Những ‘xu hướng’ dẫn dắt thị trường bất động sản trong năm 2021
Thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng kiến những khó khăn trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm đã có sự hồi phục “thần tốc”, không chỉ trụ vững một cách ấn tượng mà còn phát triển khá tốt ở một số phân khúc. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi và sôi động trong năm 2021.
Ảnh: VGP/Thùy Chi
|
Giao dịch thành công 74.500 sản phẩm
Nhìn lại thị trường bất động sản năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản đã rơi vào trầm lắng ở nửa đầu năm và lấy lại đà phục hồi nhanh chóng từ quý III/2020. Nửa cuối năm 2020, đã có 74.500 sản phẩm giao dịch thành công, tương đương 50% giao dịch thành công của năm 2019.
Về sự dịch chuyển của thị trường, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội cho biết, năm 2020 đã chứng kiến rất nhiều thay đổi của thị trường bất động sản. Phân khúc bất động sản bán lẻ, nghỉ dưỡng, khách sạn chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19; văn phòng, đất nền, chung cư chịu ảnh hưởng nhẹ hơn. Trong khi đó, bất động sản công nghiệp là “điểm sáng” của thị trường trong thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài nhờ các hiệp định thương mại tự do và xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất trên thế giới.
Đáng chú ý, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, giá bất động sản trong năm 2020 tiếp tục tăng. Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), giá căn hộ cao cấp tăng khoảng 0,5%; căn hộ trung cấp tăng khoảng 2-3%; đất nền tăng 3-5%, cá biệt có trường hợp tăng đến 10%. Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến sự mất cân đối về cung-cầu bất động sản khi nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, trung bình và trung bình khá rất lớn nhưng nguồn cung hạn hẹp.
Đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản năm 2021, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản nói chung và tại Hà Nội nói riêng được kỳ vọng bùng nổ khi nhiều dự án mới sẽ được mở bán và nhà ở vẫn là nhu cầu thiết yếu. Đối với thị trường bất động sản nói chung, thị trường nhà ở luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng và có thể sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển hơn so với năm 2020. Trong khi đó, văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn sẽ khó khăn hơn.
Theo ông Khương, bất động sản công nghiệp tiếp tục là "điểm sáng" của thị trường, tuy nhiên, đây mới chỉ là thời điểm chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực gồm quỹ đất, cơ sở hạ tầng... để thu hút các nhà đầu tư khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đồng quan điểm với TS. Khương, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường bất động sản năm 2021 sẽ bền vững hơn năm 2020, vì kinh tế tăng trưởng ở mức tốt, lực cầu vẫn mạnh. Giá bất động sản năm 2021 có thể tăng trên 10% so với năm 2020.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, cho rằng, có một số “điểm cộng” thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển trong năm 2021. Điển hình, thị trường đã điều chỉnh nhanh nhạy theo tình hình dịch bệnh cũng như áp dụng công nghệ vào bán hàng. Bên cạnh đó, những luật sửa đổi bổ sung như: Luật Doanh nghiệp với nhiều điểm tinh giảm đáng kể; Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2021 với quy định về huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất nước ngoài trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn đã tạo ra cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam. Một “điểm cộng” nữa là giải ngân đầu tư công nhanh, đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước. Bên cạnh đó là vấn đề lãi suất, đây là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư.
Dự báo về những xu hướng dẫn dắt bất động sản trong năm 2021, các chuyên gia đến từ Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) cho rằng, các xu hướng trong năm nay sẽ duy trì phát triển hoặc biến đổi để phù hợp với nhu cầu hiện tại. Theo các chuyên gia đến từ JLL, có 5 xu hướng dẫn dắt thị trường bất động sản trong năm 2021.
Xu hướng thứ nhất là “đô thị trong đô thị” hay “bất động sản tích hợp” thường được dùng cho những dự án quy mô lớn. Thị trường bất động sản đang dần trưởng thành, người mua nhà ngày càng quan tâm hơn đến môi trường sống lành mạnh và bền vững để an cư hơn là một không gian để ở đơn thuần. Vì vậy, các nhà phát triển bắt đầu tìm cách thu hút người mua bằng việc kiến tạo những khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nhằm giúp cư dân tương lai tránh sự phiền toái bởi quá trình đô thị hóa nhanh và cơ sở hạ tầng công cộng tụt hậu.
Xu hướng thứ 2 được ghi nhận là những thử nghiệm làm việc từ xa tại văn phòng. Sự thay đổi này được tiến hành ở nhiều doanh nghiệp và “tăng tốc” do dịch COVID-19.
Thêm một xu hướng nữa là thương mại điện tử thúc đẩy ngành hậu cần và kho bãi, trở thành động lực lớn cho thị trường. Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Những năm gần đây, chuỗi cung ứng ngày càng tập trung phục vụ người tiêu dùng, tốc độ giao hàng là một trong những yếu tố chính trong quyết định mua hàng.
So với các hoạt động hậu cần truyền thống, thương mại điện tử sử dụng nhiều lao động hơn và đòi hỏi nhiều không gian kho bãi hơn gấp ba lần. Đó là một phần yếu tố thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu của các nhà đầu tư đối với bất động sản công nghiệp trên toàn thế giới.
Đáng chú ý, việc doanh nghiệp vẫn giữ hướng đi “xanh” và bền vững chính là xu hướng thứ 4 dẫn dắt thị trường bất động sản 2021. Theo phân tích, khi quỹ tài chính trở nên eo hẹp, các sáng kiến bảo vệ môi trường là một trong những phần đầu tiên bị gạch bỏ trong kế hoạch phát triển của nhiều công ty. Nhưng bất chấp những thời điểm khó khăn phía trước, các công ty và nhà đầu tư được kỳ vọng vẫn sẽ đưa ra những lựa chọn “xanh,” vì một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn ở phía trước.
Xu hướng thứ 5 được nhận diện chính là việc nhà đầu tư đang hướng về ngành y tế và chăm sóc sức khỏe. Vào năm 2021, sự quan tâm nhà đầu tư gia tăng đối với các lĩnh vực quan trọng trong cuộc khủng hoảng y tế. Các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế đã nhắm đến mảng hậu cần sức khỏe và y tế và họ đang cần nhiều kho lạnh có vị trí gần khách hàng hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cho các loại sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như vaccine, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm...
Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, khắc phục lệch pha cung-cầu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, trong năm 2021, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản; chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Đồng thời, thường xuyên bám sát tình hình thị trường, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, đặc biệt là tác động của dịch COVID-19 để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Thị trường bất động sản 2021 dự đoán có nhiều ‘điểm sáng’ nhờ Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Nghị định số 25 được ban hành tháng 2/2020 quy định giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường; Nghị định số 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền; Thông tư 21 của Bộ Xây dựng quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25 m2 bắt đầu có hiệu lực; Nghị quyết 164 tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản. Đặc biệt, khi nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021 với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, "thổi làn gió mới" vào thị trường bất động sản.
|
Thùy Chi
Báo Chính phủ
|