Ngân hàng Trung ương châu Âu giữ nguyên các lãi suất chủ chốt
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là âm 0,5%.
Khách hàng chờ mua sắm tại Kehl, biên giới Pháp và Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Không nằm ngoài dự đoán, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 21/1 đã quyết định giữ nguyên các lãi suất chủ chốt và các chính sách ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong cuộc họp về chính sách tiền tệ đầu tiên của năm 2021.
Theo thông báo của ECB, các mức lãi suất quan trọng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục được duy trì ở mức thấp kỷ lục. Cụ thể, ECB quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là âm 0,5%.
Tháng 12/2020, ECB đã bổ sung 500 tỷ euro (607 tỷ USD) vào Chương trình khẩn cấp mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP), nâng tổng giá trị chương trình lên 1.850 tỷ euro. Trong cuộc họp, ECB cũng tuyên bố sẽ gia hạn chương trình này ít nhất đến tháng 3/2022.
Theo ECB, tổng số tiền trên không cần thiết phải sử dụng hết nếu "các điều kiện tài chính thuận lợi có thể được duy trì trong khi dòng tiền thu mua tài sản không làm cạn kiệt ngân quỹ và vượt quá mức thu mua ròng của PEPP." Tuy nhiên, ECB cũng lưu ý khoản ngân quỹ trên có thể được điều chỉnh nhằm duy trì các điều kiện tài chính thuận lợi và ứng phó với cú sốc do đại dịch gây ra.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn gây ra "những rủi ro nghiêm trọng" đối với hệ thống y tế công cũng như nền kinh tế Eurozone và toàn cầu. Theo bà, những rủi ro xung quanh triển vọng tăng trưởng của Eurozone "vẫn nghiêng về hướng suy giảm nhưng ít rõ rệt hơn."
Bà viện dẫn những tín hiệu đáng khích lệ bao gồm thông tin về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu, thỏa thuận về mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu-Anh trong tương lai và sự khởi động các chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, đại dịch vẫn đang diễn ra và những tác động của nó đối với các điều kiện kinh tế và tài chính sẽ là nguồn cội của những nguy cơ gây suy giảm kinh tế.
Bà Lagarde cũng nhấn mạnh một thay đổi quan trọng trong việc thực hiện PEPP chính là các "điều kiện kinh tế thuận lợi," được đánh giá thông qua cách tiếp cận tổng thể, có cân nhắc các yếu tố khác nhau trong tất cả các ngành, cũng như các yếu tố liên quan đến thúc đẩy lạm phát.
Chủ tịch ECB đồng thời nhắc lại lập trường của ECB tăng giá đồng euro, vốn dường như là mối quan tâm chung của các nhà báo và nhà phân tích. Bà nói: “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến của tỷ giá hối đoái với những tác động có thể xảy ra đối với triển vọng lạm phát trung hạn."
Quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt của ECB được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu vẫn đang phải chật vật kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Tuần này, Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khối Eurozone đã quyết định gia hạn các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt cho đến giữa tháng Hai. Trong khi đó, tại Pháp, một lệnh giới nghiêm toàn quốc bắt đầu từ 18h00 cũng sẽ có hiệu lực vào cuối tuần này.
Nhiều mối lo ngại cho rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới nhất có thể gia tăng sức ép lên nền kinh tế của Eurozone, vốn đang từng bước phục hồi sau khi sụt giảm mạnh vào quý 3/2020. Tháng 12 năm ngoái, ECB dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2021, sau khi giảm 7,3% trong năm 2020./.
Minh Tuấn-Phương Oanh
Vietnam+
|