Thứ Hai, 22/02/2021 10:50

Chất xúc tác tái cơ cấu thị trường vốn

Năm 2020 thế giới đã hứng chịu những tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều biến chủng virus mới có khả năng vô hiệu hóa vaccine, càng làm hy vọng gượng dậy của các nền kinh tế thêm mong manh. Trước yêu cầu hỗ trợ sản xuất và đầu tư, lãi suất đã được duy trì ở mức thấp. Điều này được dự báo có thể kéo dài và thúc đẩy khả năng tái cơ cấu thị trường vốn.

Tái cơ cấu phải diễn ra?

Thị trường vốn theo thông lệ quốc tế gồm có thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường trái phiếu và thị trường tín dụng. Tại Việt Nam, từ lâu tỷ phần huy động lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) thuộc về các kênh tín dụng (hầu hết là ngân hàng - NH).

Do đó sức đề kháng của các DN trong nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố lãi suất - chi phí của nguồn vốn. Tuy nhiên, ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nguồn vốn được huy động phần lớn từ kênh chứng khoán thay vì NH.

Bản chất của việc nắm giữ cổ phiếu là nhà đầu tư sẽ là một phần của DN, làm tăng vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán thay vì tăng nợ.

Với việc huy động được nguồn vốn lớn cho kinh doanh từ TTCK bằng cổ phiếu, DN sẽ trả chi phí thấp hơn rất nhiều cho “nguyên liệu” đầu vào này. Kể từ khi được thành lập vào năm 2000, TTCK Việt Nam dần đóng vai trò quan trọng nhưng vẫn chưa phát huy được hết khả năng cung cấp vốn trung, dài hạn của mình.

Quy mô và thanh khoản TTCK Việt Nam dù tăng trưởng mạnh qua từng năm, song vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và tính ổn định chưa cao. Giá trị vốn hóa toàn thị trường năm 2019 trong tương quan với GDP vào khoảng 102,6%. Đây là mức thấp so với Nhật Bản (337%), Singapore (257%), Malaysia (215%), Thái Lan (161%)... Bởi vậy nhu cầu mở rộng là cần thiết.

Mở rộng TTCK giúp giảm bớt gánh nặng cho kênh tín dụng trong huy động vốn cho DN, hạn chế việc chạy đua tăng trưởng tín dụng nhiều rủi ro. Phần lớn NH vì phải bảo đảm thành tích đã hạ tiêu chuẩn để cho vay nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Có thể nhìn thấy “cơ” trong “nguy” với việc tái cơ cấu thị trường vốn theo hướng mở rộng quy mô của TTCK, mà điều kiện thuận lợi quan trọng đã có do Covid-19 mang lại là lãi suất thấp.

Cuối cùng khả năng nợ xấu phát sinh làm ùn tắc dòng tiền trong nền kinh tế. Các DN khi tiếp cận được với TTCK dồi dào nguồn vốn sẽ làm giảm chi phí kinh doanh đáng kể, tạo điều kiện cho điều chỉnh giá thành của hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh. Lợi thế đó mang lại sức đề kháng tốt hơn cho DN khi đương đầu với các thách thức ở dài hạn.

Thực tế, từ trước đến nay chưa có chủ trương lớn nào đặt trọng tâm vào việc phải tái cơ cấu thị trường vốn, tuy nhiên đây vẫn là điều cần và sẽ xảy ra. Đặc biệt vào thời điểm chưa biết khi nào đại dịch sẽ đi qua và các DN đang cần nguồn vốn trung, dài hạn đủ lớn để tiếp tục hoạt động.

Do vậy, bảo đảm được sức khỏe của hệ thống DN nhờ giảm bớt sự lệ thuộc vào tín dụng bằng việc mở rộng TTCK, sẽ giúp củng cố tính bền vững của nền kinh tế, nên tái cơ cấu cần phải diễn ra.

Chất xúc tác bất đắc dĩ

Trước tác động phức tạp kéo dài của Covid-19, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá triển vọng kinh tế thế giới và trong nước còn khó lường. Do đó ngành NH sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn bằng cách mở rộng tín dụng, hứa hẹn một giai đoạn dài lãi suất được duy trì ở mức thấp.

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho DN và người lao động bị ảnh hưởng trong đại dịch thông qua kênh tín dụng hiện vẫn chưa giải ngân đáng kể. Riêng gói 62.000 tỷ đồng dành cho an sinh xã hội mới giải ngân được 11,7%. Chưa kể gói hỗ trợ tài khóa hơn 180.000 tỷ đồng cũng mới giải ngân được 26,4%.

Việc nguồn tiền bị ùn ứ do các tổ chức tín dụng phải tiếp tục cân nhắc đến yếu tố lãi suất. Lợi nhuận NH năm nay tương đối cao, trong khi tình hình giải ngân 3 gói hỗ trợ còn khiêm tốn, cho thấy đang có nỗi lo hiện hữu. Khi linh hoạt giảm lãi suất hơn nữa để tăng tỷ lệ giải ngân, các gói hỗ trợ sẽ tiềm tàng nguy cơ hình thành nợ xấu.

Điều đó đồng nghĩa phải tiến hành trích lập dự phòng rủi ro cao hơn, tức sẽ ăn mòn dần vào lợi nhuận của NH. Nỗi lo này khiến lãi suất ở cả 2 đầu giảm dè dặt. Nhưng kịch bản tăng lãi suất rất khó xảy ra cho đến khi có vaccine đặc trị.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó rất ít DN chọn phương án vay vốn nhằm duy trì hoạt động dài hạn, trong khi doanh thu bị tổn thất nặng nề. Khi lượng khách hàng sa sút, giá cả các mặt hàng sẽ được điều chỉnh giảm. Với ý nghĩa là giá của mặt hàng vốn, lãi suất càng có lý do để duy trì ở mức thấp. Việc giảm lãi suất trong thời gian dài khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển hướng sang các kênh trú ẩn khác hấp dẫn hơn.

Trong số các thị trường có thể kỳ vọng hấp thụ tốt lượng tiền nhàn rỗi này, TTCK triển vọng hơn cả. Bởi tương lai bất động sản ảm đạm do nguồn cầu giảm sút, trong khi thị trường vàng có xu hướng biến động mang tính nhất thời, chủ yếu bị tác động bởi tỷ giá và các hoạt động đầu cơ khó kiểm soát.

Vì vậy trong thời gian sắp tới cần có định hướng hành động nhằm bảo đảm đà tăng quy mô của TTCK một cách lành mạnh. Theo đó, đối với các biến động của TTCK, không nên dè chừng hoặc chỉ đơn thuần có các biện pháp loại trừ rủi ro trong hoạt động của TTCK, mà cần có các hành động cụ thể trong cải cách thể chế, định hướng TTCK phát triển về lượng, từ đó củng cố niềm tin cho nhà đầu tư để bảo đảm về chất cho TTCK.

Bên cạnh đó, Việt Nam bị cáo buộc thao túng tiền tệ, nên ít nhiều giá trị của VNĐ sẽ phải điều chỉnh tăng so với USD trong thời gian tới. Điều này tạo tiền đề để các đàm phán về quan hệ kinh tế được diễn ra tốt đẹp, mang lại cho TTCK cơ hội đón thêm dòng vốn ngoại. Do đó cần nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để đón đầu xu thế này.

Chính phủ nên có những giải pháp thúc đẩy dân cư thay đổi từ tư duy tiết kiệm phần lớn sang chủ yếu trực tiếp đầu tư, để không còn thụ động đối với nguồn thu nhập phụ từ tiền lãi. Thay vào đó người dân sẽ mở rộng khả năng làm giàu từ nguồn tiền nhàn rỗi trên thị trường vốn.

Việc nâng cấp TTCK cả về chất và lượng như vậy không chỉ đáp ứng nhu cầu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, còn giúp nới rộng nguồn lực của nền kinh tế trong việc “đốt nóng” các động cơ tăng trưởng trong dài hạn, bảo đảm tiệm cận với chuẩn phát triển của các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Lê Dương Anh Tuấn, Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Đầu năm, Sacombank tăng cường đấu giá tài sản thu hồi nợ xấu (22/02/2021)

>   Lãi suất cơ bản là gì? (20/02/2021)

>   SCB: Lãi trước thuế 2020 gấp 3 lần năm trước (20/02/2021)

>   Lãi suất tiền đồng tiếp tục giảm (19/02/2021)

>   Giá USD trong nước giảm mạnh sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán (19/02/2021)

>   Nhân viên ngân hàng nhiễm Covid-19, TP.Hải Dương khẩn cấp tìm người từng đến 26 điểm (19/02/2021)

>   Chuyển đổi MB Campuchia thành ngân hàng 100% vốn tại Campuchia  (18/02/2021)

>   Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh phương án mua ngoại tệ (18/02/2021)

>   NCB dự kiến chào bán 150 triệu cp với giá 10,000 đồng/cp (17/02/2021)

>   Giá USD hôm nay 16.2.2021: Sụt giảm trên thị trường quốc tế (16/02/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật