Thứ Hai, 01/02/2021 16:11

Hàng triệu lao động Trung Quốc mất Tết vì dịch Covid-19

Các lệnh hạn chế di chuyển để ngăn chặn dịch Covid-19 tái bùng phát khiến hàng triệu người lao động ở Trung Quốc mắc kẹt lại thành phố khi Tết Nguyên đán gần kề.

Kiểm soát sớm đại dịch, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng kinh tế dương trong năm ngoái khi phần còn lại của thế giới đang đối mặt với suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi mùa đông lạnh giá làm nguy cơ tái bùng phát dịch tăng lên, Trung Quốc tiếp tục đau đầu đối phó đại dịch với những tổn thất kinh tế thấy rõ.

Theo Bloomberg, những nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn đại dịch Covid-19 tái bùng phát gần đây của Trung Quốc đã làm suy yếu quá trình phục hồi kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Tết âm lịch, một trong những kỳ nghỉ quan trọng của các quốc gia châu Á trong năm, đang đến gần.

Chỉ vài tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lệnh hạn chế đi lại ở khu vực các tỉnh và thành phố phía Bắc Trung Quốc nhằm kiềm chế dịch bệnh đã khiến ngành du lịch và di chuyển điêu đứng. Hàng triệu người Trung Quốc không thể về quê ăn Tết vì các lệnh hạn chế này. Dữ liệu kinh tế chính thức trong tháng 1/2021 cũng cho thấy hoạt động kinh tế chậm lại, với mảng dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Mắc kẹt lại thành phố

Trong khi đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy chỉ số quản lý mua hàng trong mảng sản xuất (PMI) giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống còn 51,3, trong khi chỉ số phi sản xuất giảm từ 55,7 trong tháng 12 năm ngoái xuống 52,4. Một cuộc khảo sát trong ngành sản xuất khác công bố gần đây cũng báo hiệu tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Các chỉ số tăng trưởng giảm xuống 51,5 ,thấp hơn so với dự kiến của các nhà kinh tế.

Hàng triệu lao động Trung Quốc mất Tết vì dịch Covid-19 ảnh 1
Lệnh hạn chế đi lại khiến các hoạt động kinh tế đột ngột giảm. Ảnh: Cục Thống kế Quốc gia Trung Quốc.

Thông thường, các hoạt động kinh tế thường chậm lại trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khoảng một tuần do người dân tất bật đón Tết. Tuy nhiên, điều kiện đi lại bị hạn chế trong năm nay là một vấn đề phức tạp. Các chuyên gia kinh tế dự báo chi tiêu cho du lịch, tiệc tùng và quà tặng có thể giảm trong dịp Tết.

Ngược lại, sản lượng công nghiệp một số ngành có thể tăng lên do vài công ty tập trung tăng ca làm việc trong suốt kỳ nghỉ lễ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Ông Chang Shu, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Economics, cho biết: "Nền kinh tế Trung Quốc tuy mở rộng quy mô vào tháng 1 nhưng đã giảm tốc độ đột ngột. Trong đó, ngành dịch vụ giảm tốc mạnh hơn sản xuất. Điều này cho thấy tác động nặng nề của tình hình dịch bệnh tái bùng phát khiến người dùng khó chi tiêu hơn".

Hơn nữa, những hạn chế đi lại của chính phủ Trung Quốc trong năm nay có thể thay đổi hoàn toàn Tết của hàng triệu người lao động nước này. Hàng năm, số liệu ghi nhận có khoảng 1,7 tỷ chuyến đi của hàng triệu người lao động Trung Quốc đi từ các thành phố về quê trong dịp Tết Nguyên đán.

Trước đó hồi tháng 1, một quan chức của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết kỳ nghỉ năm nay có thể giảm khoảng 40% lượng chuyến đi so với năm 2019, tuy nhiên dữ liệu thực tế cho đến nay tiết lộ mức giảm có thể lớn hơn nhiều. Theo số liệu chính thức, chỉ có khoảng 17,3 triệu lượt di chuyển trong ngày 30/1, giảm hơn 75% so với cùng kỳ các năm 2019 và 2020.

Chưa phải lúc thích hợp để siết chặt thanh khoản

Trong khi đó, nhóm chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs nhận thấy một sự suy giảm đáng chú ý trong các dịch vụ ăn uống, lưu trú, giải trí và vận chuyển trong dịp Tết năm nay. Đồng thời, chỉ số phụ về việc làm cũng giảm do các hạn chế đi lại và người lao động về quê sớm hơn bình thường bởi các yêu cầu về cách ly.

Ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng tại Nomura Holdings Inc. ước tính các biện pháp ngăn chặn Covid-19 có thể cắt giảm khoảng 1 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I/2021 do lực cản từ mảng dịch vụ.

Hàng triệu lao động Trung Quốc mất Tết vì dịch Covid-19 ảnh 2
Lượng người Trung Quốc đi lại trong dịp gần Tết năm nay giảm mạnh so với hai năm trước. Ảnh: Bloomberg.

Bên cạnh ngành dịch vụ ảm đạm, sức bật của khu vực công nghiệp Trung Quốc vẫn duy trì ở mức độ khả quan. Sự phục hồi của ngành được thúc đẩy bởi sự bùng nổ nhu cầu xuất khẩu các loại hàng hóa y tế và điện tử. Lĩnh vực sản xuất cũng tiếp tục mở rộng, mặc dù với tốc độ chậm hơn.

Những con số dù nhỏ cũng thắp lên hy vọng cho thị trường tài chính đang bị rung chuyển dữ dội bởi cuộc khủng hoảng tiền mặt và lo ngại về các biện pháp thắt chặt tín dụng của chính phủ. Trước nỗi lo của giới đầu tư, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm một khối tiền lớn vào hệ thống tài chính trong tuần này nhằm tránh tình trạng siết chặt thanh khoản có thể làm giảm tỷ giá thị trường tiền tệ trong ngắn hạn.

"Thị trường lo lắng về sự thay đổi trong lập trường chính sách Bắc Kinh", ông Lu Ting viết trong một ghi chú. "Chỉ số PMI kém có thể thuyết phục các nhà quản lý rằng hiện tại chưa phải là lúc thích hợp để tiến hành thay đổi chính sách, đồng thời cũng phần nào xoa dịu những lo lắng của thị trường", ông nói thêm.

Bùi Ngọc

ZING

Các tin tức khác

>   “Bí mật” lợi nhuận của Tesla: Mảng kinh doanh "béo bở" nhất không phải là bán xe (01/02/2021)

>   Trung Quốc: Hoạt động sản xuất giảm do làn sóng mới của COVID-19 (01/02/2021)

>   Kịch bản vaccine không thể đẩy lùi Covid-19 (01/02/2021)

>   Lý do bong bóng bất động sản Trung Quốc chưa vỡ (31/01/2021)

>   Fauci nói các biến chủng nCoV là 'lời cảnh tỉnh' với Mỹ (30/01/2021)

>   Xiaomi kiện chính phủ Mỹ (30/01/2021)

>   Hơn một nửa số phi công thế giới mất việc vì dịch Covid-19 (30/01/2021)

>   Doanh thu Alibaba có thể tăng chậm nhất 5 năm (29/01/2021)

>   COVID-19 'thổi bay' 1.300 tỷ USD doanh thu của ngành du lịch toàn cầu (29/01/2021)

>   Mỹ phát triển vaccine đối phó biến chủng nCoV mới (29/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật