Thứ Sáu, 19/02/2021 11:00

Ngành hàng không 2020: “Đắp chiếu”, “dời”, “hủy chuyến”,… và thua lỗ

“Năm 2020 thật là thảm họa và chẳng còn cách nào khác để mô tả hết” là lời trần tình của Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac khi nói về ngành hàng không trong năm mà đại dịch Covid-19 làm khuynh đảo mọi thứ.

“Máy bay nằm đắp chiếu”, “hủy chuyến”, “dời chuyến”, “tạm ngừng hoạt động”…  là những cụm từ phổ biến nổi lên khi đề cập tới ngành hàng không toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Tận hưởng giai đoạn sôi động đầu năm chưa bao lâu, ngành hàng không bỗng va phải bức tường “Covid-19” vào ngày 23/01/2020. Những biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là đợt phong tỏa hồi cuối tháng 3, đã đẩy cả ngành hàng không vào tình thế ngặt nghèo.

Hàng loạt máy bay nằm đắp chiếu những ngày phong tỏa, người dân tránh xa sân bay (vốn là nơi giao thoa với nhiều cư dân nước ngoài), thị trường quốc tế bị đóng cửa và các dịch vụ đi kèm cũng giảm mạnh. Đó là những tác động dễ thấy nhất của đại dịch tới ngành hàng không trong đợt dịch bệnh đầu tiên.

Đầu tháng 5/2020 – thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tương đối tại Việt Nam, thị trường nội địa hoạt động trở lại nhưng thị trường quốc tế vẫn chưa thể mở cửa do tình hình dịch bệnh còn căng thẳng ở nước ngoài. Chưa kịp hoàn hồn thì dịch bệnh đợt hai ập đến vào tháng 7/2020 và ngành hàng không lại thêm một phen lao đao.

Kết quả là số chuyến bay khai thác đạt hơn 216 ngàn chuyến, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu là các chuyến  bay nội địa – vốn mang lại ít lợi nhuận hơn so với các chuyến bay quốc tế. Chỉ Bamboo Airways tăng số chuyến bay khai thác trong năm 2020.

Nguồn: Cục Thống kê hàng không Việt Nam.

Ngành hàng không lỗ hơn 8 ngàn tỷ đồng

Đại dịch Covid-19 ập đến và tung “cú đấm mạnh” vào lĩnh vực vận tải hàng không vốn gặp nhiều biến động, biên lợi nhuận thấp nhưng lại cần khoản đầu tư khổng lồ.

Thể hiện tác động khủng khiếp của dịch Covid-19 đến ngành hàng không là khoản lỗ ròng gần 11 ngàn tỷ đồng của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines trong năm 2020. Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet ghi nhận khoản lỗ 1,573 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế và các khoản thu khác, Vietjet vẫn lãi ròng 70 tỷ đồng trong năm 2020, nằm trong số ít các hãng hàng không vẫn có lãi.

Bóng đen ảm đạm cũng lan sang các công ty dịch vụ phi hàng không gắn liền tới sân bay, nhất là những công ty có nguồn thu lớn từ khách quốc tế. Chẳng hạn như trường hợp của CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) lỗ nặng 37 tỷ đồng trong năm 2020, trái ngược với mức lãi gần 24 tỷ đồng của cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh năm 2020 của các công ty hàng không

Đvt: Tỷ đồng

Trong khi đó, các ông lớn vận chuyển hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất (SCS) và sân bay Nội bài (NCT) chỉ bị tác động nhẹ, vì không như vận chuyển hành khách, hoạt động vận chuyển hàng hóa không cần sự tương tác trực tiếp giữa người với người quá nhiều. Trong năm 2020, lãi ròng của SCS tại sân bay Tân Sơn Nhất và NCT tại sân bay Nội Bài chỉ giảm tương ứng 8% và 7%.

"Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, vận chuyển hàng hóa trụ vững hơn so với vận chuyển hành khách. Với nhiều hãng hàng không, trong năm 2020, vận chuyển hàng hóa trở thành nguồn tạo doanh thu chính, mặc dù nhu cầu đã suy yếu", ông Alexandre de Juniac của IATA cho biết.

Khoản thu khác nâng đỡ một số doanh nghiệp

Khi mà những hoạt động gắn liền với sân bay bị đình trệ, những khoản phải thu bên ngoài lại trở thành nguồn thu chính cho một số doanh nghiệp.

Nguồn thu ngoài hoạt động cốt lõi

Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Với SASCO, nhờ nguồn thu tài chính dồi dào, ông lớn hãng dịch vụ hàng không tại sân bây Tân Sơn Nhất có lãi tới 149 tỷ đồng trong năm 2020. Tương tự, ACV ghi nhận doanh thu tài chính lên tới 2,220 tỷ đồng, phần lớn lãi đến từ  khoản tiền gửi ngân hàng hơn 33,000 tỷ đồng.

Còn ở trường hợp Vietjet, hãng hàng không chi phí thấp này bù đắp khoản thua lỗ của hoạt động kinh doanh cốt lõi bằng khoản doanh thu tài chính 1,033 tỷ đồng và lợi nhuận khác 2,519 tỷ đồng. Nhờ đó, Vietjet vẫn lãi ròng 70 tỷ đồng và là hãng hàng không hiếm hoi vẫn có lãi  trong năm Covid-19 thứ nhất. Ở phía hãng hàng không quốc gia, khoản doanh thu tài chính và thu nhập khác giúp Vietnam Airlines “chắn” bớt tác động khổng lồ của đại dịch Covid-19.

"Liều thuốc giảm đau" từ thị trường nội địa

Sự sôi động của thị trường nội địa vào những tháng cuối năm đã góp phần giúp hầu hết công ty trong ngành hàng không ghi nhận kết quả cải thiện đáng kể. Đáng chú ý nhất là hai hãng hàng không Vietnam AirlinesVietjet – những công ty bị tác động đầu tiên khi dịch bệnh ập đến – chứng kiến hoạt động kinh doanh cốt lõi có lãi trở lại trong quý 4/2020 sau 3 quý lỗ gộp liên tiếp.

 

Nguồn: VietstockFinance

“Virus biến chủng mới che mờ các dự báo năm 2021”

Về năm 2021, khối phân tích SSI Research nhận định bức tranh ngành hàng không sẽ cải thiện đáng kể khi thế giới bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 rộng rãi cho người dân. Nhóm phân tích này cho rằng thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là trọng tâm của các hãng hàng không trong năm 2021, do các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm. Thị trường quốc tế sẽ phục hồi thực sự từ năm 2022.

"Trong năm 2021, chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách", SSI Research cho hay.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những mối đe dọa có thể bẻ gãy đà hồi phục của ngành hàng không. Dịch bệnh Covid-19 vừa bùng phát trở lại với tâm chấn Hải Dương vào cuối tháng 1/2021. Tính từ ngày 28/01 tới nay, Việt Nam ghi nhận 329 ca nhiễm cộng đồng ở 10 tỉnh thành và đáng ngại hơn, nhiều ca được ghi nhận là đã nhiễm biến chủng mới của virus corona.

Đến nay, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) – vốn đại diện cho 290 hãng hàng không – vẫn dự báo lưu lượng hành khách hàng không trên thế giới trong năm 2021 tăng 50% so với năm 2020 vì các đợt tiêm vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu, nhưng cảnh báo rằng: “Việc xuất hiện biến chủng virus mới đã làm lu mờ những dự báo”.

Ngoài dịch bệnh, rủi ro với các hãng bay trong nước năm 2021 còn là giá dầu tăng. Với việc có thêm tân binh Vietravel Airlines, cạnh tranh trong nước ngày càng gay gắt và tình trạng thừa máy bay khiến giới hạn lợi suất tiềm năng cao hơn.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   TKU: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (08/02/2021)

>   Ngành xây dựng 2020: ‘Xây thành’ phòng thủ (19/02/2021)

>   KDM: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (08/02/2021)

>   PSW: Báo cáo quản trị công ty năm 2020 (08/02/2021)

>   SHE: Báo cáo quản trị công ty năm 2020 (08/02/2021)

>   POT: Nghị quyết Hội đồng quản trị (08/02/2021)

>   PVL: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (08/02/2021)

>   VIG: Báo cáo quản trị công ty năm 2020 (08/02/2021)

>   Thiếu vắng đơn hàng, ngành dệt may ‘bước hụt’ trong năm 2020 (18/02/2021)

>   S99: Nghị quyết số 05/2021/NQ-SCI-HĐQT về việc Thông qua việc đầu tư vào Công ty CP điện gió Hướng Linh 8 (08/02/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật