Đầu tư vào quỹ ETF: Liều thuốc cho cơn đau đầu của nhà đầu tư tay mơ
Dù bán ròng cổ phiếu Việt trong năm 2020, nhưng khối ngoại vẫn để mắt tới một sản phẩm chứng khoán vừa trỗi dậy mạnh mẽ trong năm qua. Đó là ETF VFMVN Diamond, một quỹ mô phỏng danh mục của chỉ số cổ phiếu kín room ngoại.
Hơn ngàn tỷ đồng từ các quỹ PYN Elite Fund của Phần Lan cho tới CBTC Vietnam Equity của Đài Loan đã chảy vào ETF VFMVN Diamond. Dù chỉ mới thành lập vào tháng 5/2020, quỹ ETF non trẻ này chứng kiến quy mô tăng trưởng thần tốc từ 100 tỷ đồng lên hơn 6,600 tỷ đồng vào cuối tháng 1/2021. Những con số ấn tượng này đưa VFMVN Diamond trở thành sản phẩm được niêm yết tại HOSE xếp thứ hai về lượng mua ròng của khối ngoại (chỉ sau cổ phiếu VHM).
Các quỹ ETF nội khác như ETF VFMVN 30 và ETF SSIAM VNFIN LEAD cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong năm 2020. ETF của SSI theo dòng tài chính là quỹ được khối ngoại mua ròng trên ngàn tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2021 và nằm trong top 5 mua ròng trên sàn HOSE.
Với tất cả những thành tích ấn tượng đó của các ETF, phần lớn nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn chưa mấy “mặn mà” với các quỹ đầu tư thụ động như ETF và chủ yếu ưa thích việc tự mình giao dịch trên sàn. Nhiều trong số này là những nhà đầu tư “chân ướt chân ráo”, họ dấn thân vào thị trường chứng khoán khi kênh tiền gửi không còn hấp dẫn vì lãi suất giảm mạnh, hoặc có thể là được nghe về những khoản lời béo bở dễ dàng.
Trong khi đó, ở các thị trường tài chính phát triển, ETF là sản phẩm đầu tư được ưa chuộng. Không ít nhà đầu tư nổi tiếng cũng khuyên nhà đầu tư cá nhân nên bỏ tiền vào ETF thay vì nghĩ rằng mình có thể đơn giản trở thành chiến thắng trên TTCK.
Huyền thoại đầu tư Warren Buffett thường khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân rót vốn vào quỹ ETF vì theo ông, “không phải ai cũng có khả năng lựa chọn từng cổ phiếu riêng lẻ”.
Nhưng làm thế nào để nhóm nhà đầu tư tay mơ có thể đầu tư vào quỹ ETF?
Quỹ ETF là gì?
Ra đời tại Mỹ từ năm 1993, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) là một loại quỹ mở cố gắng mô phỏng theo danh mục của một chỉ số cụ thể. Chẳng hạn, quỹ SPDR S&P 500 ETF mô phỏng danh mục của S&P 500, nếu S&P 500 tăng 1% trong phiên thì tài sản của SPDR S&P 500 ETF cũng tăng 1%.
Đặc điểm quan trọng của các quỹ ETF là nắm bắt tỷ suất sinh lợi của thị trường, các quỹ này không cố gắng đánh bại thị trường và chi phí vận hành quỹ thấp.
Lợi ích của đầu tư vào ETF?
Bước chân vào thị trường chứng khoán, bạn sẽ có tới hàng trăm sự lựa chọn về cổ phiếu. Tuy nhiên, cái khó ở đây là làm sao để lựa chọn được những cổ phiếu tốt khi kinh nghiệm, kỹ năng đều hạn chế và chưa kiểm soát được cảm xúc của bản thân trước những pha “nhảy múa” của thị trường.
Thay vì chăm chăm nhìn bảng điện và cố gắng chọn cổ phiếu một cách may rủi, bạn vẫn có thể dễ dàng tận dụng đà tăng trên thị trường chứng khoán bằng cách đầu tư vào quỹ ETF.
“Cái chính ở đây là bạn không phải lựa chọn cổ phiếu”, huyền thoại Warren Buffett lý giải.
Đầu tư vào ETF, bạn sẽ sở hữu một danh mục cổ phiếu có mức độ đa dạng hóa cao, cho phép bạn tận dụng thành công của các tập đoàn lớn mà không phải chịu rủi ro liên quan tới việc mua từng cổ phiếu riêng lẻ.
Ngoài ra, quỹ ETF cũng tính chi phí quản lý thấp, tại Việt Nam mức phí này chỉ dao động 0.6-0.8% NAV (giá trị tài sản ròng).
“Chi phí thực sự quan trọng trong đầu tư. Nếu tỷ suất sinh lợi của bạn là 7-8% và phải trả 1% tiền phí, điều này sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn về lượng tiền bạn sẽ có được khi nghỉ hưu”, ông Buffett lý giải.
Trong cuốn sách về quản lý tài chính cá nhân “Unshakeable”, ông Tony Robbins nhận định quỹ chỉ số giúp loại bỏ những sai lầm của con người và do đó cũng loại bỏ rủi ro đi kèm với việc cố gắng chọn lựa cổ phiếu.
“Khi sở hữu một quỹ chỉ số, bạn cũng được bảo vệ trước toàn bộ quyết định hết sức ngu ngốc, sai lầm nhỏ hoặc chỉ đơn thuần là không may mắn mà các nhà quản lý quỹ chủ động thường thực hiện”, ông chia sẻ.
Nhờ quỹ ETF, nhà đầu tư sẽ dễ dàng có tỷ suất sinh lợi ngang với thị trường (hoặc chỉ số tham chiếu) mà không cần phải mất quá nhiều công sức. Tại Mỹ, dữ liệu quá khứ cho thấy: Tỷ suất sinh lợi trung bình của việc đầu tư vào quỹ chỉ số S&P 500 trong 90 năm qua ở mức 10%/năm (trước khi điều chỉnh lạm phát).
Việt Nam có những quỹ ETF nào?
Hiện tại, Việt Nam đã thành lập 7 quỹ ETF nội, trong đó một số quỹ dựa trên chỉ số vốn hóa thị trường (VN30 hay VN100) và một số khác nhắm tới một nhóm cổ phiếu cụ thể như các chỉ số VN Diamond, VNFIN Lead và VNFIN Select.
Hãy thử xét tới việc đầu tư vào quỹ ETF VFMVN30 – quỹ ETF đầu tiên tại Việt Nam được thành lập từ năm 2014.
Tính từ lúc thành lập cho tới cuối năm 2020, ETF VFMVN30 đạt hiệu suất 79.6%, tức trung bình 13.2%/năm - cao hơn nhiều so với bỏ tiền vào ngân hàng. Nói cách khác, nếu nhà đầu tư bỏ 100 triệu đồng vào quỹ này thì sau 6 năm, họ sẽ thu về 179.6 triệu đồng mà không cần phải nhìn bảng điện và liên tục mua bán – một điều mà thực tế chứng minh là phần lớn nhà đầu tư thua lỗ sau khi tham gia vào thị trường chừng ấy thời gian (chỉ số ít có lời) và còn tốn nhiều phí giao dịch.
Xét trong một năm 2020 đầy biến động, 3 quỹ có hiệu suất tốt nhất là ETF VFMVN Diamond đạt hiệu suất lên tới gần 70%, kế đó là quỹ ETF SSIAM VNFind Lead (33.5%) và ETF SSIAM VN30 (30%), trong khi VN-Index chỉ tăng 14.87%. Tuy nhiên, lưu ý rằng các quỹ này đều được thành lập trong khoảng thời gian thị trường bắt đầu hồi phục và chưa được thử thách bởi đà giảm mạnh nào.
Lưu ý rằng ETF SSIAM VNFIN LEAD niêm yết lên từ tháng 3/2020, quỹ ETF VFMVN Diamond từ tháng 5/2020, ETF Vinacapital VN100 từ tháng 7/2020, ETF SSIAM VN30 từ tháng 8/2020.
|
Nhìn vào kết quả trên, ETF có thể được xem là một cửa sáng dành cho những nhà đầu tư tay mơ trên thị trường khi vừa giải quyết vấn đề lựa chọn cổ phiếu vừa mang lại đạt tỷ suất sinh lợi ngang thị trường.
Đầu tư vốn dĩ không phải chuyện dễ dàng và sẽ càng khó khăn hơn khi bạn muốn đánh bại thị trường – thứ mà chỉ một số ít nhà đầu tư làm được và là phần thưởng xứng đáng cho những người bỏ nhiều nỗ lực cho nghiên cứu và nghiền ngẫm. Đừng cố đánh bại thị trường nếu bạn không có kỹ năng và thời gian, thay vào đó hãy đầu tư vào ETF. Ít nhất, bạn vẫn có tỷ suất sinh lợi ngang thị trường và vẫn thảnh thơi để làm công việc của chính mình.
Vũ Hạo
FILI
|