Sau đại dịch, kinh tế Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ ''bật tăng''?
Thực hiện thành công mục tiêu kép giúp nền kinh tế Việt Nam trở thành điểm sáng hiếm hoi trên tấm bản đồ u ám của kinh tế thế giới năm 2020. Theo đó, nhiều tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ "bật tăng" sau đại dịch khi tăng trưởng "vọt" lên mức 6-7% và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Với mức tăng trưởng GDP năm 2020 ước tính là 2,91%, Việt Nam trở thành quốc gia hiếm hoi trong ASEAN đạt mức tăng trưởng dương và thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Với nền tảng phục hồi vững chắc và cách phòng chống dịch Covid-19 sáng tạo, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo ở mức khá cao.
BẬT LÊN SAU ĐẠI DỊCH
"Lạc quan" là cụm từ được Ngân hàng UOB đặc biệt nhấn mạnh trong ấn bản "Báo cáo Tăng trưởng kinh tế Việt Nam" phát hành đầu tháng I/2021. Sự phục hồi ngoài dự báo trong quý IV/2020 đã nâng mức dự báo của UOB đối với tăng trưởng GDP của năm 2021 lên 7,1%, cao hơn đáng kể so với chỉ tiêu tăng trưởng chính thức hiện tại là 6%.
"Tăng trưởng kinh tế quý IV/2020 lên mức 4,48% so với năm trước, vượt mức dự đoán trước đó của chúng tôi là 4%. Theo đó, mức tăng trưởng GDP 2,91% của cả năm 2020 cũng cao hơn con số dự đoán 2,7% và Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nền kinh tế trên toàn cầu đạt tăng trưởng dương trong năm khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới", UOB nhận định về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cũng giống UOB, trong báo cáo mới nhất về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, tổ chức tài chính Fitch Solutions đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 8,6%, cao hơn so với mức 8,2% trong báo cáo trước đây. Theo đó, kinh tế Việt Nam sẽ "bật mạnh" sau dịch trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn phục hồi với giả định vaccine đang được chuẩn bị triển khai trên toàn thế giới. Mức tăng trưởng kinh tế 2,6% vượt dự báo của Fitch Solutions cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tài chính này buộc phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của Việt Nam.
Không chỉ UOB hay Fitch Solutions, mà trước đó hàng loạt các tổ chức tài chính quốc tế uy tín khác như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... cũng đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Kết thúc đợt tham vấn trực tuyến từ 15/10 đến 13/11 với Việt Nam, bà Era Dabla Norris, Trưởng phái đoàn Điều IV Vụ châu Á – Thái Bình Dương của IMF cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với GDP đạt 6,5%, lạm phát ở mức 4%. Trong đó, sự thành công trong công tác kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như khả năng tận dụng tốt cơ hội ngoại thương là những nguyên nhân quan trọng hàng đầu giúp Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 cũng như các năm tới.
Tương tự, báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam do WB công bố tháng 12/2020 cho thấy, tăng trưởng kinh tế 2021 của Việt Nam vẫn ở mức cao với 6,8%. Trong khi đó, ADB cho rằng tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,1%.
Dù đưa ra những con số dự báo tăng trưởng khác nhau nhưng các tổ chức này cùng chung nhận định về những yếu tố đóng góp vào mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới. Đó là sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư thế giới, sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các chính sách tài khoá, tiền tệ được ban hành nhằm ứng phó với khủng hoảng...
NHỮNG YẾU TỐ HỖ TRỢ
Cụ thể, theo Fitch Solutions, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ giúp tăng cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ có tác động tích cực của các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA và RCEP, sản xuất công nghiệp và xây dựng, chiếm tỷ trọng 33,7% GDP vào năm 2020, sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2021.
"Trong bối cảnh Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong vài năm qua, chúng tôi nhận thấy khả năng tăng xuất khẩu Việt Nam rất lớn trong những năm tới", Fitch Solutions cho biết.
Cùng quan điểm, WB cho rằng các hoạt động chế biến và chế tạo sẽ khởi sắc hơn nữa khi nền kinh tế Hoa Kỳ và EU khôi phục, trở thành động lực gia tăng nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Quá trình hồi phục còn được tăng cường nhờ các hiệp định khu vực mới được thông qua và sự cộng hưởng dự kiến được hình thành giữa các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước.
Trong khi đó, UOB cho rằng mặc dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm 25% xuống mức 28,5 tỷ USD do hạn chế đi lại và tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục bơm thêm 6,4 tỷ USD vào các dự án FDI hiện tại, tương ứng với mức tăng 10,6% so với năm trước. Điều này hứa hẹn triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Đặc biệt, với việc giá trị thương hiệu quốc gia tăng 29%, mức tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á.
SỰ PHỤ THUỘC VÀO VACCINE
Mặc dù triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khá tích cực song những dự báo này đều gắn chặt với giả định "phụ thuộc rất nhiều vào việc khống chế dịch bệnh trên toàn cầu cũng như việc giới thiệu các vaccine trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với các đợt lây nhiễm nghiêm trọng hơn cũng như sự xuất hiện các chủng virus mới lây lan mạnh hơn".
Cụ thể, theo UOB, mặc dù Việt Nam đã đồng ý mua 30 triệu liều vaccine chống Covid-19 của hãng AstraZeneca, theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ y tế Trương Quốc Cường ngày 4/1, nhằm làm mạnh thêm năng lực quốc gia trong việc kiểm soát dịch bệnh ở trong nước, song Việt Nam cần khoảng thời gian nhất định để triển khai kế hoạch này do những hạn chế liên quan tới nguồn cung, khó khăn về vận chuyển, cũng như hạ tầng cơ sở ngành y tế ở trong nước.
TS. Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhận định nền kinh tế Việt Nam có khả năng được phục hồi, không có nghĩa là không bị tác động. "Với sự lây lan nhanh chóng của chủng virus mới và sự nghiêm trọng ở một số quốc gia, Covid-19 sẽ là vấn đề ưu tiên mang tính toàn cầu. Trong đó, vaccine chính là "liều thuốc" mạnh mẽ và hiệu quả nhất để từ đó góp phần giải quyết những nút thắt của nền kinh tế. Trong một nền kinh tế có độ mở như Việt Nam, khi thế giới tốt hơn thì nền kinh tế Việt Nam chắc chắn cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức đang chờ đón Việt Nam phía trước", ông Jacques cho biết.
Đó là Việt Nam vẫn gặp những vấn đề của một nền kinh tế có mô hình tăng trưởng dựa vào yếu tố đầu vào, chưa có sự tăng trưởng về chiều sâu. Đặc biệt là khi Việt Nam đang tập trung vào những chính sách để phản ứng đối với Covid-19, nguồn lực để có thể giải quyết những vấn đề khác sẽ bị giới hạn và trở nên khó khăn. Hơn thế nữa, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới đòi hỏi Việt Nam cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để tạo sức bật cho nền kinh tế. Không nên chủ quan vào thành tựu nhỏ, mà cần tập trung kích thích phát triển đồng bộ cả ba động lực tăng trưởng đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Vy Vy
VnEconomy
|