Năm 2021, đà phục hồi kinh tế thế giới sẽ là hình chữ K hay V?
Nền kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục và sẽ tăng tốc trong năm 2021 nhờ các vaccine Covid được triển khai rộng rãi nhưng những di sản của đại dịch sẽ định hình tăng trưởng toàn cầu trong những năm tới. Cú sốc từ đại dịch Covid-19 đã tạo những thay đổi sâu rộng và có thể là mãi mãi trong các hoạt động kinh tế. Vẫn chưa thể nói được rằng đà phục hồi kinh tế thế giới sẽ theo hình chữ K hay chữ V. Dưới đây là 10 thay đổi tác động lớn đến nền kinh tế thế giới trong năm qua, theo ghi nhận của Bloomberg.
Dấu ấn quyền lực chính phủ
Quyền lực của chính phủ quay trở lại khi khế ước xã hội giữa nhà nước và xã hội đang được viết lại nhanh chóng do tác động của dịch bệnh. Giờ đây, việc giới chức trách theo dõi người dân đi đâu và gặp ai đã trở nên phổ biến khi họ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Quang cảnh vắng ngắt ở Quảng trường Thời Đại ở Manhattan, New York, Mỹ hồi tháng 3-2020 khi chính quyền triển khai lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters
|
Các chính phủ, đặc biệt là ở phương Tây, dùng ngân sách để trả lương cho người lao động ở khu vực tư nhân khi các doanh nghiệp không thể xoay sở tài chính. Ở những nước nơi các khái niệm thị trường tự do ngự trị trong nhiều thập kỷ, giới chức trách phải nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo vệ nền kinh tế.
Để có chi phí cho những động thái can thiệp kinh tế này, các chính phủ trên khắp thế giới chấp nhận mức thâm hụt ngân sách lên tới 11.000 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, theo hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co.
Thời kỳ tiền rẻ
Các ngân hàng trung ương đã đẩy mạnh tốc độ in tiền, đưa lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục mới để cứu vãn nền kinh tế. Họ đã tăng cường nới lỏng định lượng để mua trái phiếu doanh nghiệp cũng như trái phiếu chính phủ.
Tất cả những động thái can thiệp tiền tệ này đã tạo ra một số điều kiện tài chính dễ dàng nhất trong lịch sử và mở ra làn sóng đầu tư mang tính đầu cơ, khiến giới phân tích lo ngại về các rủi ro ở phía trước. Nhưng chính sách của các ngân hàng trung ương sẽ khó bị đảo ngược, đặc biệt là nếu thị trường lao động vẫn ảm đạm và các công ty tiếp tục tiết kiệm chi tiêu.
Và lịch sử cho thấy các đại dịch thường khiến lãi suất duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài. Một nghiên cứu công bố trong năm nay phát hiện thấy rằng trong vòng 25 năm sau khi một đại dịch xảy ra, tỷ lệ lãi suất thường ở mức thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với kịch bản không có đại dịch.
Nợ doanh nghiệp phình to
Các chính phủ đã cung cấp phao tín dụng trong thời kỳ dịch bệnh và các doanh nghiệp nhanh chóng túm lấy nó. Hệ quả là nợ doanh nghiệp phình to ở khắp các nền kinh tế phát triển. Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) ước tính các công ty phi tài chính đã vay nợ ròng 3.360 tỉ đô la trong nửa đầu năm 2020.
Các điều kiện cho cuộc khủng hoảng vỡ nợ doanh nghiệp quy mô lớn đang hình thành khi doanh thu giảm sâu ở nhiều ngành do tác động của lệnh phong tỏa hoặc do người dùng dè xẻn chi tiêu, khiến nhiều doanh nhiệp thua lỗ.
Một số nhà phân tích cảnh báo rủi ro khi chính phủ, đặc biệt ở phương Tây, cung cấp quá nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp và không cần phân biệt mức độ khó khăn của họ. Họ cho rằng đó là một công thức để tạo ra ‘các doanh nghiệp xác sống’ (zombie firms), tức những công ty không thể tồn tại trong một thị trường tự do và chỉ tiếp tục duy trì sự sống nhờ sự hỗ trợ của nhà nước. Hiện tượng sống lay lắt này của một bộ phận doanh nghiệp sẽ khiến nền kinh tế tổng thể kém năng suất hơn.
Khoảng cách giàu và nghèo rộng hơn
Các thảo luận về gói kích thích kinh tế khổng lồ giống như là điều xa xỉ chỉ có ở các nước phát triển. Người dân Mỹ vừa nhận thêm 600 đô la trợ cấp sau khi Tổng thống Trump ký thông qua gói cứu trợ kinh tế thứ hai. Trong gói cứu trợ lần thứ nhất hồi tháng 3, người dân Mỹ đã nhận được 1.200 đô la.
Các nước nghèo thiếu nguồn lực để bảo vệ việc làm và doanh nghiệp hay đầu tư phát triển vaccine Covod-19 giống như cách là các nước giàu đã làm. Các nước nghèo cũng sẽ thắt chặt chi tiêu ngân sách sớm hơn, nếu không sẽ đối mặt rủi ro khủng hoảng tiền tệ và dòng vốn tháo chạy.
Hầu hết các ngân hàng trung ương trên toàn cầu (màu hồng) đều đã cắt giảm lãi suất trong năm nay. Ảnh: Bloomberg
|
Ngân hàng Thế giới cảnh báo đại dịch sẽ hình thành một thế hệ người nghèo mới với khoảng 88-115 triệu người rơi vào cảnh sống nghèo cùng cực (thu nhập dưới 1,9 đô la/ngày) trong năm nay. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lưu ý nếu thiếu vắng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các nước đang phát triển đối rủi ro một thập kỷ mất mát.
Các nước chủ nợ trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã tiến hành các biện pháp giãn nợ cho những nước nghèo. Song các tổ chức cứu trợ quốc tế cho rằng hành động của họ còn hạn chế và không huy động được các nhà đầu tư tư nhân tham gia kế hoạch hỗ trợ cho các nước nghèo.
Đà hồi phục hình chữ K
Mức trả lương trong ngành dịch vụ, nơi người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, vốn đã thấp. Đại dịch Covid-19 ập đến và các lệnh phong tỏa diễn ra sau đó khiến nhiều lao động ngành dịch vụ mất thu nhập do rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, các thị trường tài chính, nơi tài sản chủ yếu nằm trong tay người giàu, bật tăng mạnh mẽ, giúp họ giàu thêm.
Sự chênh lệch thu nhập này được gọi là đà hồi phục hình chữ K, tức rẽ theo hai hướng trái ngược nhau, thể hiện rõ ràng ở Mỹ. Đại dịch Covid-19 đang nới rộng khoảnh cách giàu nghèo khắp những điểm đứt gãy của tầng lớp, chủng tộc và giới tính.
Phụ nữ là nhóm lao động bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, một phần là vì họ thường làm việc trong các ngành đang gặp khó khăn do tác động của Covid-19 và phải đảm trách phần lớn trách nhiệm chăm sóc con cái khi nhà trường đóng cửa.
Sự trỗi dậy của robot
Covid-19 làm dấy lên các lo ngại mới về tiếp xúc giữa con người với con người trong những ngành dịch vụ như bán lẻ, nhà hàng, khách sạn hay nhà kho. Một giải pháp cho vấn đề này là thay thế con người bằng robot.
Các nghiên cứu cho thấy tự động hóa thường tăng tốc trong suốt thời kỳ kinh tế suy thoái. Trong đại dịch Covid-19, các công ty đã tăng cường sử dụng robot để đảm trách công việc check-in tại các khách sạn, cắt rau salad ở các nhà hàng và thu phí tại các trạm thu phí, phân loại hàng hóa các nhà kho...
Những sáng tạo này giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn nhưng cũng có nghĩa là khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, một số việc làm sẽ mất đi vĩnh viễn.
Làm việc từ xa trở thành bình thường mới
Làm việc từ xa trở thành điều bình thường mới trong thời kỳ dịch bệnh. Một nghiên cứu phát hiện thấy rằng 2/3 GDP của Mỹ trong tháng 5 được tạo ra bởi lực lượng lao động đang làm việc tại nhà. Nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa đến năm 2021 và một số công ty lên kế hoạch duy trì mô hình làm việc này lâu dài.
Làm việc tại nhà đã được thử nghiệm thành công, cho phép chủ doanh nghiệp và nhân viên có thêm những sự lựa chọn mới. Đó là mối lo ngại đối với nhiều doanh nghiệp phục vụ mô hình làm việc cũ từ các bất động sản thương mại cho đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống và đi lại.
Nhưng đó là một phần thưởng lớn cho những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa. Cổ phiếu của nền tảng hội họp trực tuyến Zoom đã tăng giá hơn sáu lần trong năm nay nhờ lượng người dùng tăng vọt.
Người dân hạn chế đi du lịch
Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu du lịch gần như tê liệt trong năm nay. Lượng du khách quốc tế suy giảm 72% trong 10 tháng đầu năm nay, theo dữ liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới. Hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co. dự báo khoảng 25% chuyến công tác trên toàn cầu có thể biến mất mãi mãi khi các cuộc họp được chuyển lên không gian trực tuyến.
Lượng du khách quốc tế suy trong 10 tháng đầu năm nay giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới. Ảnh: Bloomberg
|
Giờ đây, du khách có thể phải mang theo các giấy tờ xác nhận sức khỏe và phải trải qua các hình thức kiểm tra sức khỏe mới tại điểm nhập cảnh. Công ty China Tech Global (Hồng Kông) đã phát triển một buồng khử khuẩn di động để bán cho các sân bay. Sammy Tsui, Giám đốc điều hành China Tech Global, cho biết buồng khử khuẩn này có thể tiêu diệt mầm bệnh trên cơ thể và áo quần trong vòng 40 giây.
Một tiến trình toàn cầu khác đang diễn ra
Khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa ở giai đoạn đầu của dịch bệnh Covid-19, điều này gây ra những cú sốc lan rộng khắp các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến nhiều doanh nghiệp và chính phủ cân nhắc lại sự phụ thuộc của họ vào công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới.
Chẳng hạn, hãng thời trang NA-KD.com (Thụy Điển) đã quyết định chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tokyo trợ cấp cho nhiều công ty Nhật Bản di dời hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về quê nhà hoặc sang các nước Đông Nam Á. Đó là một các ví dụ cho thấy toàn cầu hóa chỉ đang điều chỉnh chứ không thoái lùi.
Nền kinh tế xanh hơn
Trước đai dịch, các tổ chức bảo vệ môi trường cảnh báo về kịch bản nhu cầu toàn cầu sắp chạm đỉnh và đi xuống vì sự trỗi dậy của xe điện có thể làm suy giảm nhu cầu dầu mỏ, một trong những nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm nhất.
Nhưng với hàng ngàn máy bay nằm đất và mọi người ở nhà nhiều hơn trong năm nay, ngay cả các tập đoàn dầu khí toàn cầu như BP cũng cảm nhận mối đe dọa thực sự khi thế giới quan tâm hơn đến vấn đề khí hậu.
Bernard Looney, Giám đốc điều hành BP, cho rằng nhu cầu dầu sụp đổ do dịch Covid-19 và sự thay đổi kéo dài sau đó trong lối sống của người dân có thể khiến nhu cầu dầu không bao giờ quay trở lại mức 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019. BP đang đầu tư mạnh mẽ cho mảng năng lượng tái tạo để sẵn sàng ứng phó kịch bản này.
Trong khi đó, trong năm qua, các chính quyền từ California cho Nhật Bản và Mỹ đều đã thông báo kế hoạch cấm bán xe chạy xăng và diesel vào năm 2035.
Chánh Tài
TBKTSG
|