Năm ấn tượng của ngành thép
Nhiều công ty thép trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh bứt phá trong quý 4/2020, khép lại một năm thành công mà chỉ thời gian ngắn trước đây họ khó có thể tưởng tượng.
Sau giai đoạn đầu năm bị tác động tiêu cực bởi sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, ngành thép đã có sự trở lại bất ngờ, đồng thời cũng là một trong những ngành có sự hồi phục lan tỏa khắp các doanh nghiệp.
Tiêu thụ nội địa khởi sắc và tăng trưởng trở lại kể từ tháng 5 đối với cả thép xây dựng và thép dẹt thành phẩm như tôn mạ, ống thép. Cùng với đó, lượng xuất khẩu thép của các doanh nghiệp cũng phục hồi mạnh mẽ kể từ quý 2/2020. Xuất khẩu thép Việt hưởng lợi khi các trung tâm sản xuất thép lớn như EU, Mỹ, Ấn Độ hay Nhật Bản đều giảm sản lượng sản xuất.
Các doanh nghiệp cũng đồng loạt báo lãi lớn nhờ giá thép tăng mạnh trong nửa cuối 2020, khi nhu cầu thép thế giới phục hồi nhưng nguồn cung bị gián đoạn (cả thép và nguyên liệu thô). Giá thép tăng giúp cho không ít doanh nghiệp dù sụt giảm doanh thu nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng mạnh.
Tôn Hoa Sen xuất khẩu. Ảnh: HSG
|
Đối với ngành tôn mạ, khó doanh nghiệp nào trong tháng 6 có thể tưởng tượng giá thép cuộn cán nóng (HRC) - nguyên liệu chính để làm ra tôn mạ, ống thép - vươn đến ngưỡng 700 USD/tấn ngay trong năm 2020, nhất là khi giá HRC đã lặn sâu trong giai đoạn Covid-19 phủ bóng đen lên chuỗi cung ứng thép vào quý 1-2.
Các nhà sản xuất tôn lớn như Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) và Thép Nam Kim (HOSE: NKG) báo lãi tăng trưởng mạnh.
Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) tiếp tục xây chắc ngôi đầu ở mảng thép xây dựng với thị phần tăng lên mức 32.5% trong năm 2020. Dù đã là doanh nghiệp đa ngành hoạt động trong cả lĩnh vực bất động sản và nông nghiệp, thép vẫn là mảng kinh doanh chủ lực của Hòa Phát. Công ty đạt doanh thu thuần gần 91.3 ngàn tỷ đồng trong năm qua và lãi ròng kỷ lục 13.5 ngàn tỷ đồng.
Thép Việt Ý (HOSE: VIS) có lợi nhuận trở lại sau hai năm thua lỗ nặng nề. Quý 4/2020 cũng đánh dấu quý có lãi thứ ba liên tiếp của doanh nghiệp này.
Các công ty thương mại thép như Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) và Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) đồng loạt báo lãi lớn trong quý 4/2020 nhờ diễn biến thuận lợi của giá thép, qua đó kết thúc một năm thành công.
ĐẠI THẮNG
Doanh nghiệp thép đồng loạt báo lãi lớn
trong quý 4/2020 và cả năm
Đvt: Tỷ Đồng
|
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành thép nổi bật với các mức tăng giá ấn tượng. Nhà đầu tư có thể lãi bằng lần nếu nắm giữ cổ phiếu thép trong năm vừa qua, mặc kệ những biến động của thị trường dù là trước sự phức tạp của Covid-19 hay những rủi ro địa chính trị quốc tế như bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trong năm 2020, các cổ phiếu HPG (tăng 114%), HSG (193%), NKG (122%) dẫn đầu sóng tăng giá của ngành. Đà tăng cổ phiếu thép diễn ra mạnh mẽ và đồng loạt nhất vào giai đoạn cuối năm, trùng khoảng thời gian giá thép liên tục leo dốc.
PHI MÃ
Mức tăng giá một số cổ phiếu đầu ngành thép trong 2020
Nguồn: VietstockFinance
|
Năm vừa qua, doanh nghiệp thép đầu ngành cũng bắt đầu có những dịch chuyển trong định hướng phát triển.
Là đơn vị duy nhất trong ngành sở hữu mạng lưới phân phối hàng trăm điểm khắp cả nước, HSG lên kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm kinh doanh thông qua việc phát triển chuỗi bán lẻ vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home. Ông lớn này dự định tìm kiếm đối tác chiến lược để cùng bắt tay hiện thực hóa kế hoạch. Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2021 tổ chức giữa tháng 1, Chủ tịch HSG - ông Lê Phước Vũ cho biết tập đoàn này sẽ không còn đơn thuần là doanh nghiệp sản xuất. “… Vài năm tới nghĩ đến HSG là nghĩ đến hệ thống Hoa Sen Home”.
Hãng tôn đứng thứ ba về thị phần 2020 - NKG cho thấy họ sẽ tập trung hơn vào khâu phân phối ở khu vực phía Nam khi lên kế hoạch xây dựng kho tôn - nhà máy ống thép trong quý 1/2021 tại Bình Dương. Kế hoạch mở rộng ra miền Trung đã được hoãn lại trong thời gian này, nhà phân tích thuộc CTCK Rồng Việt (VDSC) dẫn lời Ban lãnh đạo NKG.
Trong khi đó, SMC muốn đi sâu hơn trong lĩnh vực gia công thép, trở thành đơn vị cung ứng cho các nhà sản xuất hoạt động tại Việt Nam. Trong một động thái đầu năm 2021, SMC cùng với Samsung C&T đã ký kết thành lập một liên doanh gia công thép với nhà máy dự kiến đặt tại KCN Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một nhà sản xuất thép lớn khu vực miền Nam là Pomina cũng đã khởi động lò cao 1 triệu tấn vào tháng 11/2020.
Thêm một năm sáng cửa?
Cho năm 2021, tăng trưởng nhu cầu trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp trong năm trước, Trung tâm Phân tích CTCK SSI (SSI Research) nhận định trong báo cáo ngành thép công bố giữa tháng 1/2021. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.
Bên cạnh đó, nhu cầu từ xuất khẩu được SSI Research đánh giá vẫn khá tích cực. Các nhà phân tích ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm 2021. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định hơn có khả năng dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn tại thị trường xuất khẩu.
Cùng chia sẻ chung góc nhìn sáng về triển vọng ngành thép Việt Nam 2021 với SSI Research có khối phân tích của các CTCK Mirae Asset (Mirae) và Chứng khoán Vietcombank (VCBS).
“Dự phóng sản lượng ngành thép Việt Nam năm 2021 tăng 15.7%, cao gấp ba lần dự phóng tăng trưởng sản lượng thế giới”, Mirae Asset cho biết. Trong khi đó, VCBS đánh giá nhu cầu thép trong nước sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ sự phục hồi của ngành bất động sản bên cạnh động lực từ đầu tư công.
Dù vậy, trong ngắn hạn trước mắt, điều cần lưu ý là giá thép các loại trên thị trường quốc tế đang trong chiều hướng giảm vào những ngày cuối tháng 1/2021, theo thông tin từ các hãng nghiên cứu ngành thép SteelOrbis và SteelMint.
Thừa Vân
FILI
|