Thời tiết giá rét tại Texas châm ngòi cho cuộc khủng hoảng dầu toàn cầu
Khởi đầu là một vấn đề về mạng lưới điện ở một số bang Mỹ, nhưng nay mọi thứ đã dần dần biến thành một cú sốc lớn cho thị trường dầu toàn cầu.
Các cơ sở sản xuất tổng cộng hơn 4 triệu thùng dầu/ngày – gần 40% sản lượng dầu thô tại Mỹ - buộc phải tạm ngưng hoạt động, theo các trader và giám đốc ngành dầu. Một trong những trung tâm lọc dầu lớn nhất thế giới chứng kiến sản lượng giảm mạnh. Cùng với đó, các tuyến đường thủy giúp vận chuyển dầu của Mỹ đến phần còn lại của thế giới đã bị gián đoạn trong nhiều tuần.
“Thị trường đang đánh giá thấp thiệt hại về sản lượng dầu vì thời tiết khắc nhiệt tại Texas”, Ben Luckock, Trưởng bộ phận giao dịch dầu tại ông lớn hàng hóa Trafigura Group, cho hay.
Giá dầu Brent vượt 65 USD/thùng trong ngày 17/02 (giờ Mỹ), mức chưa từng thấy kể từ tháng 1/2020. Cách đây 10 tháng, giá dầu này đã rớt mốc 16 USD vì cú sốc cầu từ Covid-19.
Trong quá khứ, sự gián đoạn liên quan đến thời tiết phần lớn chỉ là vấn đề ở nước Mỹ, nhưng giờ thì nó đã trở thành vấn đề toàn cầu. Các thị trường dầu thô tại châu Âu cũng leo dốc khi các trader tìm nguồn thay thế lượng dầu xuất khẩu từ Mỹ. OPEC và các đồng minh phải quyết định về việc duy trì cắt giảm sản lượng trong bao lâu.
Thiệt hại lớn hơn dự kiến
Lúc đầu, các trader và công ty tư vấn dự báo hoạt động sản xuất dầu tại Mỹ chỉ bị tác động trong 2-3 ngày. Giờ thì tình hình trông có vẻ khó cải thiện quá đáng kể trước cuối tuần này.
Điều này có nghĩa nguồn cung dầu có thể giảm thêm trên toàn cầu. Citigroup cho biết họ kỳ vọng nguồn cung sẽ giảm tới 16 triệu thùng cho tới đầu tháng 3/2021. Thậm chí, một số trader đưa ra ước tính mất gần 32 triệu thùng. Phần lớn hoạt động sản xuất ở lưu vực Permian – trung tâm sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ ở Texas – đã bị tạm ngưng.
Kết quả là giá dầu tăng mạnh ở nhiều khu vực trên thế giới. Trong tuần qua, các thương nhân ở Biển Bắc ra sức mua trữ lượng dầu thô ở khu vực này để thay thế cho xuất khẩu dầu thô của Mỹ. Giữa lúc nguồn cung dầu thô của châu Âu trở nên đắt đỏ hơn, khách hàng châu Á đã bắt đầu tìm đến thị trường Trung Đông.
Dù đang ở đỉnh hơn 1 năm, nhưng hợp đồng dầu tương lai vẫn chưa tăng cao hơn vì công suất lọc dầu sụt giảm cũng nghiêm trọng không kém. Nhà máy lọc dầu lớn nhất tại Mỹ đã đóng cửa và ít nhất 3 triệu thùng dầu/ngày không được xử lý. Các trader đang gấp rút chuyển hàng triệu thùng dầu diesel qua Đại Tây Dương đến Mỹ - một cú huých tiềm năng cho ngành lọc dầu tại châu Âu.
Quyết định của OPEC trong tháng 4
Liên minh OPEC+ vẫn chưa quyết định kế hoạch sản lượng dầu cho tháng 4/2021, nhưng Ả-rập Xê-út đã gây bất ngờ cho thị trường dầu mỏ vào đầu năm nay khi quyết định giảm thêm 1 triệu thùng/ngày trong hai tháng 2 và 3/2021. Điều đó giúp Ả-rập Xê-út có thể có công suất dư thừa để chuẩn bị cho trường hợp nhu cầu dầu tăng mạnh.
"Thị trường bỗng trở nên biến động mạnh và khiến OPEC+ khó kiểm soát”, ông Gary Ross, từng là nhà tư vấn dầu kỳ cựu và sau đó trở thành nhà quản lý quỹ đầu cơ tại Black Gold Investors, đánh giá. “Thời tiết khắc nghiệt đang gây tác động không ngờ đến cán cân cung - cầu toàn cầu".
Tình hình vẫn rất khó đoán. Vào ngày thứ Sáu (19/02), nhiệt độ ở Midland - thủ phủ của lưu vực Permian – được dự báo sẽ tăng lên 45 độ F (7 độ C) và tiếp tục nhích lên 13 độ C một ngày 20/02, nhờ đó hoạt động sản xuất dầu thô có thể tái khởi động. Trong ngày 15/02, nhiệt độ tại Midland chạm mức -2 độ F (-19 độ C), thấp nhất trong hơn 30 năm.
Hiện tại, câu hỏi đặt ra là mất bao lâu thì sản lượng và các cơ sở khai thác dầu tại lưu vực Permian sẽ phục hồi hoàn toàn.
"Theo dữ liệu từ đợt băng giá trước đó tại lưu vực Permian, hoạt động sản xuất có thể phục hồi rất nhanh chóng”, Paul Horsnel, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Standard Chartered, cho biết. “Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu có thể chịu tác động trong thời gian dài hơn".
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|