Về quê ăn tết, ai phải cách ly?
Theo ghi nhận của chúng tôi, trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, mỗi tỉnh, thành đều có phương án kiểm soát, ứng phó nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trong bối cảnh người dân bước vào đợt cao điểm đi lại dịp Tết Tân Sửu 2021.
Người dân khai báo y tế để vào địa bàn Quảng Ninh tại Trạm thu phí cầu Bạch Đằng. ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU
|
Nhiều nơi áp dụng biện pháp cách ly tập trung
Hải Phòng là địa phương quy định chi tiết các trường hợp phải cách ly tập trung. Cụ thể, tính từ 12 giờ ngày 4.2, những người từ Hải Dương, Quảng Ninh (những nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19) về Hải Phòng ăn tết sẽ phải cách ly tập trung.
Người từ xã Tiến Thắng (H.Mê Linh), các phường Quan Hoa, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu (Q.Cầu Giấy), Xuân Phương, Mỹ Đình 2 (Q.Nam Từ Liêm), Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng), TT.Đông Anh của TP.Hà Nội về Hải Phòng phải cách ly y tế tập trung. Những địa điểm còn lại thuộc H.Mê Linh, Q.Cầu Giấy, Q.Nam Từ Liêm thực hiện cách ly tại nhà khi về tới Hải Phòng.
Chiều 4.2, TP.Hải Phòng vẫn cho người từ Hà Nội về ăn tết đi vào thành phố nhưng phải khai báo y tế. - ẢNH: LƯU QUANG PHỔ
|
Người từ xã Lâm Thao (H.Lương Tài, Bắc Ninh), P.Đồng Tiến (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), xã Cẩm Lý (H.Lục Nam, Bắc Giang), P.4 (Q.11, TP.HCM), P.Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), xã Phú Giáo (H.An Bình, Bình Dương) về Hải Phòng cũng phải đi cách ly tập trung.
Người từ các vùng La Trok, Ia Mrơn, Kim Tân, Chư Rcăm, Cheo Reo (Gia Lai) về Hải Phòng phải cách ly y tế tập trung; từ các huyện Ia Pa và Krông Pa (Gia Lai) về phải cách ly tại nhà.
Thái Nguyên: Người về từ các địa điểm có ca nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế thông báo thì phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và cách ly 14 ngày tại cơ sở y tế. Người từ các địa phương có dịch nhưng không trong vùng có ổ dịch, ca nhiễm được tự do đi lại bình thường nhưng phải khai báo y tế.
Ninh Bình: Người về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội có ổ dịch, các địa bàn bị phong tỏa đều phải cách ly tập trung. Những người về từ địa phương có dịch nhưng chưa giãn cách xã hội được tự theo dõi sức khỏe ở nhà. Bất cứ người dân nào từ nơi khác về ăn tết đều phải thực hiện khai báo y tế, thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà.
Thanh Hóa: Những người từng sinh sống và tham gia các sự kiện ở các điểm có dịch, khi về sẽ phải cách ly tại nhà và nơi cư trú. Trường hợp F1 phải cách ly tập trung, từ F2 trở đi cách ly tại nhà.
Nghệ An: Người về từ địa phương có dịch nhưng chưa giãn cách xã hội thì được tự theo dõi sức khỏe ở nhà. Người từng có mặt vào thời gian mà F0 đã đến ở các địa điểm do Bộ Y tế thông báo đều phải khai báo cho cơ quan y tế địa phương và được cách ly tập trung hoặc tại nhà theo quy định. Các trường hợp khác đều phải khai báo y tế.
Hà Tĩnh: Buộc cách ly 14 ngày đối với người về từ khu vực có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội; các địa điểm có bệnh nhân nhiễm Covid-19 từng đến và vùng bị phong tỏa như TP.Chí Linh (Hải Dương), sân bay quốc tế Vân Đồn, TT.Cái Rồng (H.Vân Đồn, Quảng Ninh), Trường đại học FPT tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) và các địa điểm khác được cập nhật thường xuyên theo thông báo của Bộ Y tế.
Quảng Trị: Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết đơn vị đã đăng tải công khai danh sách (trên trang Facebook chính thức của Sở Y tế) các địa điểm, địa phương mà người dân từ đó về Quảng Trị phải bị cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Danh sách này sẽ được tiếp tục cập nhật vì diễn biến dịch thay đổi liên tục...
Khuyến khích người dân hạn chế về quê dịp tết
Trao đổi với PV hôm qua, ông Nguyễn Hồng Lai, Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), cho biết TP.Tam Kỳ đã gửi công văn đến Ban Liên lạc Hội đồng hương Tam Kỳ tại các tỉnh, thành trong nước để vận động, khuyến cáo đồng hương hạn chế về quê dịp Tết Nguyên đán để phòng, chống nguy cơ lây nhiễm dịch. Tuy nhiên, nếu người dân về trong dịp tết thì TP.Tam Kỳ sẽ phân loại, trường hợp trở về từ những vùng dịch (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) thì sẽ cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà; trường hợp không thuộc diện cách ly thì khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thế nào gọi là “ổ dịch”, “vùng dịch”?
Bộ Y tế đã có hướng dẫn xác định ổ dịch, vùng dịch, tạo điều kiện để các địa phương có thể áp dụng các chế độ khai báo, cách ly y tế, đặc biệt trong bối cảnh người dân di chuyển về quê ăn tết hiện nay.
Theo hướng dẫn tại Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 7.8.2020, ổ dịch Covid-19 là một nơi (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị…) ghi nhận từ 1 ca bệnh xác định trở lên. Ổ dịch chấm dứt hoạt động khi không ghi nhận ca bệnh xác định mắc mới trong vòng 28 ngày, kể từ ngày ca bệnh xác định gần nhất được cách ly y tế. Sau khi có ổ dịch, dịch có thể diễn biến rất khác nhau ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Một số tỉnh, thành đã ghi nhận ca bệnh; một số tỉnh, thành phố khác chưa ghi nhận ca bệnh.
Dịch lây lan rộng trong cộng đồng là khi ghi nhận tổng số trên 50 ca bệnh xác định lây truyền thứ phát ở 2 huyện/quận/thành phố/thị xã trở lên trên địa bàn một tỉnh/thành phố trong vòng 14 ngày. Khi đó, địa phương cần duy trì việc phát hiện sớm các ổ dịch mới trong cộng đồng, xử lý triệt để ổ dịch mới, tiếp tục duy trì khống chế các ổ dịch cũ đang hoạt động, hạn chế tối đa dịch bùng phát lớn, lan tràn trong cộng đồng.
Theo một chuyên gia về dịch tễ, hiện chưa có văn bản quy định cụ thể, trong phạm vi/bán kính bao nhiêu mét, ki lô mét từ ổ dịch được coi là vùng dịch. Nhưng, hiện tại, vùng dịch sẽ tùy thuộc vào địa bàn có diễn biến liên quan ổ dịch; là nơi được yêu cầu thực hiện phong tỏa, cách ly trong 28 ngày, ngăn dịch lây lan rộng.
Liên Châu
|
Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh hôm qua chỉ đạo đối với các trường hợp từ vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh; các huyện: Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa, Phú Thiện, TP.Pleiku và các huyện phát sinh dịch tại Gia Lai, người dân phải đến trạm y tế gần nhất thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn việc thực hiện cách ly tại nhà trong thời gian 21 ngày. Đối với các trường hợp từ các địa phương có dịch còn lại (TP.Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh…), người dân phải đến trạm y tế gần nhất khai báo y tế và lịch trình di chuyển, tiếp xúc để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
H.Mê Linh (Hà Nội) lập chốt phong tỏa thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng), sau khi địa phương này ghi nhận ca nhiễm Covid-19. ẢNH: TRẦN CƯỜNG
|
Trước đó, ngày 3.2, UBND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ban hành công văn trong đó có nội dung yêu cầu “các trường hợp trở về địa phương từ các tỉnh, thành đã công bố dịch như: Hải Dương, Gia Lai, Bình Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, TP.HCM, Hải Phòng và các trường hợp đi về từ các tỉnh, thành khác có liên quan đến ca bệnh, liên quan đến vùng dịch thì buộc phải cách ly tại nhà 21 ngày”. Văn bản này đã gây xôn xao dư luận, sau đó địa phương đã phải điều chỉnh và có quy định như trên.
Tại Thừa Thiên-Huế, tất cả người dân đến (bao gồm cả người Thừa Thiên-Huế về lại địa phương) phải khai báo y tế theo quy định; các cơ quan, đơn vị và địa phương bắt buộc cài đặt Hue-S và triển khai giải pháp QR nhằm quản lý lịch trình di chuyển, truy vết người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh.
Trước thông tin những người sinh sống, làm việc ở TP.HCM về quê ăn tết sẽ phải cách ly, lãnh đạo các tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên khẳng định: Chỉ có người về từ vùng dịch, ổ dịch hoặc tiếp xúc gần ca nhiễm Covid-19 mới cách ly tập trung, hoặc cách ly tại nhà theo phương án phù hợp được áp dụng để phòng chống Covid-19. Với những người từ TP.HCM về, chỉ cần kiểm tra y tế, khai báo rõ ràng tại nơi mình cư trú.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết theo quy định của Chính phủ, những người về từ vùng dịch thì cách ly, còn người về ngoài các nơi đó ra (vùng dịch - PV) phải kiểm tra, khai báo y tế...
Người dân luôn cần tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K
Trước thực tế nhiều người sống tại Hà Nội, TP.HCM... có nhu cầu về quê ăn tết, nhưng đang băn khoăn về việc phải thực hiện cách ly 21 ngày khi về quê, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cấp cao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho hay việc cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 hiện bao gồm các hình thức sau: cách ly tại nhà, nơi cư trú theo Quyết định 879; tại cơ sở cách ly y tế tập trung theo Quyết định 878; tại khách sạn theo Quyết định 1246; cách ly y tế tại cơ sở khám chữa bệnh theo quyết định 151. Còn cách ly y tế vùng có dịch theo Quyết định 3986.
Cơ bản khống chế được dịch bệnh
Chiều 4.2, khi làm việc với tỉnh Gia Lai về phòng chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Ổ dịch ở Vân Đồn coi như đã dập xong. Ổ dịch TP.Chí Linh (Hải Dương) cơ bản kiểm soát rất tốt. TP.Đông Triều (Quảng Ninh) tiếp giáp TP.Chí Linh đã xin chủ trương, xét nghiệm diện rộng các đối tượng nguy cơ thì sẽ kiểm soát được. Tình hình dịch bệnh ở Hà Nội, đến giờ phút này cũng kiểm soát tốt, chiều nay có 1 ca nhiễm mới thuộc diện F1. Và với tình hình Gia Lai, có thể nói đến giờ phút này chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch bệnh”.
|
Theo ông Phu, hiện nay, Bộ Y tế đã có quy định, hướng dẫn cụ thể về các hình thức cách ly này. Chẳng hạn, việc cách ly tại nhà, nơi cư trú theo Quyết định 879. Theo đó, các đối tượng cách ly tại nhà, nơi lưu trú là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định (F2, F3); người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 hoặc hướng dẫn của Bộ Y tế theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh.
“Hiện tại, căn cứ vào tình hình dịch nên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chưa cấm việc đi lại giữa các tỉnh, thành, trừ những nơi đã phong tỏa; do đó, cũng chưa cấm việc người dân Hà Nội không ở trong vùng dịch đi các nơi. Điều đó đồng nghĩa, không phải cứ người ở Hà Nội đi về các địa phương là phải cách ly y tế (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) trong 21 ngày. Tương tự, người từ TP.HCM hay một số tỉnh có ghi nhận ca bệnh nhưng không nằm trong vùng dịch thì cũng chưa có yêu cầu phải cách ly khi về quê”, ông Phu nói.
“Người dân khi về quê ăn tết luôn cần tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện như: tránh tập trung đông người, không đến chỗ không cần thiết, đeo khẩu trang, khử khuẩn... vì nguy cơ dịch vẫn rất lớn, chứ không chỉ nguy cơ ở các ổ dịch, vùng dịch”, ông Phu nhấn mạnh.
Thanh Niên
Thanh niên
|