tôi đã tiết kiệm được rất nhiều thu nhập và cuối cùng tôi đã mua một chiếc Mercedes, khiến khoản tiền tiết kiệm bị giảm đi đáng kể", anh nói.
Kinh nghiệm đó đã dạy cho anh biết tiền có thể có sức mạnh như thế nào khi bị bắt phải “làm việc” thay vì đem đi tiêu. "Tôi đã học được rằng thường không đáng để vung tiền và mua những thứ mà bạn chỉ thực sự muốn vào một lúc nào đó, thay vào đó hãy suy nghĩ về lâu dài", anh nói với Insider.
Theo thời gian, anh nhận thấy đầu tư có ích hơn là chi tiêu và kể từ đó anh bắt đầu dạy những người cùng độ tuổi các nguyên tắc tương tự ngay trên trang web www.collegemoneyhabits.com của anh. "Tôi nghĩ nếu tôi tiết kiệm và đầu tư, nó sẽ cho phép tôi mua tất cả những thứ mà tôi muốn trong tương lai và không phải làm việc đến 60 tuổi. Nó mang lại cho tôi nhiều quyền tự chủ hơn", anh đúc kết.
Nhã Thanh (Theo Business Insider)
FILI
|