Lợi nhuận Gemadept 2020 vượt 21% kế hoạch
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2020, doanh nghiệp nằm trong top đầu ngành logistics này đã hoàn thành vượt kế hoạch cả về doanh thu (vượt 21%) và lợi nhuận (vượt 19%).
Vận tải Gemadept
|
Trong quý 4, CTCP Gemadept (HOSE: GMD) ghi nhận doanh thu thuần tăng 9% so với cùng kỳ, đạt 703 tỷ đồng. Do giá vốn tăng mạnh hơn đã kéo biên lãi gộp của doanh nghiệp logistics này giảm nhẹ so cùng kỳ, ghi nhận 28%. Ngoài ra, khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết cũng giảm 25%, xuống còn 49 tỷ đồng.
Kỳ này, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt giảm. Ngược lại, chi phí bán hàng tăng 12%, lên gần 41 tỷ đồng.
Kết thúc quý cuối năm, lãi ròng của GMD giảm 20%, xuống còn 52 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 4/2020 của GMD. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của GMD
|
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần của GMD biến động không đáng kể, ghi nhận gần 2,604 tỷ đồng và lãi ròng đi lùi 29%, xuống còn 366 tỷ đồng.
Theo GMD, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường và lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết giảm. Tại thời điểm cuối năm, doanh nghiệp này đang sở hữu 18 công ty con và 16 công ty liên doanh, liên kết.
Trong năm 2020, căn cứ vào các dự báo về kinh tế thế giới và Việt Nam và kịch bản tăng trưởng GDP Việt Nam của Bộ kế hoạch và Đầu tư, GMD đưa ra 2 kịch bản cho hoạt động kinh doanh. Đối với kịch bản 1, GMD lên kế hoạch doanh thu 2020 ở mức 2,150 tỷ đồng và 500 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt giảm 19% và 29% so với thực hiện năm trước.
Kịch bản còn lại của GMD giảm mạnh hơn so với kịch bản 1. Cụ thể, doanh thu ở mức 2,000 tỷ đồng và 430 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt giảm 24% và 39% so với 2019. Được biết, kế hoạch lãi lần này là kế hoạch thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây của GMD.
Như vậy, so với kế hoạch 1, GMD đã vượt 21% kế hoạch doanh thu và vượt 19% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của GMD ghi nhận gần 9,858 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn giảm nhẹ, xuống còn 763 tỷ đồng và hàng tồn kho giảm 6%, ghi nhận gần 73 tỷ đồng (40% là nguyên liệu, vật liệu và 22% là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang).
Nợ phải trả tại thời điểm này cũng giảm 8%, xuống còn 3,256 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn ghi nhận gần 1,762 tỷ đồng (giảm 4%) và nợ vay dài hạn hơn 1,494 tỷ đồng (giảm 13%).
Tiên Tiên
FILI
|