Thứ Hai, 04/01/2021 14:18

Quy định mới năm 2021: Khu vực nào được phân lô bán nền?

Năm 2021, quy định khu vực được thực hiện dự án phân lô, bán nền và quy định chặt chẽ điều kiện phân lô, bán nền dự án nhà ở sẽ bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đảm bảo phát triển đô thị bền vững.

Từ 8/2/2021, Nghị định 148 có hiệu lực quy định khu vực được thực hiện dự án phân lô, bán nền và quy định chặt chẽ điều kiện phân lô, bán nền dự án nhà ở

Khu vực nào được phân lô bán nền?

Theo Khoản 17 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP (Nghị định 148) sẽ có hiệu lực từ 8/2/2021 đã sửa đổi, bổ sung Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê. Trong đó nêu rõ: Dự án nhà ở dưới hình thức phân lô, bán nền được thực hiện tại khu vực không nằm trong địa bàn các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị (Khoản 2 Điều 41).

Đánh giá về sự thay đổi này, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), quy định trên phù hợp với nhu cầu thực tiễn và sức mua của thị trường, vì đã cho phép thực hiện dự án nhà ở dưới hình thức phân lô, bán nền tại các huyện thuộc các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương và tại các đô thị loại II, III, IV, V, trừ khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.

Cùng với đó, Nghị định cũng quy định chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải; Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) (Khoản 1 Điều 41).

Theo HoREA, việc quy định khu vực được thực hiện dự án phân lô, bán nền và quy định chặt chẽ điều kiện phân lô, bán nền dự án nhà ở sẽ bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đảm bảo phát triển đô thị bền vững trong khi đó vẫn giải quyết nhu cầu rất lớn của cá nhân, hộ gia đình được mua nền để tự xây dựng nhà trong dự án nhà ở tại các khu vực đô thị.

Đồng thời khắc phục tình trạng dự án phân lô, bán nền tràn lan trong thời gian qua, mà chủ đầu tư không xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối với hạ tầng chung của khu vực, không có các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thậm chí thiếu cả các công trình cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước, thoát nước.

Kiểm soát chặt tình trạng phân lô, bán nền tràn lan

Về quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa, Khoản 23 Điều 1 Nghị định 148 bổ sung Điều 75a Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.

Phân tích về quy định này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội HoREA cho rằng, Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai chỉ cho phép UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở nông thôn, đất ở đô thị, không quy định tách thửa đối với các loại đất khác, không phải là đất ở.

Nhưng, Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP đã bổ sung Điều 43d Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

“Quy định này không rõ ràng, dẫn đến “ngộ nhận” là có thể cho phép tách thửa đối với tất cả các loại đất, mà lẽ ra cụm từ “từng loại đất” phải được hiểu thống nhất là chỉ bao gồm “đất ở nông thôn, đất ở đô thị”. Tại Nghị định 148 đã quy định chặt chẽ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa so với các quy định trước đây, để quản lý và kiểm soát chặt chẽ tình trạng phân lô, bán nền” – ông Châu đánh giá.

Thuận Phong

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Loạt thay đổi quan trọng liên quan đến sổ đỏ trong năm 2021 (02/01/2021)

>   Nguồn thu từ tài nguyên đất trong 5 năm qua đạt gần 850.000 tỷ đồng (31/12/2020)

>   Một quận ở TP.HCM để nợ tiền sử dụng đất hàng trăm tỉ đồng (28/12/2020)

>   Hàng ngàn dự án có đất xen kẽ đã được 'cứu' (21/12/2020)

>   TP.HCM: Đẩy nhanh thu tiền sử dụng đất tại các dự án bất động sản (18/12/2020)

>   Bắt nhóm làm sổ đỏ giả lừa bán đất chiếm đoạt gần 13 tỉ đồng (18/12/2020)

>   ‘Ma trận’ phí bủa vây khách vay mua bất động sản (08/12/2020)

>   Sai lầm lớn ngay lần đầu đổ tiền vào nhà đất liều ‘ôm’ gánh lỗ nặng (07/12/2020)

>   Kiến nghị bỏ phí bảo trì 2% (07/12/2020)

>   Tầng lánh nạn làm tăng giá căn hộ? (05/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật