Cái gốc của vấn đề nghẽn lệnh là cơ chế quản lý lạc hậu
Có người ví von, nếu HOSE mà như một ngân hàng tư nhân ở Việt Nam, khi hệ thống trục trặc, khiến lệnh chuyển tiền thanh toán của khách bị trễ hạn thì họ đã nhanh chóng sửa lỗi công nghệ chứ không thể để vấn đề kéo dài lâu như vậy.
Ảnh: Thành Hoa
|
Vấn đề nghẽn lệnh của thị trường chứng khoán Việt Nam đã kéo dài suốt từ năm 2020 sang đến gần hết quí 1-2021. Thủ tướng Chính phủ cũng đã vào cuộc chỉ đạo và câu chuyện cũng đã được trang tin Reuters đăng tải (ví dụ, bài “Vietnam stock market overloaded by surge of new investors”).
Một số quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam bày tỏ lo ngại về vấn đề này. Chẳng hạn, ông Thomas Hugger, Tổng giám đốc quỹ đầu tư Asia Frontier Investments, cho rằng vấn đề này rất đáng ngại và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) là nhà cung cấp dịch vụ nên phải có nghĩa vụ đảm bảo giao dịch thông suốt 100%, bất chấp khối lượng tăng đột biến. Tuy nhiên, nhà cung cấp dịch vụ này đã không hoàn thành nhiệm vụ.
Khi đọc một số bài viết của tôi trên truyền thông về vấn đề này, một người đàn anh quen thân phụ trách khối dịch vụ chứng khoán của một trong những công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam đã “cằn nhằn”: “Mày đừng có đổ lỗi hết cho HOSE, mấy ổng chỉ có thể xin chứ đâu có được phê duyệt làm”. Một chị nhà báo thân quen cũng nhắn “Em đọc thêm Luật Chứng khoán sẽ nắm rõ cái gốc của vấn đề”.
Sau một hồi lần mò Luật Chứng khoán 2019, tôi cũng có thể nắm được sơ sơ vấn đề mà chị ngầm nói.
Khi đọc một số bài viết của tôi trên truyền thông về vấn đề này, một người đàn anh quen thân phụ trách Khối Dịch vụ chứng khoán của một trong những công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam đã “cằn nhằn”: “Mày đừng có đổ lỗi hết cho HoSE, mấy ổng chỉ có thể xin chứ đâu có được phê duyệt làm”. Một chị nhà báo thân quen cũng nhắn “Em đọc thêm Luật Chứng khoán sẽ nắm rõ cái gốc của vấn đề”. Sau một hồi lần mò Luật Chứng khoán 2019, tôi cũng có thể nắm được sơ sơ vấn đề mà chị ngầm nói.
|
Một mô hình quản lý thiếu linh hoạt, không có tính giám sát chéo và quy trách nhiệm
Về cơ bản, Bộ Tài chính là cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo quy định của luật thì Bộ Tài chính “chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển thị trường chứng khoán và các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán”.
Còn UBCKNN là cơ quan thuộc Bộ Tài chính, có chức năng “tham mưu”, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tổ chức thực thi pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều làm tôi chú ý hơn là về cách tổ chức của sở giao dịch chứng khoán và UBCKNN. Theo Luật chứng khoán, “Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con chịu sự quản lý và giám sát của UBCKNN”. Quan trọng hơn, nhân sự chủ chốt của sở giao dịch như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc là do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm theo đề nghị của hội đồng quản trị sở giao dịch và ý kiến của chủ tịch UBCKNN.
Mô hình này hoàn toàn làm mất đi tính độc lập cần phải có của UBCKNN so với sở giao dịch chứng khoán, khiến trách nhiệm giám sát lẫn nhau hoàn toàn mất đi.
Ở những thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, châu Âu thì sở giao dịch là công ty cổ phần niêm yết như LSE của Anh, Nasdaq và NYSE của Mỹ. Chủ sở hữu của sàn giao dịch NYSE lớn nhất nước Mỹ là Intercontinental Exchange đồng sở hữu rất nhiều sàn giao dịch khác và xác định một trong những hoạt động kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ, công nghệ giao dịch và dữ liệu.
Vì là công ty cổ phần niêm yết, họ phải làm ăn, cạnh tranh theo cơ chế thị trường, buộc phải nâng cấp dịch vụ, hạ tầng công nghệ để kiếm lời và “giữ khách”. Quan trọng hơn, họ sẽ tự quyết định đầu tư hệ thống như thế nào, trục trặc hệ thống thì sửa làm sao.
Nếu sàn giao dịch tắc trách, dẫn đến tổn thất cho nhà đầu tư thì sẽ bị UBCKNN phạt. Ví dụ, UBCKNN của Mỹ là SEC đã phạt Sở Giao dịch New York (NYSE) 14 triệu đô la Mỹ vì lỗi giao dịch trong suốt 3,5 giờ vào năm 2018. Ngược lại, gần đây các sở giao dịch Nasdaq và NYSE cũng kiện SEC vì cho rằng tổ chức này lạm quyền trong quyết định cung cấp dữ liệu cho công chúng, thứ mà các sàn giao dịch đang bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp để kiếm tiền.
Trước đó, các sàn này cũng đã kiện SEC trong quyết định đặt giá trần cho mức phí giao dịch do các sở này ấn định. Cuộc chiến của SEC và các sở giao dịch Mỹ đã tồn tại từ lâu, khi mà SEC thì muốn giảm bớt quyền lực của các sở giao dịch lớn trong việc ấn định giá và dịch vụ chứng khoán cho thị trường, còn các sở giao dịch thì cho rằng SEC làm vậy là ấn định quan điểm chủ quan về phát triển thị trường, lạm quyền và tạo ra sự thiếu hiệu quả không cần thiết cho thị trường.
Việc các sở giao dịch và UBCKNN đấu tranh với nhau như vậy tạo thành một cơ chế kiểm soát chéo, không cho ai lạm quyền hay có quyền lực quá lớn, đồng thời đảm bảo tính độc lập và linh hoạt trong các quyết định kinh doanh, đổi mới công nghệ của sở giao dịch. Có người ví von, nếu HOSE mà như một ngân hàng tư nhân ở Việt Nam, khi hệ thống trục trặc, khiến lệnh chuyển tiền thanh toán của khách bị trễ hạn thì họ đã nhanh chóng sửa lỗi công nghệ chứ không thể để vấn đề kéo dài lâu như vậy.
Một điểm quan trọng nữa là cái cơ chế “gà cùng một mẹ” của sở giao dịch và UBCKNN tạo ra khó khăn trong việc quy trách nhiệm. Khi quyền lực tập trung vào tay một bộ chủ quản quá xa với thị trường, còn cơ chế quản lý thì UBCKNN chỉ là cơ quan tham mưu, nhưng lại được quản lý và giám sát sở giao dịch, tạo ra một cơ chế thiếu khả năng quy trách nhiệm (accountability) và giám quản độc lập. Khi người ta không thể ra quyết định độc lập thì làm sao quy trách nhiệm?
Chiếc áo quá chật cho giấc mơ trung tâm tài chính quốc tế
Mô hình quản lý thiếu cơ chế chịu trách nhiệm là một chiếc ô che cho người thiếu năng lực, đồng thời là cái áo quá chật với người có khát vọng tạo ra sự thay đổi. Trong cơ chế ấy người muốn làm và có khát vọng thì cũng như kẻ lười biếng và trục lợi, ai cũng không công, không tội. Vậy thì làm sao mà phát triển? Mà khi có nghẽn lệnh thì người ta cũng không cần, cũng như không thể làm gì thoát ra khỏi cái áo quá chật hay chiếc ô che đó.
Cái gốc của việc nghẽn lệnh kéo dài của HOSE cũng là từ đó mà ra. Nó xuất phát từ những vấn đề rất nhiều năm tích tụ lại, bao gồm chuyện bổ nhiệm nhân sự có năng lực, từ chuyện quản lý dự án nâng cấp công nghệ cho đến năng lực xử lý khi hệ thống phát sinh lỗi. Với một cơ chế như vậy thì thuê người nước ngoài về làm cũng thế mà thôi, vì họ có thể làm được gì đâu khi mà cái áo cơ chế quá chật còn nhiều người có liên quan thì lại được che bởi một cái ô của cơ chế.
Quan sát phát biểu của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, một nhận xét thú vị là của ông Petri Deryng - nhà sáng lập và điều hành quỹ PYN Elite Fund. Ông ví von HOSE như một cậu bé mới lớn hoặc sinh viên đại học, khiến tôi liên tưởng tới câu chuyện Thánh Gióng.
Tham vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam như một giấc mộng của một cậu bé muốn một đêm trở thành Thánh Gióng, nhưng lại không có giáp sắt, ngựa sắt xứng tầm. Muốn làm Thánh Gióng thì cũng phải có chiếc áo vừa người, có công cụ thì mới đánh giặc được, chưa nói chuyện là muốn lớn nhanh thành Thánh Gióng có phải là thực tế hay chỉ là huyền thoại.
Nói cách khác, muốn cậu bé này lớn nhanh, vươn ra biển lớn như tham vọng trung tâm tài chính quốc tế, thì cần phải thay đổi cái áo cơ chế cho cậu bé trước đã.
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Kinh tế Sài Gòn
|