Thứ Hai, 18/01/2021 09:00

M&A thời Covid-19: Chủ quyền quốc gia và xây dựng để trường tồn

Làn sóng M&A đang diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây từ các nhà đầu tư nước ngoài mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam để phát triển kinh tế và nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động trong nước. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những mối lo liên quan đến các thương hiệu Việt đang dần vắng bóng trên thị trường.

* [Infographic] Điểm lại những thương vụ M&A ‘khủng’ trong năm 2020

* Làn sóng M&A sẽ bùng nổ trong năm 2021?

Cuộc chơi của các nhà đầu tư ngoại

Trong vài năm trở lại đây, thị trường Việt Nam đã chứng kiến làn sóng M&A với các tay chơi chủ yếu đến từ nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), tổng giá trị giao dịch M&A đã tăng mạnh mẽ từ 2009 ở mức 1.14 tỷ đô la lên đến mức 10 tỷ USD năm 2017. Trong 2 năm 2018 và 2019, giá trị giao dịch đã sụt giảm xuống lần lượt ở mức 7.6 tỷ và 7.2 tỷ đô la. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên tổng giá trị giao dịch đã giảm hơn 50%, chỉ còn ở mức 3.5 tỷ USD.

Dự báo về sự phục hồi của hoạt động M&A tại Việt Nam (Đơn vị: Triệu USD)

Nguồn: CMAC Institue

Đáng chú ý, theo số liệu từ MAF thì hầu hết các thương vụ thâu tóm trước năm 2018 đều do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Cụ thể, năm 2017 nước ngoài chiếm tới 91.8% tổng giá trị giao dịch, trong khi đó 2018 mặc dù các nhà đầu tư trong nước bắt đầu tăng cường tham gia cuộc chơi tuy nhiên tổng giá trị giao dịch từ nước ngoài vẫn chiếm tới 82%.

Sang năm 2019, các doanh nghiệp trong nước đang dần cân bằng được cuộc chơi với tổng giá trị giao dịch đạt 1.6 tỷ USD, chiếm 22%  bao gồm các tay chơi lớn như Vingroup, Masan, Pan Group…

Hoạt động M&A phân theo quốc gia 2019-2020 (Đơn vị: Triệu USD)

Nguồn: MAF

Mối lo về an ninh quốc gia

Việc các doanh nghiệp nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam với quy mô ngày càng lớn cho thấy môi trường đầu tư trong nước đang rất hấp dẫn. Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ cũng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian sắp tới, giúp cho lao động của Việt Nam được nâng cao tay nghề và kiến thức. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những mối lo về an ninh quốc gia khi các thương hiệu Việt dần biến mất và các tập đoàn nước ngoài dần chiếm lĩnh thị trường.

Cụ thể, có thể kể đến hàng loạt các thương vụ mà các thương hiệu đầu ngành của Việt Nam đã rơi vào tay khối ngoại như The Nawaplastic Industries (Thái Lan) nâng sở hữu lên 51% tại Nhựa Bình Minh (BMP) năm 2018, Sojitz (Nhật Bản) mua lại 95.2% vốn điều lệ tại công ty Giấy Sài Gòn năm 2018, Taisho (Nhật Bản) nâng sở hữu lên 51% tại công ty Hậu Giang Dược (DHG) vào năm 2019, Stark Corporation (Thái Lan) mua lại 100% cổ phần của công ty Thipha Cable và Dovina vào năm 2020.

Đặc biệt, sau khi Big C được Tập đoàn Central Group mua lại với mức giá 1 tỷ USD từ tập đoàn Casino của Pháp, Tập đoàn này vào ngày 2/7/2019 đã gửi thư đến các đối tác Việt Nam, thông báo siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam kể từ tháng 7/2019. Lý do được phía Central Group đưa ra đó là thay đổi chiến lược kinh doanh để chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam.

Sau khi đơn vị điều hành hệ thống siêu thị Big C ra thông báo tạm dừng nhập sản phẩm may mặc của Việt Nam, đại diện nhiều doanh nghiệp đã kéo đến văn phòng đại diện Central Group tại TP.HCM phản đối. Đây rõ ràng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam khi khâu phân phối bán lẻ trong nước đã hoàn toàn rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Mối lo ngại này tiếp tục ngày càng gia tăng khi các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn khi Covid 19 đã khiến cho các hoạt động kinh tế chậm lại và nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản do mất thanh khoản. Rất nhiều quốc gia đã có những biện pháp ngăn chặn việc thâu tóm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Cụ thể, ngày 12/11/2020, Chính phủ Anh đã công bố quyền hạn dự thảo mới theo Dự luật An ninh Quốc gia và Đầu tư (‘Dự luật’) để sàng lọc một số giao dịch nhất định trên cơ sở an ninh quốc gia. Các đề xuất áp dụng cho các vụ mua lại và đầu tư (bao gồm cả mua lại cổ phần thiểu số) của người mua nước ngoài trong một loạt các ngành từ quốc phòng và công nghệ đến năng lượng, giao thông vận tải và truyền thông. Những quyền hạn được đề xuất này phản ánh những quyền hạn được ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm bảo vệ chống lại đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược - và phản ánh xu hướng bảo hộ ngày càng tăng trong bối cảnh lo ngạivề khả năng của các công ty nước ngoài (thường có sự hậu thuẫn của nhà nước) trong việc mua lại cơ sở hạ tầng quan trọng và tài sản.

Thêm vào đó, ngày 8/4/2020, Chính phủ Đức cũng đã tuyên bố siết chặt chính sách M&A doanh nghiệp nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước các hoạt động thâu tóm bởi các nhà đầu tư ngoài EU, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Các quốc gia khác như Canada, Ấn Độ cũng đã ra hàng loạt các quy định để chống lại việc thâu tóm từ các quốc gia nước ngoài trong năm 2020.

Ảnh minh họa

Xây dựng để trường tồn

Làn sóng M&A đang diễn ra mạnh mẽ trong nước  khiến cho các thương hiệu Việt dần vắng bóng trên thị trường. Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc tuổi đời của các doanh nghiệp Việt Nam và làm sao để lấy lại lợi thế cạnh tranh trước nguy cơ thua cuộc ngay tại sân nhà.

Nhật Bản ngày nay nổi tiếng với số lượng lớn nhất các công ty lâu đời nhất trên thế giới với 33,000 doanh nghiệp đã tồn tại ít nhất một thế kỷ (theo nghiên cứu của Teikoku Data Bank). Tại đất nước mặt trời mọc này, những doanh nghiệp tồn tại ít nhất hơn 100 năm còn được biết đến với cái tên "Shinise". Rất nhiều nghiên cứu và bài học đã được thực hiện để tìm hiểu về sự trường tồn của các doanh nghiệp này.

Tập trung vào dài hạn và phục vụ cộng đồng: Các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên tập trung vào các mục tiêu dài hạn và ưu tiên phục vụ cộng đồng thay vì các mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn. Hầu hết các "Shinise" đều là công ty gia đình được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, do đó những áp lực từ cổ đông bên ngoài dường như không ảnh hưởng đáng kể về việc theo đuổi các mục tiêu dài hạn của các công ty này. Ngoài ra, tầm nhìn sứ mệnh của doanh nghiệp cũng được chủ doanh nghiệp xác định rất rõ ràng và các giá trị của doanh nghiệp hoặc quy tắc ứng xử sẽ được lưu trữ dưới hình thức tín ngưỡng gia đình để có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thêm vào đó, với văn hóa ưu tiên phục vụ cộng đồng hơn là các cổ đông của chính công ty, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn sáng tạo và tạo ra những giải pháp để giải quyết các vấn đề cấp thiết mà cộng động đang gặp phải. Thông qua đó, rất nhiều cải tiến và sản phẩm, dịch vụ mới được đưa ra thị trường để đáp ứng cho nhu cầu của cộng đồng.

Quản lý tài chính thận trọng và chặt chẽ: Lãng phí luôn được coi là một hành vi vi phạm đáng bị lên án nghiêm trọng tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp, việc quản lý tài chính cũng thường được kiểm soát rất chặt chẽ. Hầu hết các doanh nghiệp Nhật mở rộng doanh nghiệp rất thận trọng, thường việc mở rộng doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến việc giữ vững cam kết phục vụ cộng động hơn là vì mục tiêu lợi nhuận. Một báo cáo của KPMG về hoạt động M&A tại thị trường Nhật Bản có tựa đề "Approaching M&A with Japan” thì đặc điểm chung của hầu hết các doanh nghiệp Nhật đều tích trữ lượng tiền mặt khá dồi dào (cash rich). Số liệu của Bloomberg được trích dẫn trên báo Japantimes ngày 03/09/2019, các công ty niêm yết ở Nhật Bản nắm giữ 506.4 ngàn tỷ Yên tiền mặt (4,859 tỷ USD) tính đến thời điểm nộp hồ sơ mới nhất, ghi nhận mức cao nhất trong kỷ lục.

Khủng hoảng kinh tế diễn ra theo chu kỳ (economic cycle) và hầu hết đều nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế học hiện nay. Khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, rõ ràng chỉ có những công ty có bảng cân đối kế toán khỏe mạnh, quản lý tài chính chặt chẽ mới có thể vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn này. Đây cũng chính là một trong những lý do giúp cho các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tồn tại trong dài hạn.

Tóm lại, làn sóng M&A đang diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây từ các nhà đầu tư nước ngoài mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam để phát triển kinh tế và nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động trong nước. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những mối lo liên quan đến an ninh quốc gia và các thương hiệu Việt đang dần vắng bóng trên thị trường.

Huỳnh Nhật Trình (Head of Investment Banking, Funan Securities)

FILI

Các tin tức khác

>   TDT giảm sàn liên tiếp 2 phiên sau tin tăng vốn, chuyển sàn (15/01/2021)

>   MST muốn huy động 300 tỷ đồng bổ sung vốn cho dự án I Tower Quy Nhơn (13/01/2021)

>   Vinamilk và GTNFoods muốn mua 39.2 triệu cp Mộc Châu Milk (12/01/2021)

>   Đầu tư Tài chính Hoàng Minh dự kiến phát hành hơn 36 triệu cp (11/01/2021)

>   AAA sắp họp ĐHĐCĐ bất thường để thông qua phương án đấu giá phát hành 75 triệu cp (11/01/2021)

>   VNF: Thông báo phát hành Cổ phiếu ra công chúng (08/01/2021)

>   VNF: Bản cáo bạch phát hành cổ phiếu ra công chúng (08/01/2021)

>   NVL: Thông báo về việc phát hành cổ phiếu ra công chúng (08/01/2021)

>   Novaland chào bán cổ phiếu với giá thấp hơn thị giá gần 22% (08/01/2021)

>   CKG chuẩn bị huy động thêm 300 tỷ đồng vốn điều lệ (08/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật