Cuộc trò chuyện của Trâu và Bò
Bò: Trâu thân mến, xin chúc mừng anh! Trâu: Bò ơi, mừng cái gì thế? Bò: Vì năm nay là năm của anh. Cả thế giới ngưỡng mộ anh, nhớ ơn anh, yêu quý anh!
Trâu: Tôi không tin.
Bò: Sao lại không tin?
Trâu: Vì đã bao nhiêu năm nay, tôi bị nhiều bất công quá.
Bò: Ô lạ thế? Bất công do ai hở anh?
Trâu: Còn do ai nữa? Do Bò!
Bò: Ơ, sao lại do em hả anh?
Trâu: Đúng là như vậy đấy. Hàng thế kỷ nay, thiên hạ cứ nói “Ngu như Bò”. Thật ra sai bét. Bò khôn và gian manh ấy chứ.
Bò: Anh nói quá rồi. Em khôn ở chỗ nào?
Trâu: Đầu tiên, Bò sinh ra đã bắt chước Trâu, cũng có sừng, cũng có bốn chân, cũng ăn cỏ và cũng kéo cày.
Bò: Dạ.
Trâu: Nhưng Bò ranh ma, lại có bộ da lông vàng. Màu vàng của Bò luôn dịu mắt hơn màu đen, trắng của Trâu. Bò lại có khuôn mặt ngơ ngác và đôi mắt ướt hay chớp chớp.
Bò: Gớm, anh làm như em giả nai vậy?
Trâu: Bò giả nai hay không chưa biết, nhưng đã bao năm Trâu bị giả Bò.
Bò: Ui cha, thiệt hả anh?
Trâu: Thật! Chẳng hạn, theo những nguồn tin đáng thương, đáng tin cậy và đáng sửng sốt, thì hơn bảy mươi phần trăm thịt bò bày bán ở chợ thật ra là thịt trâu!
Bò: Hic, thịt trâu?
Trâu: Đúng thế. Chưa kể da trâu, xương trâu, gân trâu và cả đuôi trâu cũng bị mạo danh là bò tuốt!
Bò: Nghĩa là bao nhiêu năm nay, Trâu âm thầm, Trâu dũng cảm hy sinh để cho Bò hưởng lợi?
Trâu: Chính xác! Thậm chí, nhiều người còn thì thầm rằng, khéo cả sữa bò thiên hạ vẫn uống và ca ngợi đó hóa ra là sữa trâu nốt!
Bò: Trời ơi, anh đổ oan cho em!
Trâu: Oan ư? Vậy xin hỏi câu này: tại sao cứ về làng quê là ta thấy trâu đi từng đàn, nhưng trâu hy sinh lúc nào các bạn trâu không ai biết. Đó là do giây phút cuối đời, Trâu đã bị biến thành Bò hết sạch.
Bò: Nghĩa là bao nhiêu năm nay, anh là kẻ cống hiến, còn em chỉ là kẻ hưởng lợi?
Trâu: Rõ ràng đó là một chân lý mà đến lúc này cần làm sáng tỏ đấy.
Bò: Anh ơi, do đâu mà thành ra như thế hả anh?
Trâu: Đầu tiên do loài người. Họ ham đẹp hình thức. Họ thấy Bò vàng tơ óng ánh, họ ham.
Bò: Ham vàng tơ óng ánh thì có gì là sai nào?
Trâu: Sai chứ! Khi thiên hạ để con mắt lấn át tâm trí. Cho nên tôi vừa đau xót vừa buồn cười khi thấy nhiều ông bà ngồi trong nhà hàng sành điệu xơi món bít tết Bò nhưng thật ra là bít tết Trâu!
Bò: Ơ…
Trâu: Rồi phở tái bò đa số là phở tái trâu, rồi giò bò đích thực là giò trâu. Chưa kể, một số trường hợp hóa ra là... Ngựa!
Bò: Ngựa?
Trâu: Ừ, Ngựa cũng nhiều khi bị hy sinh thay Bò.
Bò: Trời ơi, nghe anh nói cứ như em là kẻ gian ác vậy!
Trâu: Bò không gian ác. Tôi xin tuyên bố, Bò chỉ làm ra điệu ngơ ngác nhưng lại… ranh ma. Lỗi đích thực thuộc về con người. Họ cứ thích tỏ ra sành điệu, đẳng cấp, tinh tế trong khi còn chưa phân biệt được Trâu và Bò!
Bò: Đây là bi kịch của ai, thưa anh?
Trâu: Bi kịch của thời đại! Loài người còn lâu mới hoàn thiện như họ tưởng. Tuy họ đã sáng tạo ra văn học, điện ảnh, sân khấu, hội họa… nhưng đôi lúc họ “đàn gảy tai Trâu” mà cứ tưởng tai Bò!
Bò: Anh Trâu à, nghe anh nói, em cũng công nhận anh quá chịu thiệt thòi. Nhưng suy cho cùng, cũng do tính cách anh cả đấy.
Trâu: Tính cách thì liên quan gì ở đây?
Bò: Liên quan chứ anh. Anh cần cù hơn em, kéo cày nhiều hơn em, nhưng nghênh ngang hơn em đó! Anh kiêu kỳ, dáng vẻ ngông nghênh với đôi sừng trâu cong vút sắc lẻm như thế, cho nên bị xã hội không ưa thì phải.
Trâu: Ừ, có vẻ thế nhỉ.
Bò: Mắt anh rực lửa, thân hình anh lực lưỡng, da anh căng bóng, dày dặn chứ không mềm mại như em. Anh thấy đấy, da em chỉ làm giày hay thắt lưng, còn da anh làm trống đánh kêu vang lên được. Sừng của em chỉ làm hình mô phỏng cho “bánh sừng bò”, còn sừng anh làm được cả tù và để thổi. Tóm lại, anh bề thế, nổi tiếng với hình ảnh “đầu trâu” hầm hố, trong khi em chỉ gặm cỏ hiền lành.
Trâu: Nghe thế tôi cũng suy nghĩ chút…
Bò: Xã hội cần anh. Nhưng xã hội thích em đấy. Do con người mà cũng phần nào do mình. Đã đến lúc anh em mình phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, anh nhỉ.
Trâu: Ừ. Mà có điều này, tôi cũng suy nghĩ: tại sao hễ vẽ tranh về làng quê Việt là có chú bé ngồi thổi sáo trên lưng Trâu chứ không phải lưng Bò?
Bò: Em vốn bị mang tiếng chẳng khôn ngoan, nhưng em suy diễn kiểu Bò: Vì chú bé thì ngây thơ, thân thương mà chú Trâu thì kiên cường, hùng dũng. Hai thứ đó bên nhau mới ra hình quê hương đích thực!
Trâu: Ờ… Vậy thì năm mới tôi cũng chúc mình được đích thị là… Trâu!
Lê Thị Liên Hoan
Thanh niên
|