4.1 triệu liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam chậm hơn kế hoạch
GS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, hơn 4.1 triệu liều vaccine AstraZeneca dự kiến về Việt Nam trong tháng 3-4 này sẽ về nước chậm hơn dự kiến khoảng 1-2 tuần.
Hơn 4.1 triệu liều vaccine AstraZeneca dự kiến về Việt Nam trong tháng 3-4 này sẽ về nước chậm hơn dự kiến khoảng 1-2 tuần.
|
Theo GS. Đặng Đức Anh, các lô vaccine AstraZeneca về Việt Nam bị chậm lại do tình trạng khan hàng trên toàn thế giới, số công ty dược đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO còn ít, công suất sản xuất hạn chế.
Tuy nhiên, các lô hàng trong tháng 3 và 4 về Việt Nam chỉ chậm hơn dự kiến khoảng 1-2 tuần, trong tháng 4 vẫn sẽ có thêm vaccine AstraZeneca về Việt Nam.
“Kế hoạch cung ứng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam trong cả năm nay vẫn không thay đổi”, GS. Đặng Đức Anh cho biết.
Trước đó, dự kiến vaccine AstraZeneca từ nguồn COVAX sẽ về Việt Nam vào ngày 25/3 tới, còn từ nguồn thông qua công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) về đầu tháng 4.
Ngày 24/2, Việt Nam đã nhận hơn 117,000 liều trong tổng số 30 triệu liều vaccine COVID-19 từ hãng AstraZeneca, do Công ty VNVC đặt mua. Số vaccine này đã được phân bổ cho các tỉnh, thành phố để tiêm cho nhóm nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.
Tính tới sáng 23/3, hơn 36,000 người đã được tiêm vaccine, trong đó Hải Dương có số lượng tiêm cao nhất với 17,248 người. Một số trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường. Tỉ lệ phản ứng sau tiêm tương đương với thông báo từ nhà sản xuất. Rất ít trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, các trường hợp này đều đã được xử trí và hồi phục sức khỏe.
Đối với vaccine trong nước, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, với vaccine NanoCovax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh.
Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2021, sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vaccine này. Hiện tại, vaccine này đang có triển vọng rất lạc quan. Dự kiến đầu tháng 5/2021, vaccine NanoCovax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, tất cả các chuyên gia, đại diện Bộ Y tế đều rất lạc quan cho rằng nếu thuận lợi, thậm chí cuối quý III/2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine NanoCovax, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến trước đó.
Đối với vaccine Covivac, mặc dù mới thử nghiệm giai đoạn 1 nhưng qua các nghiên cứu tiền lâm sàng, đại diện Bộ Y tế và các chuyên gia đánh giá có chất lượng rất tốt. Đặc biệt, giá thành dự kiến của vaccine này rất rẻ (sơ bộ đánh giá bằng một nửa giá vaccine hiện có trên thị trường). Rút kinh nghiệm từ vaccine NanoCovax, tiến trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 của vaccine Covivac sẽ nhanh hơn.
Với vaccine của VABIOTECH, vốn dựa trên công nghệ tái tổ hợp trên virus véc-tơ theo hướng nghiên cứu khác, nên có bước chậm hơn nhưng đến nay, các kết quả trong phòng thí nghiệm đều rất lạc quan. Dự kiến, sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào đầu tháng 4/2021. Ưu điểm của vaccine này là khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh khi có biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
“Hy vọng vào cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ có vaccine đầu tiên để phòng, chống dịch COVID-19 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước”, ông Nguyễn Ngô Quang chia sẻ.
Nhật Quang
FILI
|