Dầu giảm nhẹ nhưng vẫn dao động gần mức đỉnh hơn 1 năm
Giá dầu giảm nhẹ vào ngày thứ Ba (23/02) nhưng vẫn dao động gần mức cao nhất trong hơn 1 năm, nhờ những dấu hiệu cho thấy các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 trên toàn cầu đang được nới lỏng mặc dù lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế Mỹ đã kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tiến 18 xu (tương đương 0.28%) lên 65.42 USD/thùng, nhưng vẫn gần mức cao nhất kể từ tháng 01/2020. Trong khi, hợp đồng dầu WTI hạ 3 xu xuống 61.67 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng này đều tăng hơn 1 USD vào đầu phiên trước khi đảo chiều.
“Thông tin về vắc-xin ngừa Covid-19 đang hỗ trợ dầu, vì có khả năng loại bỏ các hạn chế về đi lại trong những tháng tới sau khi vắc-xin được triển khai sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu và phục hồi giá”, chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS Oil chia sẻ.
Tuy nhiên, làm giảm bớt tâm lý lạc quan trên thị trường, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết đà phục hồi kinh tế Mỹ vẫn “không đồng đều và còn lâu mới hoàn thành”, và có thể “sẽ mất một thời gian nữa” trước khi Fed xem xét thay đổi chính sách đã áp dụng để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trở lại trạng thái toàn dụng.
Chuyên gia phân tích Eugen Weinberg của Commerzbank cho biết đà tăng gần đây của giá dầu được thúc đẩy bởi những dự báo giá lạc quan từ các nhà môi giới Mỹ.
Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ đạt 70 USD/thùng trong quý 2/2021 so với dự báo trước đó là 60 USD/thùng, và tăng từ 65 USD/thùng lên 75 USD/thùng trong quý 3/2021.
Bank of America cho biết giá dầu Brent có thể tạm thời vọt lên 70 USD/thùng trong quý 2/2021.
Tại Mỹ, giao thông tại kênh tàu Houston đang dần trở lại bình thường sau cơn bão tuyết hồi tuần trước, mặc dù sản lượng được dự báo sẽ không thể sớm tái khởi động hoàn toàn.
Một số nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ dự báo sản lượng dầu sẽ thấp hơn trong quý đầu tiên.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|