Không doanh nghiệp dầu khí niêm yết nào lỗ năm 2020
Diễn biến của giá dầu thế giới và dịch Covid-19 thuận lợi hơn trong những tháng cuối năm 2020 đã giúp ngành dầu khí khởi sắc trở lại. Dẫu vậy, tình trạng hàng loạt doanh nghiệp suy yếu lợi nhuận so với 2019 là điều khó tránh khỏi.
Dữ liệu VietstockFinance cho thấy trong năm 2020 biến động vừa qua, 27 doanh nghiệp dầu khí niêm yết đã tạo ra khoảng 232.2 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần và 10.5 ngàn tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 24% và 42% so với 2019.
Đa phần các doanh nghiệp dầu khí đều “than khó” trong năm 2020, 19/27 doanh nghiệp báo lãi sụt giảm so với năm trước. Trong đó, có tới 7 doanh nghiệp suy yếu lợi nhuận hơn phân nửa, gồm: PMG, PSH, PLX, PIT, TDG, PVC và TMC.
Điển hình như Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) đem về gần 124 ngàn tỷ đồng doanh thu và 970 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt sụt giảm 35% và 77% so với 2019. Nhìn lại năm vừa qua, doanh nghiệp chỉ ra các yếu tố bất lợi chính là diễn biến giá dầu thấp kỷ lục, đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ đánh vào các tỉnh miền Trung…
Nhớ lại trong quý 1, ông lớn lĩnh vực xăng dầu đã phải trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị lớn dẫn tới con số lỗ lịch sử gần 1,900 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2020, PLX đang nắm lượng hàng tồn kho 9.4 ngàn tỷ đồng, giảm 20% so với hồi đầu năm.
Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (Timexco, HNX: TMC) cũng ghi nhận mức sụt giảm lãi ròng lớn trong năm 2020. Cụ thể, lãi ròng cả năm 2020 của TMC đi lùi 58% so với năm 2019, chỉ còn gần 8 tỷ đồng. Điều này chủ yếu bởi con số thua lỗ 3.3 tỷ đồng trong giai đoạn nửa đầu năm. TMC cho biết do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã làm giá xăng dầu trên giới cũng như Việt Nam giai đoạn này biến động nhiều (8 lần giảm giá và 4 lần tăng giá xăng dầu).
Nắm tỷ lệ “hao hụt” lợi nhuận nhiều nhất năm vừa qua là Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (HOSE: PMG). Doanh thu và lãi ròng 2020 của PMG lần lượt sụt giảm 10% và 90% so với năm trước, về mức 1,225 tỷ đồng và 6.2 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp dầu khí niêm yết báo lãi sụt giảm trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Dù vậy, vẫn có những gam màu sáng trong bức tranh chung của ngành dầu khí. Thống kê cho thấy có 6 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng trong năm 2020, dẫn đầu bởi PVG, PVB và ABS.
Có mức tăng lợi nhuận nhiều nhất là Kinh doanh LPG Việt Nam (HNX: PVG) với 147%, lãi ròng năm 2020 đạt hơn 500 triệu đồng. Dù vậy kết quả đi lên của PVG chủ yếu nhờ khoản lãi khác 6.4 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính vừa công bố, Công ty không thuyết minh rõ khoản lợi nhuận này đến từ đâu.
Ở một trường hợp khác là Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating, HNX: PVB). Dù thua lỗ cả 2 quý cuối năm, song, nhờ kết quả quý 1 và quý 2 khả quan, PVB vẫn báo lãi ròng lũy kế gần 61 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2019.
Kết quả kinh doanh của PVB từ quý 1/2019-quý 4/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Theo PVB cho biết, năm 2020 Công ty đã hoàn thành thi công bọc ống cho 2 dự án Nam Côn Sơn 2 - Điều chỉnh và Sao vàng - Đại Nguyệt. Bên cạnh đó, PVB cũng đã thi công các gói thầu sơn chống ăn mòn ống cọc cho Nippon Steel; bọc Bend cho Thanglong Technical, bọc Field joint cho Thiennam Offshore, sơn bồn khí LPG cho Công ty LPG,…
Không có doanh nghiệp dầu khí niêm yết nào lỗ năm 2020
|
Điều đáng mừng là không có bất cứ doanh nghiệp dầu khí niêm yết nào thua lỗ trong năm 2020. Không những vậy, có 2 doanh nghiệp còn chuyển từ lỗ năm trước sang lãi năm nay là PCG và PXS.
Doanh thu gấp 2.8 lần năm 2019 chính là động lực cho cuộc lột xác của Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (HOSE: PXS). Theo đó, PXS đem về 2.7 tỷ đồng lãi ròng trong 2020, khác biệt hẳn so với con số lỗ tới gần 270 tỷ đồng năm trước.
Những doanh nghiệp dầu khí niêm yết tăng trưởng lãi/chuyển lỗ thành lãi trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Giá dầu thế giới dự báo sẽ hồi phục trong 2021
Năm 2021, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu sẽ hồi phục lên mức 97.1 triệu thùng/ngày, tương đương với thời điểm năm 2016, chủ yếu do tác động kéo dài của dịch Covid-19 đối với ngành hàng không.
Trong khi đó về phía nguồn cung, các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã quyết định tăng sản lượng ở mức khiêm tốn là 500,000 thùng/ngày từ tháng 01/2021 thay vì mức dự kiến trước đó là 2 triệu thùng/ngày. Điều này cho thấy OPEC+ nổ lực điều tiết thị trường để hỗ trợ cho sự hồi phục bền vững của giá dầu.
Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2021 sẽ nằm trong khoảng 48-50 USD/thùng, cao hơn khoảng 13-15% so với 2020. Dự báo này kèm với giả định nguồn cung hồi phục với tốc độ nhanh hơn kể từ nửa sau năm 2021 khi các hạn chế di chuyển do Covid được nới lỏng và những lô vaccine đầu tiên được sử dụng rộng rãi.
|
Duy Na
FILI
|